Đẩy mạnh công tác xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc thiểu số

GD&TĐ - Biết tiếng phổ thông, chữ viết giúp chị em phụ nữ dân tộc thiểu số ở Hà Giang mạnh dạn hơn trong giao tiếp cũng như tham gia hoạt động cộng đồng.

Sau lớp học chị em phụ nữ có thể biết đọc, viết tiếng Việt. Ảnh: Minh Giàng
Sau lớp học chị em phụ nữ có thể biết đọc, viết tiếng Việt. Ảnh: Minh Giàng

Đem cái chữ đến với phụ nữ vùng cao

Huyện Mèo Vạc (Hà Giang) là địa phương vùng cao còn gặp rất nhiều khó khăn về kinh tế. Người dân ở đây chủ yếu là đồng bào dân tộc thiểu số. Cũng chính vì kinh tế khó khăn và quan niệm cũ nên nhiều người, nhất là chị em phụ nữ không được đi học, không biết chữ.

Một số người nghĩ rằng, phụ nữ chỉ cần ở nhà làm nông nghiệp để được no cái bụng là đủ.

Đây là một trong những yếu tố làm hạn chế sự phát triển kinh tế cũng như văn hóa, xã hội của địa phương. Bởi phụ nữ là một nửa xã hội, đóng vai trò quan trọng hàng đầu trong xây dựng hạnh phúc gia đình và nếp sống văn hóa mới. Đối với chị em không biết chữ thường khó tiếp thu được những kiến thức cần thiết để phát triển kinh tế, xây dựng đời sống, hạnh phúc gia đình.

Có một thực tế, nhiều chị em còn không biết nói tiếng phổ thông nên xem tivi không hiểu nội dung, không nắm bắt được chủ trương, chính sách của đảng, pháp luật của nhà nước để thực hiện. Khi làm các thủ tục giấy tờ liên quan đến bản thân, nhiều chị em phải dùng tay điểm chỉ.

Xuất phát từ tình hình thực tế trên, những lớp học đặc biệt xóa mù chữ cho phụ nữ dân tộc thiểu số đã được Mèo Vạc nhanh chóng triển khai trong toàn huyện. Để giúp người dân tiếp cận với con chữ, những năm qua, chính quyền huyện Mèo Vạc đã mở các lớp học xóa mù chữ tại các thôn bản, thu hút được hàng nghìn học viên, nhất là các học viên nữ ở các lứa tuổi cùng tham gia học.

Xã Lũng Chinh là xã miền núi đặc biệt khó khăn, có 7 thành phần dân tộc với 829 hộ dân sinh sống tập trung theo từng nhóm cộng đồng như: Mông, Dao, Cờ Lao, Tày… tại các thung lũng thuộc 7 thôn: Lùng Phủa, Sủng Tà, Sèo Lùng Sán, Sủng Mùng, Mèo Vống, Sủng Khể, Tìa Sính. Trong 7 thành phần dân tộc anh em sinh sống tại địa phương thì đồng bào Mông chiếm 88% dân số. Cho nên, cái nghèo về vật chất, con chữ của đồng bào dân tộc Mông cũng chiếm đa số.

Thực hiện công tác xóa mù chữ, UBND xã đã chỉ đạo Trường PTDTBT Tiểu học Lũng Chinh lựa chọn giáo viên có kinh nghiệm đi tập huấn và mở lớp xóa mù chữ ngay tại các thôn bản.

Học viên Thò Thị Chở, thôn Mèo Vống, xã Lũng Chinh là 1 trong 20 người tham dự lớp xóa mù chữ do xã tổ chức.

Chị Chở tâm sự, trước đây, chị nghe theo mọi người bán hàng đặc sản địa phương trên mạng xã hội nhưng không biết ghi địa chỉ người mua để gửi hàng, phải nhờ con ghi giúp, rất bất tiện. Nên khi nghe được xã mở lớp xóa mù chữ chị đã cố gắng học viết, học làm toán để có thể tự tính, tự viết.

Qua trò chuyện được biết, không chỉ chị Chở, mà 19 học viên nữ còn lại đến lớp đều ở cái tuổi khó khăn khi tiếp nhận ngôn ngữ mới. Nhưng mọi người đều có chung mong ước biết đọc, biết viết để mở mang kiến thức, từ đó phát triển kinh tế ổn định cuộc sống gia đình.

Nhiều lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ được mở tại Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: Minh Chuyên

Nhiều lớp học xóa mù chữ cho phụ nữ được mở tại Mèo Vạc, Hà Giang. Ảnh: Minh Chuyên

Hàng vạn phụ nữ Hà Giang được xóa mù chữ

Những năm qua, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang đã đẩy mạnh triển khai Cuộc vận động “Phụ nữ dân tộc thiểu số học chữ và nói tiếng phổ thông”; phong trào thi đua “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho hội viên phụ nữ về tầm quan trọng, sự cần thiết của việc biết tiếng phổ thông, biết chữ đối với mỗi cá nhân và gia đình.

Từ mô hình điểm được triển khai tại xã Lùng Tám, huyện Quản Bạ, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh Hà Giang đã tiếp tục triển khai, nhân rộng cuộc vận động đến các cấp Hội trên phạm vi toàn tỉnh.

Kết quả, các cấp Hội đã tổ chức các lớp xóa mù chữ cho 7.681 nhóm/27.255 phụ nữ tham gia; phối hợp với ngành Giáo dục, trung tâm học tập cộng đồng mở 516 lớp xóa mù chữ cho 10.621 phụ nữ.

Bên cạnh việc phối hợp mở lớp xóa mù chữ, các cơ sở Hội còn thực hiện mô hình xóa mù chữ với hình thức học theo cặp, nhóm, người biết chữ dạy cho người chưa biết chữ, chồng dạy vợ, con dạy mẹ, bạn bè dạy nhau mang lại hiệu quả cao.

Nhờ làm tốt công tác vận động xóa mù chữ, trình độ nhận thức của hội viên phụ nữ không ngừng được nâng lên, chị em có thêm kiến thức để tiếp thu, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, xuất hiện ngày càng nhiều mô hình kinh tế do hội viên phụ nữ thực hiện, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội ở địa phương.

Lãnh đạo Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hà Giang cho biết: Những năm qua, Hội thường xuyên phối hợp với ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh đối với công tác chỉ đạo, tuyên truyền vận động công tác xóa mù chữ. Đồng thời chỉ đạo các cơ sở Hội ở các địa phương để rà soát và mở các lớp xóa mù chữ. Với mục tiêu giảm các hội viên phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số mù chữ và tái mù chữ xuống mức thấp nhất có thể.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ