Hướng đến tự chủ cho nhà trường, lợi cho người học

GD&TĐ - Theo PGS.TS Phạm Tiết Khánh - Hiệu trưởng Trường ĐH Trà Vinh: Nhiều nội dung được đưa vào Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học (sau đây gọi là Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi) đã hướng nhiều hơn đến quyền tự chủ của các nhà trường cũng như bảo đảm quyền lợi cho người học, như: Các cơ sở GDĐH được tự xác định sứ mạng, mục tiêu phát triển theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng chứ không phải do Nhà nước quyết định; hay như việc mở ngành các trường cũng sẽ được tự mở ngành đào tạo chứ không cần xin phép Bộ GD&ĐT như hiện nay…. 

Hướng đến tự chủ cho nhà trường, lợi cho người học

Những quy định mới này hướng đến các trường được tự chủ nhiều hơn và điều này là có lợi cho người học.

Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi đang được Bộ GD&ĐT công bố lấy ý kiến trước khi trình Chính phủ, ông đánh giá thế nào về những nội dung mới được đưa ra?

Ở phần những quy định chung (Chương 1), Dự thảo sửa đổi các điều quan trọng. Tại Điều 9 về phân tầng, xếp hạng ĐH và Điều 11 về quy hoạch mạng lưới các trường ĐH và Điều 12 về Chính sách của Nhà nước về phát triển GDĐH đều rất cụ thể và chi tiết, hướng đến thúc đẩy, khuyến khích năng lực tự chủ và sự phát triển của các nhà trường. Cụ thể, theo như Điều 9 được sửa đổi theo hướng các cơ sở GDĐH được tự xác định sứ mạng, mục tiêu phát triển theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng chứ không phải do Nhà nước quyết định.

Ở Điều 11, quy định về quy hoạch mạng lưới các cơ sở GDĐH đã sửa đổi theo hướng chuyển từ quy hoạch theo đơn vị hành chính sang quy hoạch theo ngành, lĩnh vực, nhu cầu của xã hội và thị trường, thể chế hóa chủ trương của Đảng tại Nghị quyết số 19 mới ban hành. Hay ở Điều 12 về chính sách đầu tư cho GDĐH cũng quy định việc đầu tư sẽ thực hiện thông qua các đề án, chương trình, chính sách tín dụng sinh viên và đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.

Dự thảo cũng quy định việc các cơ sở GDĐH thực hiện xã hội hóa được ưu tiên giao đất không thu tiền hoặc cho thuê đất để xây dựng trường, được miễn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp và thuế nhập khẩu các trang thiết bị, máy móc phục vụ hoạt động đào tạo và nghiên cứu khoa học. Việc thực hiện các hoạt động khác như đấu thầu, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, không phân biệt loại hình cơ sở GDĐH… Những quy định này đã tạo sự bình đẳng cho cả nhà trường và người học, tôi cho là rất chi tiết, cụ thể và cần thiết.

Với quy định, các trường ĐH sẽ phải xác định chỉ tiêu theo từng ngành đào tạo chứ không theo nhóm ngành như hiện tại và các trường được quyền chủ động mở ngành chứ không còn phải xin phép Bộ. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Việc quy định tại khoản 1, Điều 34 của Dự thảo, yêu cầu: Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định theo ngành đào tạo trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội và quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phù hợp với các điều kiện về số lượng và chất lượng đội ngũ giảng viên, cơ sở vật chất và các điều kiện đảm bảo chất lượng khác. Tôi cho rằng, đây là những yêu cầu phù hợp hơn quy định cũ ở khoản 1, Điều 34 của Luật GDĐH hiện hành, chỉ yêu cầu: Chỉ tiêu tuyển sinh được xác định trên cơ sở nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội chứ không yêu cầu cụ thể là xác định theo ngành đào tạo.

Hiện nay, việc xác định chỉ tiêu các trường đang thực hiện theo Thông tư 32. Theo đó, chỉ tiêu hiện nay của các trường được xác định theo nhóm ngành bao gồm các ngành gần nhau cùng với các tiêu chí về cơ sở vật chất và giảng viên, quy định này có những mặt tích cực nhưng cũng thể hiện sự chưa đầy đủ. Còn trong dự thảo mới, việc thay đổi quy định xác định chỉ tiêu theo ngành là giúp các cơ sở đào tạo xác định rõ hơn khi mở một ngành nào đó các trường phải đầu tư cho ngành đó từ cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm cho đến giảng viên.

Việc thay đổi cách xác định chỉ tiêu theo ngành thay vì theo nhóm ngành như hiện nay sẽ hướng đến việc các trường tính toán kỹ hơn mức đầu tư của nhà trường cho ngành và quy mô đào tạo phải phù hợp với cơ sở vật chất và giảng viên đã đầu tư cho từng ngành. Thêm nữa, việc Dự thảo quy định các trường ĐH được tự chủ mở ngành thông qua quyết định của Hội đồng trường là bước đột phá trong việc giao quyền tự chủ cho các trường, vì thực tế Hội đồng trường có thể hiểu như một cơ quan “lập pháp” trong trường học chắc chắn những quyết định sẽ có những tính toán vì sự phát triển chung.

Thế còn quy định về việc các trường được quyền công nhận thành viên Ban giám hiệu và quy định mức thu học phí, thưa ông?

Đây cũng là một trong những nội dung tôi đánh giá cao của Dự thảo sửa đổi. Luật GDĐH hiện hành đã khẳng định việc giao quyền tự chủ cho các trường, tuy nhiên việc công nhận hiệu trưởng, hiệu phó lại không được phép thực hiện vì còn vướng những quy định khác. Nay, Dự thảo Luật GDĐH sửa đổi trong đó có đề cập chi tiết các phương án về công nhận hiệu trưởng và hiệu phó, trường ĐH là một lần nữa khẳng định quyền Luật định về tự chủ cho các trường.

Còn về việc giao cho các trường tự quyết định mức học phí, tôi cũng cho là hoàn toàn hợp lý. Tất nhiên còn có những băn khoăn về việc các trường có lạm dụng việc này hay không. Theo tôi còn có sự giám sát của xã hội, người học và cơ quan chức năng. Thêm nữa, không phải trường nào cứ muốn thu bao nhiêu cũng được, trong một môi trường cạnh tranh người học giữa các trường ngày càng lớn thì việc để giữ uy tín, thu hút người học đến với mình, các trường không thể làm bừa.

Xin cám ơn ông!

Hướng đến tự chủ cho nhà trường, lợi cho người học ảnh 1

“Theo như nội dung Dự thảo công bố, Luật GDĐH sửa đổi với 36 điều thuộc 10 chương trên tổng số 73 điều, 12 chương được sửa đổi đều hướng đến mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả của tự chủ, góp nhần nâng cao năng lực quản trị, đổi mới quản lý đào tạo để đảm bảo chất lượng, hiệu quả và tiệm cận với các chuẩn quốc tế. Nhìn chung các điều luật sửa đổi đều thể hiện đầy đủ những yêu cầu đặt ra hướng đến phát triển chung thúc đẩy GDĐH phát triển”. PGS.TS Phạm Tiết Khánh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ