Trước đó, nước này đã ban hành nhiều chính sách giới hạn sinh viên quốc tế, ảnh hưởng đến lĩnh vực du học.
Ngày 12/5, Chính phủ Anh công bố Sách trắng về di cư, trong đó đề xuất hàng loạt thay đổi sâu rộng liên quan đến chính sách visa, học phí và điều kiện ở lại của du học sinh quốc tế. Đây là một phần trong chiến lược siết chặt nhập cư khi số người nhập cư ròng vào nước này đạt gần một triệu người tính đến giữa năm 2023, cao gấp 4 lần so với năm 2019.
Một trong những thay đổi đáng chú ý là việc áp thuế 6% lên học phí của sinh viên quốc tế. Khoản thuế này, theo chính phủ, sẽ được tái đầu tư vào hệ thống giáo dục đại học nhằm hỗ trợ sinh viên trong nước và khuyến khích người Anh theo học đại học. Dự kiến, mức thu sẽ mang lại khoảng 600 triệu bảng Anh mỗi năm. Chi tiết cụ thể về cách thức áp dụng sẽ được công bố vào tháng 8 tới.
Cùng với đó, thời gian cho phép sinh viên quốc tế ở lại Anh sau khi tốt nghiệp để tìm việc sẽ bị rút ngắn từ 2 năm xuống còn 18 tháng. Chính sách này ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng định cư và làm việc lâu dài của sinh viên quốc tế, một trong những yếu tố thu hút chính của nền giáo dục đại học Anh.
Chính phủ cũng tăng yêu cầu về trình độ tiếng Anh đối với nhiều nhóm đối tượng xin thị thực. Theo đó, người phụ thuộc của du học sinh (thường là vợ hoặc chồng) phải đạt trình độ tiếng Anh bậc A1 để nhập cảnh, A2 để gia hạn visa và B2 nếu muốn xin định cư. Đối với người xin visa lao động tay nghề cao, trình độ yêu cầu tăng từ B1 lên B2.
Ngoài ra, các trường đại học và cao đẳng tại Anh sẽ phải tuân thủ tiêu chuẩn chặt chẽ hơn nếu muốn tiếp tục tuyển sinh viên quốc tế. Theo quy định mới trong hệ thống Đánh giá Tuân thủ Cơ bản (BCA), mỗi trường phải duy trì tỷ lệ nhập học tối thiểu 95% và tỷ lệ sinh viên hoàn thành khóa học đạt 90%.
Một hệ thống xếp hạng ba cấp độ - Đỏ, Vàng và Xanh - sẽ được thiết lập nhằm phân loại chất lượng tuyển sinh quốc tế. Các trường thuộc nhóm “Đỏ” sẽ bị hạn chế hoặc cấm tuyển sinh viên nước ngoài. Thông tin chi tiết về cơ chế xếp hạng hiện vẫn chưa được công bố.
Một thay đổi lớn khác là về điều kiện xin định cư. Người nước ngoài muốn xin định cư tại Anh sẽ cần cư trú liên tục ít nhất 10 năm, thay vì 5 năm như trước, trừ khi họ chứng minh được đóng góp rõ rệt về mặt kinh tế hoặc xã hội. Những cá nhân có trình độ cao trong các lĩnh vực trọng yếu như y tế, kỹ thuật, trí tuệ nhân tạo sẽ được xem xét ưu tiên.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia và đại diện các trường đại học bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của chính sách mới đối với nền giáo dục Anh. Theo ước tính của tờ báo The Times, số đơn xin visa du học có thể giảm khoảng 7 nghìn mỗi năm, trong khi số sinh viên ở lại sau tốt nghiệp có thể giảm thêm 12 nghìn người.
Trong năm học gần nhất, Vương quốc Anh đã đón hơn 730 nghìn sinh viên quốc tế, với mức học phí dao động từ 20 nghìn đến 41 nghìn bảng mỗi năm, thậm chí lên tới 68 nghìn bảng với ngành Y.
Tổng cộng, sinh viên quốc tế đóng góp khoảng 10 tỷ bảng mỗi năm cho nền kinh tế Anh, một nguồn thu chiếm tới 1/5 doanh thu của nhiều trường. Bà Vivienne Stern, Giám đốc điều hành Tổ chức Universities UK, cho biết: “Sau nhiều năm đóng băng học phí, thiếu kinh phí nghiên cứu và sự sụt giảm nhanh chóng về lượng sinh viên quốc tế, tình hình tài chính của các trường đại học đang rất khó khăn. Việc áp thuế lên học phí sẽ không giúp ích gì cho các trường”.
Với loạt thay đổi nói trên, nhiều ý kiến cho rằng Anh đang đánh đổi vị thế của một điểm đến giáo dục hàng đầu để phục vụ mục tiêu chính trị về kiểm soát nhập cư. Trong khi đó, các trường đại học và sinh viên quốc tế phải đối mặt với những rào cản ngày càng lớn, khiến giấc mơ học tập và làm việc tại xứ sở sương mù trở nên khó chạm tới hơn bao giờ hết.
Thủ tướng Anh Keir Starmer nhấn mạnh: “Mọi khía cạnh của nhập cư, từ lao động, gia đình đến giáo dục, sẽ được kiểm soát chặt chẽ hơn bao giờ hết. Chúng tôi đang xây dựng một hệ thống có chọn lọc, công bằng và hiệu quả, chỉ trao cơ hội cho những ai thực sự đóng góp cho nước Anh”.