Hà Giang thực hiện xóa mù chữ theo lời Bác dạy

GD&TĐ - Biết đọc, biết viết giúp bà con đồng bào dân tộc ở Hà Giang nâng cao dân trí, xóa đói giảm nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nhóm Chị em nòng cốt học tiếng phổ thông của chi hội phụ nữ thôn Tân Sơn (Minh Tân)
Nhóm Chị em nòng cốt học tiếng phổ thông của chi hội phụ nữ thôn Tân Sơn (Minh Tân)

Hơn 60 năm qua, lời Bác Hồ căn dặn nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang phải cố gắng thực hiện xóa nạn mù chữ luôn được Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh khắc ghi, tổ chức triển khai thực hiện.

Khắc ghi lời Bác

Ngày 26/3/1961, Bác Hồ lên thăm tỉnh Hà Giang đúng vào dịp toàn Đảng bộ đang tích cực đẩy mạnh sản xuất, củng cố, xây dựng HTX kết hợp với hoàn thành nhiệm vụ cải cách dân chủ ở vùng cao và cùng nhân dân 6 tỉnh khu Việt Bắc nỗ lực mở đường Hạnh Phúc lên Cao nguyên đá Đồng Văn.

Tại buổi nói chuyện với gần 1,7 vạn đồng bào, cán bộ, chiến sĩ tại sân vận động thị xã Hà Giang (nay là Quảng trường 26/3), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đưa ra 8 lời căn dặn hết sức ngắn gọn, súc tích nhưng lại chứa đựng ý nghĩa sâu sắc và có giá trị dài lâu: Tất cả các dân tộc đều phải đoàn kết chặt chẽ, thương yêu giúp đỡ nhau như anh em một nhà; Ra sức tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm; Muốn sản xuất tốt phải có đủ nước, nhiều phân bón và cải tiến nông cụ; Phát triển chăn nuôi gia súc sẽ đem lại nguồn lợi lớn; Bảo vệ rừng, trồng cây gây rừng, cây ăn quả và cây làm thuốc; Chú ý vệ sinh, ăn sạch, uống sạch, mặc sạch, ở sạch; Cán bộ, đảng viên và đoàn viên đoàn kết chặt chẽ, hết lòng, hết sức phục vụ Nhân dân, đặt lợi ích của Nhân dân trên lợi ích riêng của mình, phải gương mẫu trong đoàn kết dân tộc, trong học tập và trong lao động sản xuất, chống tham ô, lãng phí, quan liêu, mệnh lệnh.

Đặc biệt, do tỷ lệ người dân mù chữ ở Hà Giang khi đó còn cao nên Bác đã căn dặn: “Đồng bào phải cố gắng xóa nạn mù chữ. Phải biết đọc, biết viết thì làm ăn mới tiến bộ được”.

Hơn 60 năm qua, sự kiện Bác Hồ lên thăm và nói chuyện với đồng bào các dân tộc tỉnh Hà Giang là một sự kiện đặc biệt và đi vào lịch sử, là mốc thời gian trọng đại của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh.

Khắc ghi lời dạy của Người, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang luôn nỗ lực, phấn đấu thực hiện tốt các nhiệm vụ chính trị, xã hội quan trọng của tỉnh, đạt được nhiều thành quả quan trọng trong công tác phát triển kinh tế, xã hội, củng cố an ninh, quốc phòng.

Riêng với công tác xóa mù, cấp ủy, chính quyền tỉnh Hà Giang đã triển khai thực hiện nghiêm túc, thường xuyên, liên tục về công tác xóa mù chữ cho đồng bào, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số, giúp đồng bào được trang bị hành trang mới, biết đọc, biết viết để nâng cao dân trí, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nhiều lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số được mở ra tại Hà Giang. Ảnh: Thu Biên

Nhiều lớp học xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số được mở ra tại Hà Giang. Ảnh: Thu Biên

Xóa mù chữ là nhiệm vụ thường xuyên

Thôn Tân Sơn là một thôn khó khăn thuộc xã Minh Tân, huyện Vị Xuyên (Hà Giang). Thôn có 240 hộ gia đình là đồng bào dân tộc Mông, Dao .... Với địa hình chia cắt mạnh, giao thông đi lại khó khăn, trình độ dân trí của người dân còn nhiều hạn chế, tỷ lệ đồng bào mù chữ còn cao.

Trước thực trạng đó, ngành giáo dục huyện đã phối hợp với chính quyền địa phương rà soát và mở lớp xóa mù chữ cho người dân nơi đây.

Ngoài công việc trên nương, chăn nuôi trong gia đình thì thời gian qua chị Giàng Thị Hồng, thôn Tân Sơn đã có thêm công việc khác đó là tham gia lớp học xóa mù chữ. Hiện chị Hồng đã có thể đọc và viết chữ phổ thông dù phát âm vẫn chưa thực sự chuẩn xác.

Đặc biệt, chị Hồng cũng may mắn thêm khi được phụ đạo và hướng dẫn thêm từ nhóm “Chị em nòng cốt học tiếng phổ thông” của chi hội phụ nữ thôn Tân Sơn.

“Mình rất vui khi được học, được biết chữ. Trước đây, đi ra đường, thấy bảng chỉ dẫn mà mình không hiểu, lên xã làm giấy tờ chỉ biết lăn tay, thiệt thòi nhiều thứ. Vì thế, khi nhà nước mở lớp xóa mù chữ miễn phí, mình đăng ký ngay”, chị Hồng nói.

Chị Triệu Thị Nghiêm, Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ xã Minh Tân cho biết, các chị em ngoài được học xóa mù chữ ở trên lớp ra còn được hướng dẫn học chữ tại các nhóm học nhỏ tại gia đình, thôn bản với các hình thức khác nhau như chồng dạy vợ, con dạy mẹ, nhóm chị em nòng cốt học tiếng phổ thông, nhóm tự học… Qua khảo sát thấy đáng mừng là mọi người đều có ý thức học tập cao.

Có thể khẳng định, trong những năm qua, với sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh Hà Giang có những bước tiến vững chắc.

Công tác giáo dục ở vùng núi có những bước phát triển từ đầu tư cơ sở vật chất đến việc huy động học sinh tới lớp, đội ngũ giáo viên được tăng cường, phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cho đồng bào dân tộc thiểu số được quan tâm... Công tác xóa mù chữ trên địa bàn tỉnh đã huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Đồng hành với ngành giáo dục trong công tác xóa mù chữ ở vùng cao còn có các cấp hội đoàn thể, bộ đội biên phòng, ban dân tộc, người có uy tín...

Nếu như vào thời điểm tái lập tỉnh Hà Giang năm 1991 tỷ lệ người mù chữ toàn tỉnh là trên 65%. Đến nay đã giảm xuống chỉ còn 4,58% và đang tiếp tục giảm. Hiện toàn tỉnh Hà Giang có 193/193 xã đã đạt chuẩn xóa mù chữ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.