Giáo dục hòa nhập: Mở cánh cửa cho trẻ bước vào đời

GD&TĐ - Đóng vai trò quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, giáo dục hòa nhập nhằm đảm bảo trẻ khuyết tật được học tập, sinh hoạt công bằng, bình đẳng.

Một tiết học tại Trường PTCS Xã Đàn. Ảnh: NVCC
Một tiết học tại Trường PTCS Xã Đàn. Ảnh: NVCC

Dù còn nhiều khó khăn, trường học, thầy cô vẫn dành trọn tình yêu thương, nhẫn nại cho học trò của mình.

Mỗi học sinh một giáo án

Là phụ huynh có con khiếm thính, chị Phạm Thanh Loan, Hà Nội, từng “nghĩ mọi cách” để con trai được đến trường học tập cùng bạn bè đồng trang lứa. Năm Việt – con trai chị - vào lớp 1, gia đình đăng ký cho cháu vào Trường PTCS Xã Đàn.

“Sau 5 năm, Việt đã tự tin, cười nhiều hơn trước. Đợt trước dịch, mỗi ngày cháu đều vui vẻ đến trường. Khi học trực tuyến, cháu tâm sự với tôi rằng nhớ thầy cô, bạn bè và trường lớp. Cháu chỉ mong nhanh được đến trường để học tập tốt hơn”, chị Loan chia sẻ.

Trường PTCS Xã Đàn có khoảng 60% học sinh là trẻ khiếm thính với hai mô hình lớp học hòa nhập, dành cho học sinh bình thường và học sinh khiếm thính, chuyên biệt. Trong lớp học chuyên biệt, thầy cô giao tiếp với học sinh bằng ngôn ngữ ký hiệu, khẩu hình.

Hiện nhà trường có 3 cấp học gồm mầm non, tiểu học và THCS. Tại lớp mầm non, trẻ khiếm thính học cùng trẻ bình thường giúp các em được can thiệp sớm và nhà trường hỗ trợ gia đình trong công tác giáo dục. Hàng năm, nhà trường tổ chức lớp nghề như kỹ thuật pha chế đồ uống, làm bánh… để đào tạo nghề cho học sinh phổ thông.

Thầy Phạm Văn Hoan – Hiệu trưởng Trường PTCS Xã Đàn, cho biết: Khi giảng bài, thầy cô đặt nhiều tâm huyết thiết kế giáo cụ trực quan, sử dụng nhiều đồ chơi nhằm tăng khả năng thị giác, xúc giác cho học sinh khiếm thính. Một số thiết bị hỗ trợ giảng dạy phổ thông chưa phù hợp với trẻ khiếm thính nên thầy cô có sáng tạo riêng để thu hút các em vào bài học.

“Giáo dục hòa nhập là một trong những ưu tiên hàng đầu tại Trường PTCS Xã Đàn. Nhà trường thường tổ chức các cuộc thi, trò chơi cho trẻ khiếm thính và trẻ bình thường cùng tham gia”, thầy Hoan cho hay.

Là giáo viên phụ trách lớp học chuyên biệt tại Trường Tiểu học Sơn Lạc, Tuyên Quang, cô Lưu Thuý Nở, chia sẻ: Lớp có 15 học sinh với nhiều dạng khuyết tật như tăng động, câm điếc, hội chứng Down… nên giáo viên phải có phương pháp giảng dạy riêng cho từng em. Khi các em hoàn thành công việc, dù to hay nhỏ, cô giáo đều khen ngợi, động viên tinh thần trẻ.

“Khi lên lớp, tôi không có giáo án cố định mà dạy theo tiến độ của từng em. Ví dụ, với học sinh ở thể tăng động, tôi hướng dẫn các em tập tô, vẽ và dành nhiều thời gian trò chuyện. Học sinh chậm phát triển trí tuệ sẽ bắt đầu từ tập tô đến nhận biết chữ cái, viết chữ rồi ghép tên. Dạy học sinh khuyết tật không dễ dàng nhưng vì thương trò, tôi cố gắng học hỏi phương pháp mới để giúp các em ngày một tiến bộ”, cô Nở bày tỏ.

Năm học 2021 - 2022, Trường Tiểu học Sơn Lạc có 17 học sinh khuyết tật, trong đó 2 học sinh học hòa nhập và 15 học sinh khuyết tật trong diện có hồ sơ giám định của cơ quan y tế học chuyên biệt.

Theo cô Đinh Hải Yến – Hiệu trưởng nhà trường, trong lớp học hòa nhập, giáo viên phải tìm hiểu kỹ dạng khuyết tật của học sinh để có phương pháp tiếp cận riêng. Giáo viên tận dụng thời gian cả lớp làm bài tập để giảng kỹ hơn cho học sinh khuyết tật. Thầy cô phải linh hoạt điều tiết tiến độ bài học và nhẫn nại, quan tâm học sinh đúng cách.

Xã hội cần thay đổi cách nhìn về trẻ em khuyết tật. Ảnh: TG
Xã hội cần thay đổi cách nhìn về trẻ em khuyết tật. Ảnh: TG

Cần thay đổi nhận thức

Hà Tĩnh có 639 cơ sở giáo dục phổ thông có tổ chức giáo dục hòa nhập, 3.367 giáo viên tham gia dạy trẻ khuyết tật theo phương thức hòa nhập trong các cơ sở giáo dục phổ thông.

Theo bà Nguyễn Thị Diệu Thuý - Phó Trưởng phòng Chính trị tư tưởng, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh, để nâng cao hiệu quả giáo dục hòa nhập cho trẻ khuyết tật, ngành Giáo dục tỉnh đã phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập trẻ khuyết tật Hồng Lĩnh mời giảng viên của Trung tâm Nghiên cứu Giáo dục đặc biệt (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) về giảng dạy chuyên sâu về giáo dục học sinh khuyết tật cho 39 giáo viên cấp tiểu học. Tại trường có học sinh khuyết tật học hòa nhập đều có phòng hỗ trợ.

“Cùng với Trung tâm dạy chữ, dạy nghề và phục hồi chức năng thuộc Hội Người mù Hà Tĩnh, chúng tôi mở các lớp xoá mù chữ và nâng cao kỹ năng đọc viết chữ Braille cho học sinh khuyết tật; tổ chức can thiệp sớm, hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập và tư vấn, phục hồi chức năng cho trẻ khuyết tật. Sở GD&ĐT, các nhà trường cũng tăng cường vận động, tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục học sinh khuyết tật cho phụ huynh”, bà Thuý cho hay.

Dưới góc độ chuyên gia, PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận, Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Tâm lý học và Giáo dục học (Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam) cho rằng, cần thay đổi nhận thức xã hội khi nhìn nhận hình ảnh điển hình về trẻ khuyết tật ở Việt Nam là những đứa trẻ trông không bình thường và đầy bất lực. Sự kỳ thị này là một trong rất nhiều cách khiến các em bị gạt ra lề xã hội.

“Cần thúc đẩy việc giám định và công nhận trẻ khuyết tật; thống kê dữ liệu chính xác và cập nhật về tình hình khuyết tật để đánh giá đầy đủ nhu cầu được giáo dục của trẻ khuyết tật. Từ đó quan tâm đến đào tạo đội ngũ giáo viên về giáo dục hòa nhập.

Tăng cường giáo dục kỹ năng sống, giáo dục năng lực giao tiếp đa văn hoá cho học sinh, nhằm tạo dựng môi trường tâm lý an toàn, thân thiện, không bạo lực, hướng đến mục tiêu mọi trẻ em được đi học và hòa nhập trong ngôi trường hạnh phúc”, PGS.TS Nguyễn Hồng Thuận đề xuất.

“Nhà trường thường tổ chức nhiều chuyên đề ngoại khoá dành cho tất cả học sinh nhằm giáo dục kỹ năng sống, tinh thần hòa đồng và khả năng đồng cảm. Ví dụ, qua buổi sinh hoạt chuyên đề “Phòng chống bạo lực học đường”, thầy cô lồng ghép bài học về cách ứng xử với trẻ khuyết tật. Ngày 20/11 hàng năm, nhà trường tổ chức chương trình “Tiếng hát dân ca”, khuyến khích học sinh khuyết tật và học sinh bình thường cùng tham gia văn nghệ” – cô Đinh Hải Yến nói thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.