Huyền Thoại đàn đá Khánh Sơn

Huyền Thoại đàn đá Khánh Sơn

(GD&TĐ) - Khánh Sơn là một huyện miền núi phía Nam thuộc tỉnh Khánh Hòa. Độ cao trung bình của vùng đất Khánh Sơn là khoảng 1500m so với mực nước biển. Ở đây, từ lâu đã nổi tiếng bởi cây đàn đá huyền thoại của người Raglai được phát hiện và lưu giữ từ năm 1979 đến nay.

Xung quanh cây đàn huyền thoại gồm 12 thanh đá đẽo theo những kích thước khác nhau và có thể phát ra những âm thanh, nhạc điệu tùy ý người đánh này có rất nhiều câu chuyện vừa mang tính hiện thực, vừa mang tính huyền thoại. Nhân một dịp về thăm Khánh Sơn, chúng tôi may mắn gặp được anh Mấu Quốc Tiến, người Raglai, hiện là Trưởng ban quản lý di tích của huyện Khánh Sơn. Ngồi cả một buổi sáng bên trong căn phòng ở gần Ủy ban huyện với xung quanh là những thanh đàn đá, cồng, chiêng và rất nhiều di vật cổ xưa khác của người Raglai, chúng tôi được biết thêm nhiều điều lý thú quanh bộ đàn đá mà nhờ nó, vùng đất Khánh Sơn đã được nhiều nhà nghiên cứu trong nước và thế giới biết đến.

Khoảng cuối năm 1978, tại thôn Tô Hạp, xã Trung Hạp, huyện Khánh Sơn, Khánh Hòa có gia đình ông Bo Bo Ren, người Raglai mang một đàn đá ra biểu diễn nhân dịp xã Trung Hạp được Nhà nước tuyên dương là xã Anh hùng trong chống Mỹ cứu nước. Sau đó, rất nhiều đoàn nghiên cứu của tỉnh Khánh Hòa và Viện nghiên cứu âm nhạc Việt Nam đã về đây để gặp ông Bo Bo Ren.

Đàn đá Khánh Sơn, nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người
Đàn đá Khánh Sơn, nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người

Được biết, bộ đàn đá mà ông Bo Bo Ren phát hiện cách thời gian đó khoảng chừng 40 năm, trong một lần ông đi làm nương rẫy cùng với gia đình. Nó gồm 12 tấm đá đẽo gọt cầu kỳ theo một kích thước định sẵn. Thanh nặng nhất lên tới gần 30 kg, còn thanh nhẹ nhất cũng khoảng 9kg. Khi gõ vào những thanh đá này thì phát ra những âm thanh trong suốt, vang, ấm và đồng nhất như nhạc cụ. Kỳ lạ hơn, mỗi phần của thanh đá cho một âm thanh khác nhau, tùy ý người sử dụng, tạo nên một bản nhạc có những tiếng kêu như tiếng sắt, tiếng đồng… Ngoài những thanh đá này thì còn có hai vật dùng để gõ và những vật hình thang để kê đàn cũng làm bằng đá xanh.

Theo các nhà nghiên cứu cổ vật người Pháp nghiên cứu và thực nghiệm thì những thanh đá xanh này có nhiều ở vùng đất Khánh Sơn, và qua đó khẳng định chắc chắn nó được chế tạo tại chính nơi đây chứ không phải nơi khác đem đến. Sau đó, như để củng cố thêm kết luận này, các nhà nghiên cứu còn tìm thấy dấu tích của những mảnh vụn đàn đá được chế tác gần nơi gia đình ông Bo Bo Ren đã phát hiện ra bộ đàn đá này. Những nghiên cứu còn chỉ ra rằng bộ đàn đá Khánh Sơn trên do con người chế tác từ thời tiền sử, có niên đại từ cách đây 2000 đến 5000 năm. Qua đó có thể thấy đàn đá Khánh Sơn là một trong những nhạc cụ cổ xưa nhất của loài người trên trái đất.

Và khi chế tạo ra nó thì người ta đã biết cách sử dụng như một công cụ âm nhạc vì trên những thanh đá vẫn còn in hình những vết mòn nhẵn ở những điểm xác định, cách nhau chừng 2cm. Sau khi nghe anh Mấu Quốc Tiến kể về sự tích của bộ đàn đá này, chúng tôi vô cùng vui mừng vì lại được mời dự lễ hội mừng lúa mới của đồng bào Raglai nơi đây. Dưới mái nhà Rông chúng tôi đã được uống những bát rượu cần, nghe những bản nhạc từ bộ cồng, chiêng và cả những âm thanh huyền thoại của bộ đàn đá nơi đây.

Trong men rượu say nồng, các già làng người Raglai kể cho chúng tôi nghe truyền thuyết về bộ đàn đá, về Tảng Đá Hú, về nguồn gốc của người Raglai và rất nhiều câu chuyện ly lỳ khác.

Theo đó, những thanh đàn đá này không những có tác dụng tạo nên những âm thanh xua đuổi tà ma, thú dữ, giữ bản làng hay thúc giục mọi người chăm chỉ làm nương rẫy mà xa xưa hơn nữa, những thanh đá này còn là vũ khí để người Raglai đấu tranh với Trời, với thiên nhiên, nhằm mang lại cuộc sống ấm no cho dân bản. Chuyện kể rằng có một chàng trai dũng cảm người Raglai đã dám chiến đấu với Trời để mang lại hòa bình cho dân bản, mang những ấm no và cả mưa nữa. Các già làng cũng nói rằng, có thể vũ khí của chàng trai đó là những thanh đá phát ra tiếng kêu để mọi người cùng biết và tiếp thêm sức mạnh cho chàng.

Tác giả bên những chàng trai raglai đánh đàn đá, cồng chiêng
Tác giả bên những chàng trai raglai đánh đàn đá, cồng chiêng

Gần đây, vào khoảng những năm kháng chiến chống Mỹ và chống Pháp, những chiến sĩ của chúng ta khi hành quân qua đây vẫn thường bắt gặp những âm thanh lạ lùng phát ra từ những tảng đá lớn ở đâu đó trên đồi núi Khánh Sơn. Đó là một thứ âm thanh rất lạ, như suối chảy, như gió thổi, như chuông vang xa. Nhiều người cho rằng đó là những âm thanh do đàn đá của người Raglai xua đuổi ma quỷ, thú rừng giữ yên ấm cho bản làng về đêm.

Mặt khác, theo nghiên cứu của các nhà khoa học trong nước thì 12 thanh đá này có thể hợp thành một hoặc hai bộ đàn kiểu T’rưng (làm bằng nứa). Qua đó, có thể chia nhỏ làm hai bộ, mỗi bộ 6 thanh và biểu diễn một số điệu dân ca quen thuộc của Tây Nguyên. Nhờ những phát hiện này mà chúng ta có những liên hệ về đàn đá Khánh Sơn với bộ đàn đá được một nhà nghiên cứu người Pháp phát hiện năm 1949 tại Tây Nguyên khi xưa. Giờ bộ đàn đá đó đang được lưu giữ tại Viện bảo tàng Con Người ở Paris, Pháp.

Sau này, nhiều người dân ở những nơi khác nhau của Khánh Sơn cũng phát hiện ra những bộ đàn đá khác nhau, có bộ 9 thanh, có bộ 6 thanh…

Sau khi vượt qua đèo Đá Đẽo để lên đến độ cao hơn 1500m so với mực nước biển này, chúng tôi thực sự đã thỏa lòng mong mỏi được chiêm ngưỡng bộ đàn đá huyền thoại nới đây. Đêm ấy, những âm thanh vang vọng như từ thời tiền sử cứ nhịp nhàng hòa cùng những tiếng chuông, tiếng hát, cùng bập bùng những ánh lửa hồng và bát rượu cần say đắm lẫn chung niềm vui hiếu khách của người Raglai nơi đây.

Đoàn Đại Trí

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ