Theo các chuyên gia, để có câu trả lời phù hợp, cần bắt nguồn từ việc mỗi thí sinh mong muốn sau này mình làm nghề gì, từ đó xác định trở thành ai? Mong muốn này thường dựa trên đam mê, sở trường, năng lực học tập và điều kiện gia đình.
Ưu tiên chọn ngành
Theo ông Đỗ Ngọc Anh, Giám đốc Trung tâm Thông tin và Truyền thông, Trường Đại học Mở Hà Nội, trong một trường đại học (ĐH) thường đào tạo một số ngành nhất định và không phải tất cả các ngành đều là thế mạnh. Do vậy, chọn trường ĐH trước dẫn đến việc thí sinh không tìm được ngành học để sau khi tốt nghiệp có nghề nghiệp như mong muốn; hoặc có thì ngành học đó không phải là thế mạnh của trường, chất lượng đào tạo không cao, dẫn tới cơ hội nghề nghiệp thấp.
Ông Vương Quốc Hùng, Trưởng phòng Tuyển sinh, Trường Đại học CMC, cho rằng, trước tiên thí sinh hãy lựa chọn ngành học dựa trên sở thích, sở trường, năng lực bản thân và nhu cầu xã hội, tiếp đó mới chọn trường phù hợp. Nhiều thí sinh chỉ mong muốn vào được bất kỳ trường ĐH nào đó rồi “tính sau”. Nhưng thực tế hiện nay rất nhiều người tốt nghiệp ĐH, cao đẳng không tìm được việc làm phù hợp.
Theo kinh nghiệm các năm trước, không ít thí sinh chọn trường theo danh tiếng, nhưng sau đó không đủ điểm vào các ngành “hot” hoặc yêu thích, phải lựa chọn những ngành ra trường khó tiếp cận vị trí việc làm dẫn đến tâm lý chán trường, bỏ học giữa chừng.
Việc xác định nghề sẽ gắn liền với ngành học mà thí sinh lựa chọn. Một ngành học thường được nhiều trường đào tạo, bởi vậy, ông Đỗ Ngọc Anh cho rằng, khi lựa chọn được ngành học yêu thích, phù hợp thì thí sinh có thể lựa chọn trường đào tạo có uy tín, chất lượng để đăng ký xét tuyển. Như vậy, các em mới có cơ hội học ngành theo đúng đam mê, sở trường, năng lực học tập và điều kiện của gia đình. Khi đó, động lực sẽ tạo cho các em sự hứng thú và hiệu quả trong học tập.
Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Vinh San, Trưởng phòng Công tác sinh viên, Trường Đại học Sư phạm – Đại học Đà Nẵng, đưa ra lời khuyên dành cho các sĩ tử đang băn khoăn trong vấn đề chọn ngành hay chọn trường. Đó là, hãy ưu tiên chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích và điều kiện gia đình cũng như nhu cầu xã hội; tiếp đó, hãy chọn ngôi trường mình yêu thích.
Nguyện vọng tiếp theo sẽ dành cho các trường ít mong muốn hơn có đào tạo ngành mình thích. Bởi vì, ngành nghề sẽ gắn bó với mình cả cuộc đời. Khó có thể hạnh phúc khi phải làm việc mình không thích trong khoảng thời gian dài; hoặc khi nhận ra sự không phù hợp và lựa chọn thay đổi ngành nghề, chúng ta đã phải đánh đổi cả một quãng thời gian. Trong khi việc chọn trường chỉ gắn bó với chúng ta vài năm học và chất lượng đào tạo giữa các trường hiện tại cũng không chênh lệch quá nhiều.
Ông Nguyễn Vinh San trong một chương trình tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh THPT. Ảnh: NVCC |
Để chọn ngành phù hợp
Để chọn được ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện cá nhân, ông Vương Quốc Hùng cho biết, thí sinh cần trả lời các câu hỏi: Ngành nghề gì khiến mình đam mê, hứng thú với công việc đủ để vượt qua khó khăn, theo đuổi đến cùng? Mình đủ năng lực làm nghề gì? Ngành nghề gì xã hội đang và sẽ còn có nhu cầu cao? Khi tổng hợp được nội dung trả lời các câu hỏi trên, thí sinh sẽ có sự chọn lựa tối ưu nhất cho bản thân mà không phải chạy theo xu thế ngành hot hoặc đam mê không rõ ràng.
Liên quan đến nội dung này, ông Đỗ Ngọc Anh chia sẻ: Khi lựa chọn ngành học, học sinh lực học trung bình mong muốn học ngành về trí tuệ nhân tạo là khó khả thi, bởi ngoài việc đầu vào cao, ngành học này đòi hỏi năng lực học tập và kỹ năng nghiên cứu tốt. Có em gia đình không có điều kiện nhưng mong muốn lựa chọn ngành học tại trường có mức học phí, chi phí học tập cao, dẫn tới gánh nặng cho bản thân và gia đình.
Để lựa chọn ngành học phù hợp với năng lực, sở thích, điều kiện cá nhân, thí sinh, phụ huynh cần có sự trao đổi, thống nhất để mong muốn của gia đình và các em được hài hòa. Đặc biệt, cần tránh việc phụ huynh áp đặt ngành học cho con, hoặc con tự ý lựa chọn ngành học theo trào lưu, bạn bè rủ rê mà không có sự phân tích kỹ lưỡng cùng người thân. “Ngành học mong muốn cần đảm bảo sự hài hòa giữa sở thích, năng lực học tập của thí sinh và điều kiện của gia đình”, ông Đỗ Ngọc Anh nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Vinh San thì cho rằng, sẽ thật tuyệt vời nếu chúng ta chọn được một ngành học mình giỏi, yêu thích và xã hội đang cần. Tuy nhiên, không phải ai cũng may mắn hội tụ đủ các yếu tố đó hoặc xác định một cách chuẩn xác. Do đó, lời khuyên dành cho các sĩ tử là: Hãy cùng trao đổi vấn đề chọn ngành, trường với bố mẹ, người thân có am hiểu, thầy, cô giáo để cùng phân tích về năng lực sở trường của mình, điều kiện gia đình cũng như nhu cầu xã hội. Những người lớn đi trước với nhiều trải nghiệm chắc chắn sẽ cho các bạn lời khuyên có ích. Hiện nay, trên Internet có nhiều bài trắc nghiệm nghề nghiệp (có thể chọn trắc nghiệm của Holand), các em nên thử thực hiện để hiểu rõ hơn về sự phù hợp nghề nghiệp của bản thân.
“Việc chọn đúng ngành với (những) nghề tương ứng cần thiết và quan trọng để có thể theo đuổi lâu dài, thậm chí cả đời. Tuy nhiên, nên hiểu việc chọn ngành là quyết định mang tính thời điểm, còn làm nghề là sự trưởng thành từng bước. Một ngành có thể làm nhiều nghề và ngược lại. Trong một nghề cũng có thể làm các vị trí việc làm khác nhau. Bởi vậy, không nên tuyệt đối hóa việc cần chọn đúng ngành ở lứa tuổi 17, 18 khi mà về sau còn quá nhiều biến số của việc học tập và cuộc sống không ai tính hết được. Việc chọn ngành là lời giải tối ưu chứ không phải tốt nhất và duy nhất. Do vậy, không có chuyện chọn sai cũng như chọn đúng một cách tuyệt đối. Thí sinh cố gắng chọn ngành, nghề thật cẩn trọng. Nhưng, nếu chưa chọn được ngành, nghề đúng ý thì điều đó cũng bình thường và cần biết cách thích ứng với nó”. - GS.TS Nguyễn Quý Thanh, Hiệu trưởng Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội