Hướng trẻ tới tính trung thực

GD&TĐ - Giúp con thay đổi hành vi nói dối là một quá trình đòi hỏi nhiều thời gian và công sức cùng phương pháp đúng. Bố mẹ cần tìm hiểu kỹ nguyên nhân và mục đích của việc con nói dối… để tìm “thuốc chữa trị” cho con.

Hướng trẻ tới tính trung thực

Khổ vì con... nói dối

Chị Hà Oanh (phố Hoàng Cầu - Hà Nội) có hai đứa con, cháu lớn đang học THPT, còn cháu bé đang học bậc THCS. Nỗi lo lắng của chị bây giờ là cậu bé học lớp 8 nói dối rất nhiều, nói dối thành thói quen và rất trôi chảy, mọi người không biết đâu là thật đâu là dối.

Lúc đầu, vợ chồng chị chỉ nghĩ là con nói năng luyên thuyên nhưng giờ mọi việc nghiêm trọng hơn nhiều. Chị đã nhiều lần phải tới trường gặp cô giáo chủ nhiệm lớp để trực tiếp tìm hiểu điểm số, học lực của con và tận tay nộp các khoản tiền đóng góp.

Chị không thể tin tưởng được những “báo cáo” của con trai với rất nhiều lý do khó chấp nhận.

Theo các chuyên gia tâm lý thì việc con mắc bệnh nói dối cũng vì bố mẹ đã bỏ qua sự quan tâm uốn nắn suốt cả một quá trình hình thành và phát triển tính cách của con từ lúc nhỏ tuổi... Căn bệnh nói dối mà nhiều trẻ đang mắc phải và ngày càng nặng thêm là do trẻ đang có những phản ứng tự vệ chứ không hẳn trẻ nói dối để mưu lợi.

Đứa trẻ có vấn đề sợ hãi về tâm lý, phải giả dối, phải đối phó để tìm sự thương cảm. Thế nên, trong mỗi sự việc nếu bố mẹ càng tra khảo, chứng minh con nói dối thì đứa trẻ càng thấy mất an toàn, càng làm cho sự thể trầm trọng hơn.

Khi trẻ đã quen nói dối thì bố mẹ sẽ khó khăn khi tìm hiểu, nắm bắt thông tin. Bằng nhiều cách, qua cô giáo, qua bạn bè, nhờ những quan hệ xã hội để tác động, gây ảnh hưởng tốt tới con.

Để một người biết tự chịu trách nhiệm về bản thân là cả một quá trình, chứ không có liều thuốc tiên nào sau vài tuần là có thể biến đổi một đứa trẻ hay nói dối thành người trung thực và chịu trách nhiệm về lời nói của nó.

Với mỗi gia đình, việc dạy con sống có bản lĩnh, trung thực luôn là những thử thách lớn. Việc tìm biện pháp phù hợp cũng giống như là phải đo ni đóng giày với cá tính riêng của mỗi đứa trẻ.

Chia sẻ để thấu hiểu

Theo Chuyên gia tư vấn Minh Thu , Tổng đài tư vấn An Nam 19006172: Dù giận đến đâu cha mẹ cũng cần bình tĩnh trong ứng xử, tránh mất kiểm soát rồi đánh mắng, sỉ nhục hay trừng phạt trẻ một cách nặng nề.

Có thể con nói dối không phải để mưu lợi mà để gây sự chú ý vì con cảm nhận rằng nó chưa thực sự nhận được sự quan tâm đầy đủ từ người thân hoặc chưa đúng cách mà con mong đợi.

Cách ứng xử của bố mẹ và người thân sẽ củng cố hành vi tích cực hoặc tiêu cực của trẻ nên rất cần một môi trường lành mạnh, sự làm gương, chớ “nói một đằng làm một nẻo”.

Trước mỗi nghi ngờ, bố mẹ cần bình tĩnh nói chuyện cởi mở trên tinh thần cảm thông với con. Bố mẹ cần chia sẻ cùng con những cảm xúc, cảm nhận, lo lắng và nói với con những mong đợi của mình về việc con cần thay đổi như thế nào.

Khi dành cho con sự quan tâm lắng nghe, con sẽ chia sẻ những suy nghĩ thật của chúng, về tình huống, lý do buộc con phải nói dối hoặc những suy nghĩ, mong muốn của bản thân. Hiểu nguyên nhân thì mới tìm ra được cách tác động phù hợp để trẻ chuyển biến tích cực.

Khi nhu cầu chính đáng của con được đáp ứng và con hiểu được cái gì là đòi hỏi vô lối, không hợp lý thì con sẽ bớt dần việc nói dối.

Nagay từ năm 2016, Viện Nghiên cứu phát triển giáo dục đã công bố kết quả một cuộc điều tra. Điều báo động là tỷ lệ nói dối cha mẹ của học sinh tiểu học là 22%, THCS là 50%, THPT là 64% và sinh viên đại học là 80%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ