Tín hiệu tích cực về xóa mù chữ cho người đồng bào dân tộc ở Hoàng Su Phì

GD&TĐ - Công tác xóa mù chữ ở huyện Hoàng Su Phì (Hà Giang) đã giúp nhiều bà con đồng bào dân tộc thiểu số nâng cao dân trí, cải thiện cuộc sống của mình.

Lớp học xoá mù chữ ở thôn vùng cao Sui Thầu, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì). Ảnh: Khánh Linh
Lớp học xoá mù chữ ở thôn vùng cao Sui Thầu, xã Chiến Phố (Hoàng Su Phì). Ảnh: Khánh Linh

Xóa mù chữ để xóa nghèo

Hoàng Su Phì là huyện vùng cao núi đất phía tây tỉnh Hà Giang. Toàn huyện có 24 đơn vị hành chính, bao gồm 23 xã và 1 thị trấn, với tổng diện tích tự nhiên 63.238 ha, dân số trên 69.000 người.

Là địa phương có nhiều thành phần dân tộc cùng sinh sống, địa hình chia cắt mạnh, giao thông không thuận tiện, thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nên từ bao đời nay canh tác nông nghiệp vẫn chiếm tỷ trọng chủ yếu trong cơ cấu kinh tế của huyện. Cũng vì thế mà người dân, nhất là người dân ở các địa bàn xa khu trung tâm tỷ lệ mù chữ còn cao.

Theo thống kê về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ đến tháng 6/2023, tổng số dân trong độ tuổi từ 15 đến 60 tuổi của huyện có 45.545 người thì số biết chữ mức độ 1 (hoàn thành chương trình xoá mù chữ giai đoạn 1) là 41.846 người, tổng số người đạt chuẩn biết chữ mức độ 2 (hoàn thành chương trình xoá mù chữ giai đoạn 2) là 33.973 người, số người tái mù là 630 người.

Thôn vùng cao Sui Thầu, xã Chiến Phố, huyện Hoàng Su Phì có hơn 100 hộ, chủ yếu là người Nùng. Là địa bàn xa trung tâm nên đời sống của đồng bào trong thôn còn khó khăn, nhiều người chưa biết chứ, nhất là chị em phụ nữ.

UBND xã đã phối hợp với ngành giáo dục để mở lớp xóa mù cho người dân. Lớp học gồm có 19 học viên nữ, các học viên đều là phụ nữ từ 30-50 tuổi, là lao động chính ở trong các gia đình.

Học viên Lù Thị Chích cho biết: Nghe mọi người trong thôn vận động, tôi đăng kí tham gia lớp học với mong muốn biết viết được tên mình, đọc được tin nhắn trên điện thoại, giao tiếp bằng tiếng phổ thông. Bây giờ tôi đã biết đọc, biết viết, thuộc bảng chữ cái và làm phép tính đơn giản rồi, tôi vui lắm.

“Trước đây không biết chữ nên không đọc được, viết được, không học được các kinh nghiệm làm kinh tế trên sách, báo, tivi… Giờ đọc được, viết được rồi nên tôi sẽ cố gắng xem sách, tivi để có thể dần phát triển kinh tế cho gia đình mình”, chị Chích khẳng định.

Xác định công tác xóa mù chữ có ý nghĩa nhân văn sâu sắc, góp phần nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào dân tộc thiểu số vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn trên địa bàn. Đồng nghĩa, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước khi được truyền tải sẽ được người dân tiếp thu đầy đủ, chính xác nhất, góp phần quan trọng trong việc củng cố niềm tin của người dân với Đảng, tăng cường sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đó, huyện Hoàng Su Phì đã chỉ đạo ngành giáo dục và ngành chức năng cùng các địa phương quyết liệt thực hiện công tác xóa mù chữ, chống tái mù chữ.

Hội thi Rung chuông vàng truyền thông về Chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Văn Khuya

Hội thi Rung chuông vàng truyền thông về Chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục huyện Hoàng Su Phì. Ảnh: Văn Khuya

Kết quả tích cực

Theo đó, tổng số học viên theo học lớp xoá mù chữ 3 năm gần nhất của huyện là trên 630 người và đã được công nhận hoàn thành chương trình xoá mù chữ giai đoạn 1.

Số học viên tham gia các lớp xoá mù chữ giai đoạn 2 trong 3 năm gần nhất là 89 người, số người được công nhận hoàn thành chương trình xoá mù chữ giai đoạn 2 là 89 người.

Kết quả công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ trên địa bàn huyện, đối với cấp tiểu học, số xã đạt chuẩn xóa mù chữ mức độ 1 là 10/24 (chiếm 41,66%), mức độ 2 là 14/24 (chiếm 58,34%).

Cấp THCS, số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 1 là 4/24 xã, đạt tỷ lệ 16,7%. Số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 2 là 19/24 xã, đạt tỷ lệ 79%.

Số xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục THCS mức độ 3 là 1/24 xã, đạt tỷ lệ 4,2%. Huyện đã đạt chuẩn xóa mù chữ vào năm 2022 mức độ 1.

Các lớp học trên tại huyện Hoàng Su Phì không chỉ giảm tỷ lệ người mù chữ, tái mù chữ mà còn góp phần thu hẹp khoảng cách mặt bằng dân trí giữa các xã, thị trấn, giúp xóa đói, giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người đồng bào.

Trong quá trình thực hiện công tác xóa mù chữ cho đồng bào trên địa bàn huyện, nhiều cách làm hay, mới và hiệu quả đã được các cấp, ngành triển khai và thực hiện.

Tiêu biểu như vào ngày 24/11 vừa qua trên địa bàn huyện Hoàng Su Phì, 24/24 xã, thị trấn đồng loạt tổ chức thi "Rung chuông vàng" truyền thông về Chương trình xóa mù chữ và phổ cập giáo dục năm 2023.

Tham gia thi các thí sinh là Bí thư, Phó Bí thư Chi bộ thôn, Trưởng thôn và các học viên lớp xoá mù chữ. Qua cuộc thi, giúp người dân nâng cao hiểu biết về chương trình mục tiêu quốc gia vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi về công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ.

Cùng với các lớp xóa mù chữ, phong trào gia đình, dòng họ, cộng đồng học tập sâu rộng đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa. Đồng thời, tạo sự tự tin cho học viên khi họ biết đọc, biết viết chữ nhằm tiếp cận thông tin, tri thức để vận dụng trong cuộc sống hàng ngày, từng bước xóa nghèo và nâng cao dân trí…

Bình luận

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa INT.

Chọn môn thi - chọn tương lai

GD&TĐ - Khảo sát của nhiều sở GD&ĐT, Ngoại ngữ vẫn là môn được nhiều thí sinh lựa chọn đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT...

Ông Antony Blinken trong cuộc họp với Ủy ban Tài chính Thượng viện về viện trợ cho Israel và Ukraine.

Di sản của ông Antony Blinken

GD&TĐ - Ông Antony Blinken đã dành hai tuần cuối cùng tại nhiệm để trả lời báo chí bảo vệ thành tích của mình với tư cách là nhà ngoại giao của Mỹ.