TS Ngô Thanh Hương |
Gửi trao đổi đến báo Giáo dục và Thời đại, giảng viên Thanh Hương phân tích:
Sửa đổi, bổ sung Điều 4 về Hệ thống giáo dục quốc dân theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo tạo nhiều cơ hội cho người học
Tôi cho rằng sửa đổi này rất phù hợp với nhu cầu của rất nhiều cá nhân, nhiều gia đình và xu thế của xã hội, tạo điều kiện cho người học có thể rèn luyện, học tập có hệ thống, có trật tự từ thấp lên cao phù hợp với năng lực và nguyện vọng và điều kiện của bản thân.
Ví dụ việc học liên thông từ cao đẳng lên đại học. Nhiều sinh viên học xong cao đẳng rồi đi làm, họ làm rất tốt các công việc liên quan đến chuyên ngành đào tạo. Cũng có trường hợp sau một thời gian hoặc ngay sau khi tốt nghiệp cao đẳng, tiếp tục học lên đại học hoặc tu nghiệp ở nước ngoài, học sau đại học, rồi trở thành giáo viên hoặc phiên dịch cao cấp trong các cơ quan nhà nước…
Theo tôi, việc liên thông giữa các cấp học và trình độ đào tạo sẽ tạo nhiều cơ hội cho người học.
Nội dung sửa đổi, bổ sung quy định về GDPT, GDTX để đẩy mạnh phân luồng sau THCS, định hướng nghề nghiệp ở THPT phù hợp với thực tế giáo dục
Thực tế cho thấy sự cần thiết của việc phân luồng sau THCS và định hướng nghề nghiệp ở THPT. Chính vì vậy, việc sửa đổi bổ sung quy định này theo tôi là hợp lý.
Tiếp xúc với nhiều sinh viên, tôi nhận thấy trên 80% sinh viên không biết tại sao mình chọn ngành/nghề đang học. Vì mông lung ngay từ điểm xuất phát nên sinh viên học tập không có nhiều hứng thú và chưa định hướng được sau khi tốt nghiệp ra trường sẽ như thế nào, làm nghề gì. Vì vậy, việc phân luồng sau THCS và định hướng nghề nghiệp ở THPT là rất quan trọng.
Mong muốn lương nhà giáo được nâng lên
Về chính sách đối với nhà giáo, tôi ủng hộ việc cần phải có cơ chế, chính sách tháo gỡ vấn đề này và cần thể chế hóa quan điểm của Đảng trong Nghị quyết số 29-NQ/TW vào Luật giáo dục (“Lương của nhà giáo được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp”). Thang bậc lương của tôi hiện tại là 3.0 sau 15 năm công tác. Ông xã tôi hiện cũng là giảng viên đại học, thang bậc lương cũng tương tự. Để trang trải cho cuộc sống gia đình, vợ chồng tôi phải nhận sách về dịch thêm.
Nếu lương nhà giáo được điều chỉnh phù hợp hơn, chúng tôi sẽ yên tâm công tác chuyên môn, tâm huyết dành thời gian để nghiên cứu khoa học, bồi dưỡng kỹ thuật giảng dạy… Tôi cho rằng việc tăng lương cho giáo viên cũng đồng nghĩa với việc tăng chất lượng giảng dạy, nâng cao chất lượng giáo dục.
Bên cạnh đó, nội dung mở rộng đối tượng miễn học phí ở cấp THCS công lập cũng là điều tôi tâm đắc. Tôi cho rằng đây là chính sách rất nhân văn.
Sự hợp lý khi nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học
Về nội dung “Nâng chuẩn trình độ đào tạo giáo viên tiểu học”, tôi cho rằng đây là sửa đổi hợp lý. Theo tôi, ngoài việc nâng chuẩn trình độ đào tạo của giáo viên tiểu học từ trung cấp lên cao đẳng, cần thường xuyên có những khóa tập huấn hay đào tạo ngắn hạn đối với các giáo viên cả bậc học tiểu học THCS, THPT về chuyên môn, phương pháp giảng dạy….(như các giảng viên ở Trường ĐH Hà Nội thường xuyên có các hội thảo, tọa đàm, tập huấn về phương pháp giáo dục hay Biên phiên dịch…)
Ngoài ra, tôi ủng hộ việc sửa đổi, bổ sung quy định Điều 71 về giáo sư, phó giáo sư là chức danh của nhà giáo đang giảng dạy, nghiên cứu khoa học ở cơ sở giáo dục đại học để phù hợp với thực tiễn, làm rõ trách nhiệm của giáo sư, phó giáo sư trong việc nghiên cứu khoa học.
Theo tôi, cần có quy định cụ thể hơn, rõ ràng hơn, chính sách linh hoạt, kịp thời về trách nhiệm nghiên cứu khoa học của giảng viên, PGS,GS trong cơ sở giáo dục đại học, nhằm khích lệ động viên năng lực NCKH của họ, phát triển những công trình khoa học phù hợp với thực tiễn, có giá trị ứng dụng cao.
Trong thực tế, việc nghiên cứu khoa học ở một số nơi đang diễn ra đối phó, làm để đủ, tròn trách nhiệm nên đôi khi không phù hợp thực tiễn hay ít giá trị ứng dụng. Trường thì quá nhiều dự án, công trình nghiên cứu khoa học trong khi có trường lại ít hoặc làm cho đủ.