Cựu nhà báo cưỡng đoạt 250 triệu đồng bị đề nghị truy tố

GD&TĐ - Liên quan đến vụ án của cựu nhà bị bắt khi nhận hối lộ, Công an TP Yên Bái hoàn tất kết luận điều tra, đề nghị truy tố Lê Duy Phong (SN 1985, trú tại quận Hoàng Mai, Hà Nội) tội Cưỡng đoạt tài sản.

Thời điểm bắt quả tang nhà báo Lê Duy Phong
Thời điểm bắt quả tang nhà báo Lê Duy Phong

Lê Duy Phong là Trưởng ban bạn đọc của báo Điện tử Giáo dục Việt Nam.

Theo kết luận điều tra, ngày 14/6/2017, thực hiện chỉ đạo của Ban biên tập Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, Lê Duy Phong với tư cách là Trưởng ban Bạn đọc, chỉ đạo phóng viên tập sự của báo đến TP Yên Bái xác minh nguồn gốc đất, tài sản trên đất của gia đình Giám đốc Công an tỉnh Yên Bái và Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Yên Bái.

Ngày 15/6/2017, Phong nhắn tin vào số điện thoại của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Yên Bái Vũ Xuân Sáng để hẹn lịch làm việc nhằm xác minh khối tài sản của gia đình ông.

Thời điểm đó, báo chí đăng tải nhiều thông tin có liên quan đến biệt phủ của Giám đốc Sở TN&MT, Giám đốc Công an tỉnh, và kế tiếp sẽ là viết bài về Giám đốc Sở Kế hoạch Đầu tư Yên Bái là ông Sáng nên ông này lo lắng và đã đồng ý gặp Phong.

Vào ngày 16/6, khi gặp ông Sáng, Phong gợi ý ông Sáng đưa 200 triệu đồng để Phong lo báo chí để giải quyết ổn thỏa không viết bài về ông Sáng nữa.. Lúc đó, ông Sáng đã đưa cho Phong số tiền 100 triệu đồng rồi đến chiều, ông Sáng tiếp tục đưa cho Phong 100 triệu nữa.

Về nhà suy nghĩ lại sự việc, ông Sáng liền làm đơn tố giác Phong tới cơ quan điều tra.

Trong thời gian Công an đang xác minh vụ việc thì ngày 22/6, Công an TP Yên Bái phát hiện và bắt quả tang nhà báo Duy Phong đang có hành vi cưỡng đoạt tài sản của ông Hoàng Trung Thực, người có góp vốn kinh doanh một công ty hoạt động về vận tải.

Qua điều tra, trưa ngày 22/6/2017, Phong nhận lời mời của bạn học là Đỗ Việt Công (SN 1983, phóng viên Đài phát thanh truyền hình tỉnh Yên Bái) ăn cơm trưa. Tại cuộc gặp, còn có ông Thực, Phong giới thiệu mình là tác giả bài viết liên quan đến nhà đất của gia đình giám đốc Công an tỉnh Yên Bái. Trong bài viết có sử dụng hình ảnh doanh nghiệp Hợp Thành Phát, là nơi ông Thực đang góp vốn kinh doanh. Phong nói sẽ tiếp tục viết bài.

Lúc này, ông Thực xin Phong dừng viết rồi nhét 50 triệu đồng vào túi của Phong. Khi đang tiếp tục ăn uống, cơ quan Công an đã ập vào bắt quả tang.

Kết luận cựu nhà báo Lê Duy Phong cưỡng đoạt tài sản

Ngay sau khi bị bắt quả tang, Lê Duy Phong đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội. Tuy nhiên quá trình điều tra sau này, Phong đã thay đổi lời khai không thừa nhận đã chiếm đoạt số tiền 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng và 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung Thực.

Lý do thay đổi lời khai được Lê Duy Phong cho biết là do bị cơ quan CSĐT Công an TP Yên Bái ép cung, mớm cung.

Cơ quan tố tụng của TP.Yên Bái cho rằng, căn cứ vào biên bản lời khai, biên bản hỏi cung, bản tường trình, bản tự khai, bản kiểm điểm và tâm thư của Lê Duy Phong, lời khai của bị hại, nhân chứng, đủ cơ sở kết luận bị can phạm tội: Cưỡng đoạt tài sản.

Về số tiền chiếm đoạt 200 triệu đồng của ông Vũ Xuân Sáng và 50 triệu đồng của ông Hoàng Trung Thực, tại cơ quan công an, Phong khai đã sử dụng 200 triệu của ông Sáng chia cho 26 phóng viên, nhà báo; trong đó, một nhà báo 30 triệu đồng và 25 người khác mỗi người 3 triệu đồng. Còn lại 70 triệu đồng, ông Phong gửi vào tài khoản của mình.

Công an đã làm việc với các nhà báo Phong khai đưa tiền nhưng họ đều phủ nhận. Sau đó, khi đối chất Phong thay đổi lời khai cho rằng không đưa tiền cho ai nên cơ quan điều tra kết luận không đủ căn cứ xác định Phong đã chia số tiền trên.

Liên quan đến vụ việc, hồi tháng 6/2017, Bộ TT-TT đã ra quyết định thu hồi Thẻ nhà báo của ông Lê Duy Phong, công tác tại Báo điện tử Giáo dục Việt Nam. Quyết định của Bộ TT-TT do Thứ trưởng Hoàng Vĩnh Bảo ký có nêu rõ, thu hồi thẻ nhà báo mang số hiệu ĐT 00082, kỳ hạn 2016-2020 của ông Lê Duy Phong, bút danh Hải Ninh được cấp tại Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Nguyên nhân thu hồi thẻ nhà báo này là vì ông Lê Duy Phong đã bị cơ quan tiến hành tố tụng quyết định khởi tố bị can về tội "Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản".

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giáo viên Trường Mầm non Hoa Hồng (Quận 7, TPHCM) chăm sóc trẻ. Ảnh: TH

Chống 'sốc' cho trẻ mầm non

GD&TĐ - Do đã quen nếp sinh hoạt ở nhà hoặc chưa tiếp xúc với môi trường học mới, nên khi bắt đầu đến trường, trẻ dễ mắc tâm lý sợ hãi…