Phần lớn học sinh, sinh viên có lối sống văn hóa lành mạnh
Theo Dự thảo Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, đa số học sinh, sinh viên có đạo đức tốt, lễ phép, kính trọng ông bà, cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi, sống lành mạnh, không sa vào tệ nạn xã hội và với bản thân. Các phẩm chất n hư nhân ái, tương thân tương ái giúp đỡ nhau, sống có nghĩa tình, cần cù, kiên trì, hiếu học, tôn sư trọng đạo, trung thực, đoàn kết được phát huy. Trách nhiệm công dân được tăng cường thông qua việc tích cực tham gia các hoạt động tập thể, các phong trào, tình nguyện vì cộng đồng, bảo vệ môi trường.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa, học sinh, sinh viên Việt Nam luôn đề cao lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tự tin hội nhập với văn hóa văn minh của thế giới; luôn có ý thức vươn tới những giá trị tốt đẹp chân, thiện, mỹ. Học sinh, sinh viên ngày càng năng động, thực tế hơn, có tinh thần tự chủ, bộc lộ cá tính ngày càng đậm nét.
Phần lớn học sinh, sinh viên có lối sống văn hóa, đời sống tinh thần lành mạnh và biết phê phán những biểu hiện tiêu cực, tệ nạn xã hội và các hành vi thiếu văn hóa, trái thuần phong mỹ tục, có tinh thần yêu nước, biết trân trọng các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc.
Một số học sinh, sinh viên ở trường thì ngoan, trên mạng xã hội thì…
Theo báo cáo sơ bộ của cơ quan công an 63 tỉnh/thành phố, từ năm 2010 đến nay có 7.735 học sinh, sinh viên tham gia đánh nhau, bị xử lý kỷ luật.
Tuy nhiên, một số giá trị tốt đẹp về phẩm chất, đạo đức, ứng xử văn hóa của một bộ phận học sinh, sinh viên bị xuống cấp, có biểu hiện suy thoái, lệch lạc. Cụ thể là:
Đối với cha mẹ, thầy cô giáo, người lớn tuổi: Một số học sinh sinh viên có biểu hiện bất hiếu với cha mẹ, vô lễ với thầy cô giáo, thiếu trung thực, thiếu trách nhiệm với gia đình, cộng đồng, thờ ơ, vô cảm trước nỗi đau của người khác, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai trái, tiêu cực không dám đấu tranh. Trong khuôn viên nhà trường học sinh sinh viên tỏ ra ngoan ngoãn, lễ phép nhưng ngoài trường học, trên mạng xã hội thì có thái độ vô lễ, xúc phạm thầy cô giáo.
Theo kết quả khảo sát năm 2017 của Bộ GD&ĐT dành cho học sinh, sinh viên phổ thông và các trường ĐH, có 8,6% học sinh và 20,3 sinh viên tự nhận mình thường xuyên nói tục, chửi bậy.
Đối với bản thân và bạn bè: Một số học sinh sinh viên đua đòi, chưa biết cách tiếp thu chọn lọc văn hóa phương Tây, cách ứng xử không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam, thích thể hiện sự nổi trội trước bạn bè; sống thực dụng, thiếu nghĩa tình và nhân văn. Một số ít học sinh sinh viên sa vào nghiện chơi điện tử, đam mê với cuộc sống ảo trên Internet, có hành vi bạo lực và hành xử thiếu văn hóa.
Học sinh, sinh viên sử dụng nhiều thời gian trong ngày để tham gia các hoạt động trên Internet và mạng xã hội. Một số học sinh, sinh viên thường xuyên chia sẻ, bình luận dung tục, kỳ quặc trên mạng xã hội, truy cập vào các thông tin xấu độc, bạo lực, đồi trụy, có hội chứng “nghiện Internet”, chạy theo lối sống ảo, đôi khi bị lôi kéo, tham gia các hoạt động vi phạm pháp luật thông qua môi trường mạng.
Điều đáng lo lắng là tình trạng bạo lực học đường vẫn xảy ra phức tạp tại một số địa phương, học sinh không can ngăn mà còn quay video đưa lên mạng như là một sự cổ súy cho hành vi bạo lực; tình trạng bỏ học, bỏ nhà sống lang thang, tụ tập thành băng nhóm sử dụng hung khí đâm chém nhau, gây rối trật tự công cộng, phạm tội nghiêm trọng như giết người, cướp tài sản đang diễn biến phức tạp hơn.
Ảnh: MH |
Đối với môi trường: Một số học sinh, sinh viên chưa có ý thức giữ gìn vệ sinh, bảo vệ môi trường xanh, sạch, đẹp trong trường học và cộng đồng, cụ thể là các hành vi viết vẽ bậy lên tường, bàn ghế, xả rác bừa bãi, hái hoa, bẻ cành xảy ra ở nhiều lứa tuổi học sinh; nghiêm trọng hơn còn có hành động phá hoại tài sản, cơ sở vật chất trường học và của công.
Không chỉ đánh giá văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viên, Dự thảo Đề án còn thẳng thắn nhìn nhận những mặt chưa được trong ứng xử của cán bộ quản lý, nhà giáo, nhân viên. Đó là vẫn còn một số ít cán bộ, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục chưa chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử, cá biệt có giáo viên vi phạm đạo đức, lối sống; vẫn còn hiện tượng thiếu dân chủ, chèn ép, thành kiến trù dập học sinh, cắt xén chương trình trên lớp, tổ chức dạy thêm sai quy định… làm ảnh hưởng đến uy tín của ngành giáo dục.
Một bộ phận nhà giáo nhận thức chưa đầy đủ về vị trí, vai trò và trách nhiệm của cá nhân trong việc giáo dục thế hệ trẻ, thiếu ý thức tự vươn lên, khả năng tự học, cập nhật thông tin, trau dồi kiến thức hạn chế; phương pháp giảng dạy chậm đổi mới.
Đặc biệt, một số cán bộ, nhà giáo thiếu kiềm chế cảm xúc cá nhân, dẫn đến hành vi xúc phạm tinh thần, xâm phạm thân thể trẻ em, bạo hành trẻ trong các cơ sở mầm non (nhất là các nhóm trẻ độc lập tư thục) và học sinh, sinh viên; chưa đúng mực trong ứng xử với đồng nghiệp, với phụ huynh và người dân đến làm việc; thái độ, hành vi, phát ngôn đôi khi thiếu chuẩn mực… rất cá biệt có trường hợp xâm hại học sinh xảy ra trong trường học.
Nhà trường cũng có phần trách nhiệm
Theo Dự thảo Đề án, hiện công tác giáo dục đạo đức, lối sống,
xây dựng văn hóa ứng xử trong các nhà tường chưa thực sự được chú trọng, chưa đáp ứng được yêu cầu của thực tiễn. Sự phối hợp giữa nhà trường với gia đình và xã hội trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học chưa đồng bộ, thống nhất đã làm giảm hiệu quả giáo dục của mỗi bên.
Bên cạnh đó, sự thiếu gương mẫu, ít quan tâm đến giáo dục đạo đức lối sống, trong đó có văn hóa ứng xử của một số cán bộ quảnl ý, nhà giáo, nhân viên trong các cơ sở giáo dục, của các bậc cha mẹ học sinh, sinh viên ở một số nơi, nhất là khi học sinh, sinh viên ở ngoài trường học đã ảnh hưởng không tốt đến việc xây dựng văn hóa ứng xử của học sinh, sinh viên, gây lo lắng trong xã hội.