Phát biểu tại buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh cảm ơn sự quyết tâm của GPE và các đối tác Giáo dục trong nỗ lực tận dụng nguồn vốn đòn bẩy để giúp Bộ GD&ĐT đẩy mạnh hơn nữa việc thực hiện các chiến lược dành cho trẻ em dân tộc thiểu số và giáo dục hòa nhập.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh cho biết, trong những năm qua, sự nghiệp giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã nhận được sự quan tâm đặc biệt của của Đảng, Nhà nước thông qua các chủ trương, chính sách hỗ trợ, đầu tư phát triển. Nhờ đó, đã có những chuyển biến đáng kể: hệ thống trường, lớp học được quan tâm đầu tư xây dựng ngày càng khang trang, đảm bảo đủ điều kiện để từng bước nâng cao chất lượng dạy và học.
Nhận thức rõ được những khó khăn của giáo dục dân tộc thiểu số, giáo dục trẻ khuyết tật, Thứ trưởng Ngô Thị Minh bày tỏ mong muốn nhận được sự hỗ trợ của GPE và Nhóm Đối tác giáo dục đối với những vấn đề liên quan đến nguồn vốn cũng như rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách, xây dựng đội ngũ giáo viên tiếng dân tộc thiểu số, phát triển chương trình học liệu, phát triển cơ sở vật chất,...
Quang cảnh buổi làm việc. |
Bên cạnh đó, tiếp tục phối hợp với Việt Nam trong hợp tác phát triển lĩnh vực giáo dục để góp phần thực hiện mục tiêu tổng quát đến năm 2030 của giáo dục Việt Nam là phát triển toàn diện con người Việt Nam, phát huy tối đa tiềm năng, khả năng sáng tạo của mỗi cá nhân, làm nền tảng cho mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đất nước phồn vinh và hạnh phúc.
Trân trọng cảm ơn Bộ GD&ĐT đã tiếp đón đoàn làm việc, bà Aya Kibesaki, Trưởng nhóm Quốc gia tại Việt Nam, Ban Thư ký GPE khẳng định, GPE luôn cố gắng hỗ trợ và sẵn sàng đầu tư vào Việt Nam, với mục tiêu không ngừng cải thiện chất lượng giáo dục. Bà Aya Kibesaki cho biết, mong muốn của GPE là không chỉ hỗ trợ Việt Nam về mặt tài chính mà còn cả về mặt kỹ thuật.
Bà Aya Kibesaki hi vọng hai bên phối hợp thật hiệu quả để tiếp tục thực hiện các mục tiêu vì cộng đồng, đặc biệt là nhóm trẻ em yếu thế và trẻ em vùng dân tộc thiểu số trong tương lai.
Tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi, thảo luận một số nội dung như: nâng cao chất lượng giáo dục mầm non vùng dân tộc thiểu số, tăng cường tiếng Việt cho trẻ em trên cơ sở tiếng mẹ đẻ của trẻ; chuyển đổi sách giáo khoa, tài liệu học tập sang sách chữ nổi; phát triển học liệu phục vụ dạy và học cho học sinh khuyết tật nghe nói, học sinh khiếm thị; hỗ trợ một số các cơ sở giáo dục đối với học sinh khuyết tật đang hoạt cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, học liệu, nâng cao năng lực cho đội ngũ giáo viên,...