Huy động nguồn lực của xã hội cho công tác phòng chống thiên tai

Huy động nguồn lực của xã hội cho công tác phòng chống thiên tai

Luật Phòng chống thiên tai sửa đổi đã được thông qua, đã tháo gỡ bất cập phát sinh trong thực thực tiễn thi hành luật, góp phần tạo hành lang pháp lý thuận lợi để thu hút đầu tư, nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế, giảm thiểu rủi ro thiên tai và thích ứng với biến đổi khí hậu; phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước và sự tham gia của khu vực tư nhân trong phòng chống thiên tai.

Huy động sức mạnh cộng đồng

Bắt nguồn từ việc phát sinh nhiều vấn đề bất cập trong quá trình thi hành, ngày 17/6/2020, kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIV đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều (sau đây gọi là Luật sửa đổi, bổ sung) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2021 với nhiều điểm mới, phù hợp với tình hình thực tiễn; tận dụng tối đa nguồn lực hỗ trợ của các chính phủ, cộng đồng quốc tế cho công tác phòng chống thiên tai ở Việt Nam và thực hiện tốt cam kết, thỏa thuận quốc tế.

Để đối phó với thiên tai, sức người là quan trọng. Tuy nhiên, hiện nay, các lực lượng tham gia công tác phòng, chống thiên tai chỉ chủ yếu dựa vào kinh nghiệm, chưa được đào tạo, huấn luyện, cung cấp trang thiết bị để thực hiện nhiệm vụ. Với tình hình thiên tai ngày càng diễn biến thất thường không theo quy luật như hiện nay đòi hỏi phải có một lực lượng được đào tạo bài bản, thường xuyên được cung cấp trang thiết bị phù hợp sẵn sàng ứng phó với mọi tình huống thiên tai, có năng lực chỉ đạo, chỉ huy, tổ chức kịp thời việc bảo đảm các yêu cầu kỹ thuật nhằm giảm nhẹ rủi ro thiên tai xuống mức thấp nhất.

Luật sửa đổi bổ sung lần này đã bổ sung quy định về lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai. Theo đó, lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai ở cấp xã do chủ tịch UBND cấp xã thành lập trên cơ sở lực lượng dân quân và lực lượng của các tổ chức khác ở địa phương thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai theo phương án ứng phó thiên tai tại chỗ hằng năm.

Tại tỉnh Hà Nam, các địa phương trong tỉnh đã xây dựng được 109/109 đơn vị lực lượng xung kích phòng, chống thiên tai cấp xã, bao gồm dân quân tự vệ, hội chữ thập đỏ, hội phụ nữ, đoàn thanh niên… để thực thi nhiệm vụ phòng, chống thiên tai tại chỗ. Việc thành lập lực lượng xung kích này đã bước đầu phát huy được hiệu quả thiết thực tại các địa phương trong thời gian qua.

“Sau khi được nghe UBND xã phổ biến những điểm mới, quan trọng của Luật Phòng chống thiên tai và Luật Đê điều, chúng tôi đã hiểu rõ hơn tầm quan trọng của công tác này. Đồng thời, nắm vững thêm những kiến thức, kỹ năng cơ bản nhằm tổ chức tốt những vấn đề quan trọng, cấp thiết về bảo vệ đê điều, phòng chống thiên tai, ngăn chặn các hành vi phá hoại, như để nguyên vật liệu trên đê, vạt mái đê…”, ông Trần Khắc Dụ (huyện Lý Nhân, Hà Nam) cho biết.

Những năm qua, nhiều địa phương của thành phố Hà Nội chủ động ứng phó với tình trạng sạt lở đê điều, đe dọa đến an toàn và tài sản của người dân. Thực hiện chỉ đạo của chính phủ về công tác PCTT, UBND TP. Hà Nội đã ban hành kế hoạch thực hiện. Theo đó, các xã, phường, thị trấn đã thành lập các đội xung kích PCTT cấp xã với lực lượng dân quân tự vệ làm nòng cốt. Thực hiện tốt phương châm "3 sẵn sàng, 4 tại chỗ, 5 không" trong PCTT và xây dựng cộng đồng an toàn gắn với xây dựng nông thôn mới. Từ đó, nhiều xã, huyện đã thành lập được nhóm cộng đồng và nhóm hỗ trợ kỹ thuật nhằm triển khai có hiệu quả Đề án Nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng

Bên cạnh đó, để đáp ứng được những tình huống khẩn cấp thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn 30/30 quận, huyện, thị xã đã tổ chức tập huấn, huấn luyện nâng cao năng lực về phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng trên tại địa phương: Tập huấn công tác tuần tra canh gác cho lực lượng trên các điếm canh đê và lực lượng quản lý đê nhân dân; tập huấn kỹ thuật hộ đê, cứ hộ, cứu nạn…..

Cần nhiều cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực

Theo Luật sửa đổi, nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai trung ương bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; điều tiết từ Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ và các nguồn hợp pháp khác.

Nguồn tài chính của Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh bao gồm hỗ trợ, đóng góp tự nguyện của các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài; đóng góp bắt buộc của tổ chức kinh tế trong nước và nước ngoài trên địa bàn, công dân Việt Nam từ đủ 18 tuổi đến tuổi nghỉ hưu trong điều kiện lao động bình thường theo quy định của pháp luật về lao động; điều tiết từ Quỹ phòng chống, thiên tai trung ương, giữa các Quỹ phòng, chống thiên tai cấp tỉnh và các nguồn hợp pháp khác.

Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phòng, chống thiên tai tại Điện Biên. Ảnh: Hải Yến
Đầu tư cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới công trình phòng, chống thiên tai tại Điện Biên. Ảnh: Hải Yến 

Tại lễ mít tinh hưởng ứng ngày Quốc tế giảm nhẹ rủi ro thiên tai và ngày ASEAN quản lý thiên tai được tổ chức sáng 13/10. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban chỉ đạo quốc gia về Phòng chống thiên tai khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn xác định phòng chống thiên tai là nhiệm vụ hàng đầu, thường xuyên, liên tục của cả hệ thống chính trị để bảo vệ tính mạng, sức khỏe, đời sống và tài sản của nhân dân. Trong đó, trọng tâm là tập trung nâng cao năng lực, công tác dự báo, cảnh báo thiên tai, đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, ứng phó với thiên tai từ Trung ương đến cơ sở; từng bước kiện toàn lực lượng phòng chống thiên tai; lồng ghép nội dung, chương trình phòng chống thiên tai trong kế hoạch, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của các ngành, địa phương. Đồng thời, ưu tiên bố trí đầu tư, củng cố các công trình, cơ sở hạ tầng phòng chống thiên tai, ứng dụng khoa học công nghệ, huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội trong khắc phục hậu quả, xây dựng và ổn định sản xuất, đời sống của nhân dân sau thiên tai.

Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất bởi biến đổi khí hậu, thường xuyên phải chống chịu với nhiều loại thiên tai, nhất là bão, lũ, sạt lở đất, hạn hán, xâm nhập mặn. Suốt hơn 30 năm qua, mỗi năm trung bình thiên tai làm gần 400 người chết và mất tích, thiệt hại về kinh tế khoảng 1-1,5% GDP.

Vì thế, công tác phòng, chống thiên tai luôn được Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam, cấp ủy, chính quyền các địa phương, Mặt trận tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội quan tâm, đặc biệt là sự tham gia tích cực, trách nhiệm, hiệu quả của toàn thể nhân dân.

-------

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ