Huy động các tổ chức, đoàn thể tham gia xóa mù chữ ở Hà Giang

GD&TĐ - Tỉnh Hà Giang đã huy động các cấp, ngành, tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội tham gia vào công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Nhiều lớp xóa mù chữ được mở tại khắp các thôn, bản của tỉnh Hà Giang. Ảnh: My Ly
Nhiều lớp xóa mù chữ được mở tại khắp các thôn, bản của tỉnh Hà Giang. Ảnh: My Ly

Bộ đội biên phòng đồng hành gieo chữ

Những năm qua, cùng với nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới, duy trì an ninh, trật tự, an toàn xã hội vùng biên, lực lượng Bộ đội Biên phòng tỉnh Hà Giang luôn chú trọng thực hiện công tác dân vận. Có thể kể đến các phong trào như “Dân vận khéo”, xây dựng “Đơn vị dân vận tốt”; các chương trình như: Chiến sỹ quân đội nâng bước em tới trường, con nuôi Đồn biên phòng... và đặc biệt là thực hiện phối hợp với các ngành chức năng mở các lớp xóa mù chữ cho bà con vùng biên, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Thôn Lũng Cẩm Trên, xã Sủng Là, huyện Đồng Văn (Hà Giang) có trên 300 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Mông.

Được biết, trong nhiều năm qua, tình trạng chị em và các cháu nhỏ tái mù chữ hoặc không theo kịp chương trình học trên lớp diễn ra rất nhiều. Kể từ tháng 4/2023, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện Đồng Văn phối hợp với Đồn Biên phòng Phó Bảng tổ chức lớp học xóa mù chữ cho bà con tại xã Sủng Là. Lớp học diễn ra 5 buổi/tuần do cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Phó Bảng thay phiên nhau đứng lớp.

Khi màn đêm buông xuống, lớp học xóa mù chữ của các thầy giáo quân hàm xanh tại Sủng Là lại vang lên tiếng đánh vần của bà con.

Lớp học đợt này có 14 học sinh, tuổi đời từ 14 đến 39 là những người dân, con em trên địa bàn xã. Lớp học do 2 thầy giáo luân phiên dạy vào các buổi tối, đó là Trung tá Hùng Minh Phương và Thượng úy Nguyễn Hữu Quyết, cán bộ Đồn Biên phòng Phó Bảng.

Buổi học bắt đầu từ 19 giờ, nên từ 18h30 các anh phải xuất phát từ đơn vị để kịp giờ lên lớp. Tuy vất vả, nhưng với tinh thần trách nhiệm, các anh luôn đến lớp đúng giờ để điểm danh, kiểm tra bài vở trước khi bắt đầu tiết học mới.

Thầy Phương cho biết: Cuộc sống bà con ở đây còn nhiều khó khăn. Để bà con đến lớp, chúng tôi phải đến động viên và tạo mọi điều kiện tốt nhất cho bà con đi học. Ban đầu cũng khó khăn nhưng thấy người lớn tuổi đi học thì thanh niên, phụ nữ cũng đi học theo.

Để duy trì lớp học, Hội Liên hiệp phụ nữ huyện đã vận động kinh phí từ các mạnh thường quân, sau đó động viên, khuyến khích hội viên, phụ nữ và các cháu nhỏ tham gia học tập...

Bên cạnh việc học tại lớp, chị em còn tranh thủ tự học ở nhà qua người thân trong gia đình. Mô hình “Gia đình nói tiếng phổ thông” là mô hình xóa mù chữ với hình thức học theo cặp, nhóm, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ; phụ nữ tự học chữ, học tiếng phổ thông từ người thân, cộng đồng.

Đến nay, toàn huyện Đồng Văn duy trì 766 nhóm học chữ và nói tiếng phổ thông; trong đó có 450 nhóm con dạy mẹ, 166 nhóm vợ chồng, 76 nhóm anh chị em; 33 nhóm bà cháu và 41 nhóm tự học tại 19/19 xã, thị trấn.

Thầy giáo Hùng Minh Phương giảng bài cho các em học sinh. Ảnh: Trọng Toan

Thầy giáo Hùng Minh Phương giảng bài cho các em học sinh. Ảnh: Trọng Toan

Nhiều lực lượng xã hội cùng tham gia

Do điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn với gần 90% đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ người mù chữ còn cao, tỉnh Hà Giang xác định công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ là nhiệm vụ trọng tâm. Tỉnh đã huy động sự tham gia của cả hệ thống chính trị tuyên truyền, vận động người dân chưa biết chữ ra lớp học.

Công tác tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và cộng đồng về phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đã và đang được đẩy mạnh; gắn việc thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục, xóa mù chữ với việc xây dựng xã hội học tập và các phong trào thi đua tại địa phương.

Công tác điều tra, rà soát số người mù chữ, người tái mù chữ cũng được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, làm cơ sở cho việc vận động, tuyên truyền tham gia các lớp học xóa mù chữ.

Tỉnh ban hành nhiều nghị quyết về nâng cao chất lượng giáo dục và hỗ trợ mở các lớp phổ cập giáo dục xóa mù chữ vùng đặc biệt khó khăn; tập trung đổi mới căn bản, toàn diện, nâng cao chất lượng giáo dục vùng đặc biệt khó khăn, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Duy trì và nâng cao chất lượng công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ, ngành giáo dục Hà Giang tiếp tục tham mưu cho tỉnh tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng các cấp đối với công tác này.

Tiếp tục phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức đoàn thể trong việc huy động nguồn lực phục vụ phát triển giáo dục; tích cực vận động nhân dân từ 15-60 tuổi chưa biết chữ đi học. Nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý góp phần nâng cao dân trí ở những vùng còn khó khăn của tỉnh.

Ông Nguyễn Thế Bình, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Giang cho biết: Hiện nay, tỉnh đang thiếu gần 3.000 giáo viên, trong đó giáo viên tiểu học thiếu trên 750 người nhưng ngành vẫn chỉ đạo các trường lựa chọn giáo viên có chuyên môn cao với tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình, tâm huyết tham gia công tác xóa mù chữ.

Điều đặc biệt ở Hà Giang là công tác xóa mù chữ ngoài sự vào cuộc ngành giáo dục còn nhận được sự phối hợp của nhiều đơn vị như bộ đội biên phòng, công an, hội phụ nữ, nông dân, đoàn thanh niên, trưởng bản, người có uy tín trong cộng đồng…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa: Vietpink.

Truyện ngắn: Nốt nhạc đầu tiên

GD&TĐ - Thời gian này lá ngoài đường rụng nhiều và trên không có những đám mây bàng bạc, lòng tôi lại nao nức những kỉ niệm mơn man của buổi tựu trường...