'Cưỡi ngựa xem hoa' với hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp?

GD&TĐ - Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp là nội dung bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018.

Học sinh Trường THPT Thanh Khê (TP Đà Nẵng) với giờ học tại Phòng thí nghiệm, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: Hà Nguyên
Học sinh Trường THPT Thanh Khê (TP Đà Nẵng) với giờ học tại Phòng thí nghiệm, Trường ĐH Sư phạm, ĐH Đà Nẵng. Ảnh: Hà Nguyên

Tuy nhiên, do hạn chế về kinh phí, thiếu đội ngũ giáo viên chuyên trách, không gian trải nghiệm… nên đôi lúc, đôi nơi chỉ mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”.

Tận dụng nguồn lực trường đại học

100 học sinh lớp 10, Trường THPT Thanh Khê (TP Đà Nẵng) được trực tiếp thực nghiệm các công nghệ nuôi cấy tế bào tại phòng thực hành của Trường Đại học Sư phạm, Đại học Đà Nẵng. Những kiến thức lý thuyết Công nghệ tế bào đã học trong chuyên đề Sinh học lớp 10 trở nên dễ hiểu hơn. Học sinh tham gia chương trình rất hào hứng với kiến thức sinh học, công nghệ nuôi cấy, ấn tượng với hệ thống các phòng thí nghiệm hiện đại của Khoa Sinh – Môi trường.

Em Nguyễn Hiền chia sẻ: “Khi được hướng dẫn tường tận thao tác trong phòng thí nghiệm, tự tay thực hiện các bước nuôi cấy tế bào mô thực vật, tế bào tảo và nuôi cấy vi sinh vật, em và các bạn rất thích thú, biết thêm những ứng dụng của môn Sinh học trong đời sống. Em cảm nhận lĩnh vực sinh học hóa ra rộng lớn hơn… chứ không bó hẹp trong cây cối, trồng trọt, chăn nuôi như lâu nay vẫn nghĩ”.

Trường THPT Thái Phiên (Đà Nẵng) đã kết hợp với Khoa Hóa (Trường Đại học Bách khoa, Đại học Đà Nẵng) tổ chức chương trình “Chemistry Stem Science”. Học sinh có cơ hội thực hiện 2 bài thí nghiệm thú vị do các giảng viên hướng dẫn thực hiện. Những trải nghiệm đã giúp các em có cái nhìn đúng đắn về nghề nghiệp sẽ lựa chọn cùng những yêu cầu, đặc thù cần có; biết mình phù hợp nhất với nghề gì.

Trải nghiệm để hướng nghiệp được nhiều trường THPT tổ chức giúp học sinh tự khám phá một số ngành nghề trước khi quyết định lựa chọn. Các trường THPT có thể phối hợp với trường đại học, cơ sở đào tạo nghề, xưởng sản xuất… tổ chức tour tham quan, trải nghiệm thực tế theo hình thức “một ngày làm sinh viên”.

Trường PTDTNT Nam Trà My (Quảng Nam) ngoài các tiết dạy về hướng nghiệp theo chương trình, còn tổ chức cho học sinh tham quan thực tế một số mô hình trồng sâm Ngọc Linh, các trang trại trồng dược liệu trong vùng để xem hiệu quả, mô hình sản xuất. Thầy Bùi Ngọc Luận, Hiệu trưởng Trường PTDTNT Nam Trà My, cho biết, từ những hoạt động này, học sinh có thêm một hướng mở cho lựa chọn nghề nghiệp tương lai. Nhiều em đã chọn học các ngành liên quan đến nông nghiệp gắn với kinh tế địa phương sau khi tốt nghiệp THPT.

Hồ Thị Giới - sinh viên ngành Bảo vệ thực vật, Khoa Khoa học tự nhiên và Kỹ thuật của Trường Đại học Quảng Nam - cho biết: “Em chọn ngành liên quan đến nông nghiệp với mong muốn lập nghiệp ngay trên quê hương mình. Nam Trà My có nhiều lợi thế về trồng cây dược liệu dưới tán rừng.

Thế nhưng, thế mạnh này chưa được tận dụng để phát triển kinh tế, từng bước xóa đói giảm nghèo. Bà con vẫn chủ yếu làm rẫy theo kinh nghiệm, chưa tiếp cận khoa học kỹ thuật nên năng suất chưa cao, phụ thuộc nhiều vào thời tiết. Em mong muốn sẽ tích lũy được nhiều kiến thức nông nghiệp, chế biến nông sản thành thành phẩm để có thể mang lại lợi ích kinh tế cao hơn cho bà con”.

Học sinh các trường học ở Nam Trà My (Quảng Nam) từ mầm non đến phổ thông đều được tiếp cận chương trình giáo dục kỹ năng trồng dược liệu dưới tán rừng với những nội dung phù hợp từng độ tuổi. Tại vườn thực nghiệm của trường, học sinh được hướng dẫn kỹ thuật trồng, nuôi dưỡng, khai thác và bảo vệ nguồn giống các loại cây dược liệu đặc hữu của địa phương, như sâm Ngọc Linh, quế, giảo cổ lam, đương quy… Những nội dung này, giáo viên sẽ lồng ghép vào một số môn học như sinh học, kỹ thuật.

Học sinh Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) triển khai dự án học tập tại Khu hoạt động trải nghiệm của trường. Ảnh: NTCC

Học sinh Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) triển khai dự án học tập tại Khu hoạt động trải nghiệm của trường. Ảnh: NTCC

Khó thực hành, thực học

Với chủ đề “Làng nghề truyền thống ở Đà Nẵng”, học sinh lớp 6 ở Đà Nẵng hứa hẹn sẽ có những giờ học thực tế, mang tính chất trải nghiệm tại một số làng nghề tiêu biểu của thành phố.

“Đầu ra” của chủ đề này, học sinh phải kể được tên một số nghề truyền thống ở Đà Nẵng, trình bày được nguyên liệu chính và quy trình để tạo ra sản phẩm, giới thiệu được sản phẩm làng nghề với người thân và khách du lịch. Cũng gắn với làng nghề truyền thống, học sinh sẽ có những thông tin căn bản về nhu cầu lao động của các làng nghề. Đây là những bước khởi đầu, đặt nền móng cho công tác hướng nghiệp theo Chương trình GDPT 2018.

Tuy nhiên, thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng), cho biết “Các cơ sở sản xuất nước mắm đều có quy mô nhỏ hẹp, khó để học sinh có đủ không gian quan sát chứ chưa nói đến được tham gia thực hiện một công đoạn nào đó trong quy trình sản xuất nước mắm”. Vì vậy, nhà trường phải kết hợp trình chiếu thêm video, tranh ảnh cho học sinh xem.

Thầy Lê Vinh – Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Đà Nẵng) thì cho rằng, với nội dung Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp, nếu yêu cầu các trường tổ chức tất cả các hoạt động cho học sinh ở bên ngoài nhà trường sẽ rất khó thực hiện. Nhưng nếu nhà trường xây dựng các mô hình, dụng cụ… để học sinh có thể thực hành ngay trong khuôn viên trường thì vấn đề lại đơn giản hơn nhiều. Đây cũng là cách mà Trường THPT Bình Sơn (Quảng Ngãi) đang thí điểm triển khai khi xây dựng Khu hoạt động trải nghiệm dưới mô hình vườn thực hành.

Khu đất trống được Ban giám hiệu Trường THPT Bình Sơn đầu tư cải tạo và chia thành từng ô nhỏ để học sinh thực hiện các dự án học tập liên môn. Mỗi nhóm có khoảng 6 - 8 học sinh cùng thực hiện một dự án trồng một số loại rau, củ quả… Trong quá trình thực hiện, nhóm phải lưu lại nhật ký. Ngoài thành phẩm cuối cùng là số lượng rau, củ, quả thu hoạch được và doanh số bán hàng, các dự án còn phải xây dựng video thuyết minh bằng tiếng Việt, tiếng Anh để chia sẻ kinh nghiệm.

“Hướng nghiệp muốn hiệu quả thực sự phải bắt nguồn từ cuộc sống. Trong đó, lý tưởng nhất là học sinh được trải nghiệm nhất định với một số ngành nghề cơ bản thì mới biết mình phù hợp nhất nghề gì. Thông qua các hoạt động trải nghiệm - sáng tạo của một số môn học như Địa lý, Lịch sử, Công nghệ nông nghiệp, Sinh học, Tin học và Ngoại ngữ…, Trường THPT Bình Sơn đã kết hợp công tác hướng nghiệp sớm. Từ những hoạt động trải nghiệm thực tế, học sinh đã biết một số ngành nghề thế mạnh có nhu cầu cao của địa phương để các em có thể lựa chọn phù hợp với sở thích, năng lực” – thầy Phạm Thạch Sinh, Hiệu trưởng nhà trường trao đổi.

Để môn học Hoạt động trải nghiệm và hướng nghiệp thực sự có hiệu quả, các trường học cần sự hỗ trợ, kết nối của sở, phòng GD&ĐT hoặc chính quyền địa phương. Nếu có sự ký kết hợp tác với các xí nghiệp, nhà máy, xưởng sản xuất… thì sẽ thuận tiện khi các trường tổ chức hoạt động trải nghiệm, nhất là ở nội dung hướng nghiệp”. - Thầy Bùi Duy Quốc, Hiệu trưởng Trường THCS Lương Thế Vinh (Liên Chiểu, TP Đà Nẵng)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ