Chương trình có các môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Lịch sử, Giáo dục thể chất, Giáo dục Quốc phòng và An ninh, Hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp, Nội dung giáo dục của địa phương.
Ngoài ra, học sinh chọn 4 trong 9 môn lựa chọn: Địa lý, Giáo dục Kinh tế và Pháp luật, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Công nghệ, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật. Xây dựng các tổ hợp môn học và chuyên đề học tập lựa chọn là điểm mới, được các trường dành nhiều tâm sức để có thể “vẹn cả đôi đường” - đáp ứng nguyện vọng của học sinh và sử dụng đầy đủ, hiệu quả đội ngũ giáo viên nhà trường.
Liên quan đến nội dung này, Bộ GD&ĐT có Công văn số 1496/BGDĐT-GDTrH ngày 19/4/2022 về triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022 - 2023; Công văn số 4020/BGDĐT-GDTrH ngày 22/8/2022 hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ giáo dục trung học năm học 2022 - 2023. Sau khi ban hành Thông tư 13/2022/TT-BGD&ĐT sửa đổi, bổ sung một số nội dung trong Chương trình GDPT 2018, Bộ GD&ĐT hướng dẫn chuyển đổi môn học lựa chọn, cụm chuyên đề học tập tại Công văn số 68/BGDĐT-GDTrH ngày 6/1/2023.
Thực hiện hướng dẫn của Bộ GD&ĐT, các sở GD&ĐT đã ban hành văn bản chỉ đạo cơ sở giáo dục xây dựng tổ hợp môn học và cụm chuyên đề học tập. Một số sở GD&ĐT tổ chức hội nghị với trường THPT để chuẩn bị phương án tổ chức dạy học lớp 10 năm học 2022 - 2023.
Bộ GD&ĐT đánh giá, sau một năm triển khai, việc xây dựng và giảng dạy các môn học, chuyên đề học tập lựa chọn cho học sinh lớp 10 theo đúng quy định. Tất cả trường THPT đã căn cứ vào thực tế giáo viên hiện có, phòng học, thiết bị dạy học, phòng thí nghiệm và nguyện vọng của học sinh để xây dựng kế hoạch bố trí theo các nhóm môn học và cụm chuyên đề học tập lựa chọn.
Hầu hết, trường THPT thông báo tiêu chí và cho học sinh đăng ký theo từng tổ hợp; công khai phương án lựa chọn; tổ chức tư vấn cho phụ huynh, học sinh lựa chọn môn học, cụm chuyên đề học tập lựa chọn phù hợp với định hướng nghề nghiệp.
Bên cạnh kết quả đạt được cũng xuất hiện những bất cập, khó khăn cần khắc phục. Nhiều trường THPT do điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ nên đặt ra các tổ hợp môn (từ 3 - 4 môn/tổ hợp) cho học sinh lựa chọn, dẫn đến tình trạng có học sinh bắt buộc phải học môn mà mình không thích; hoặc học sinh chưa được đáp ứng đầy đủ nguyện vọng học một số môn theo nhu cầu.
Chưa có giáo viên nên số trường xây dựng được tổ hợp môn học, chuyên đề học tập lựa chọn có môn Âm nhạc, Mỹ thuật ở từng địa phương chỉ đếm trên đầu ngón tay. Việc chuyển đổi môn học hoặc chuyển trường khó khăn hơn do tổ chức dạy học theo tổ hợp lựa chọn khác nhau giữa các trường...
Năm học 2023 - 2024, hướng dẫn đối với tổ chức dạy học các môn học lựa chọn, chuyên đề học tập lựa chọn cấp THPT có điểm mới. Theo đó, Bộ GD&ĐT khuyến khích nhà trường tổ chức riêng các lớp học theo từng môn học, chuyên đề học tập lựa chọn; linh hoạt bố trí số học sinh theo từng lớp học và xây dựng thời khóa biểu phù hợp để đáp ứng tối đa nguyện vọng của học sinh. Trên thực tế, đa số trường THPT chưa đủ điều kiện để triển khai điều này, nhưng đây là hướng để nhà trường, địa phương cần phấn đấu đạt được.
Người đứng đầu ngành Giáo dục từng chia sẻ, mục tiêu và yêu cầu về các điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục của Chương trình GDPT 2018, có những điểm cần phải đạt được ngay khi bắt đầu triển khai, nhưng có điểm đặt ra để phấn đấu từng bước đáp ứng theo quan điểm phát triển chương trình.
Vì vậy, việc tổ chức thực hiện cần đúng hướng, từng bước, làm đến đâu chắc đến đó để nâng cao chất lượng giáo dục. Với việc cho học sinh lựa chọn môn học cũng vậy. Chúng ta tin vào hiệu quả của chương trình mới khi thực sự nhận thức đúng, đầy đủ các yêu cầu về điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục và kiên trì, quyết tâm cao khi thực hiện.