Trách nhiệm của sinh viên ngành y
Những ngày qua, Giáp Thị Thùy Chi (lớp 17YB, bác sĩ đa khoa - Trường ĐH Y khoa Vinh) vô cùng lo lắng khi quê nhà Bắc Giang đang là tâm dịch. Vì vậy, khi nhà trường phát động phong trào tình nguyện tham gia tuyến đầu chống dịch Covid, nữ sinh ngay lập tức đăng ký.
"Là sinh viên trường y, em mong muốn được đóng góp một phần nhỏ bé của mình với những kiến thức y khoa đã được học, thực hành để cùng cả nước chống dịch. Dù được trở về chống dịch ở quê nhà hay đi bất cứ đâu em cũng sẵn sàng", Giáp Thị Thùy Chi bày tỏ.
Nữ sinh tâm sự thêm, khi em báo sẽ xung phong đi tuyến đầu hỗ trợ phòng, chống dịch, bố mẹ phản đối kịch liệt, vì lo ngại con gái gặp rủi ro, nguy hiểm. Nhưng Chi động viên bố mẹ được nhà trường tập huấn, được đào tạo thêm nhiều kỹ năng để bảo đảm an toàn phòng dịch.
Bản thân là bác sĩ tương lai, trước hết em sẽ bảo vệ sức khỏe bản thân, tự lo cho mình, không để ảnh hưởng tới mọi người, rồi mới có thể lo cho bệnh nhân, cộng đồng. Sau khi nghe em thuyết phục, gia đình đã đồng tình, ủng hộ.
Sinh viên Nguyễn Duy Hùng (quê Bắc Ninh) học chuyên ngành xét nghiệm cũng viết đơn “xin đóng góp sức mình cùng với cả nước đẩy lùi dịch Covid”. Nam sinh chia sẻ, dù được làm việc gì, vị trí nào, chịu vất vả đến đâu cũng sẵn lòng. Bởi đó là trách nhiệm của một người học ngành y.
Bác sĩ Nguyễn Anh Đức - Phó Bí thư đoàn, Trường Đại học (ĐH) Y khoa Vinh (Nghệ An) cho hay: Có hơn 1.000 sinh viên các khoa gửi đơn tình nguyện tham gia hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19.
"Nhà trường đang rà soát, trước hết là ưu tiên SV năm cuối chuyên ngành gần với nhiệm vụ phòng, chống dịch như: Xét nghiệm, y học dự phòng... Có nhiều em mới năm nhất, năm hai, năm ba cũng xung phong, đây là tinh thần đáng quý và nhà trường ghi nhận. Nhưng sinh viên năm cuối có kiến thức, chuyên môn vững hơn, đáp ứng nhiệm vụ tại khu cách ly, vùng phong tỏa hay khu điều trị bệnh nhân", bác sĩ Nguyễn Anh Đức cho biết.
Sẵn sàng xông pha dù ở Việt Nam hay Lào
Trong số hơn 1.000 lá đơn tình nguyện ra tuyến đầu chống dịch, Yênh Xua Lỳ là trường hợp đặc biệt. Xua Lỳ quê ở Xiêng Khoảng, nước bạn Lào, sang Việt Nam học ngành Y học dự phòng, và hiện là sinh viên YHDP5.
Mới hoàn thành năm học thứ 2, nhưng Xua Lỳ nói tiếng Việt thành thạo, tham gia tích cực nhiều hoạt động Đoàn, chương trình tình nguyện liên quan tới ngành y.
Xua Lỳ tâm sự: Ở bên Lào bây giờ dịch Covid-19 cũng đang phức tạp, nhưng người dân, đất nước Lào luôn nhận được sự hỗ trợ của Chính phủ, nhân dân Việt Nam và cả Nghệ An nữa. Em được đào tạo trường y khoa ở Việt Nam nên mong muốn đóng góp một phần nhỏ cùng mọi người chống dịch. Đây cũng là dịp để em được học hỏi, trải nghiệm thực tế chuyên môn y học dự phòng của mình. Dù là ở Lào hay ở Việt Nam em cũng sẵn sàng.
Cũng theo bác sĩ Nguyễn Anh Đức, để tạo điều kiện tốt nhất cho SV được lựa chọn tham gia hỗ trợ tuyến đầu chống dịch, Trường ĐH Y khoa Vinh sẽ điều chỉnh thời gian học, thực hành lịch thi để những em này hoàn thành chương trình học, ra trường đúng hạn.
"Cùng với hơn 1.000 sinh viên, nhiều giảng viên các khoa phòng, cán bộ nhân viên nhà trường cũng có đơn xung phong ra tuyến đầu chống dịch. Mọi công tác tập huấn, chuẩn bị đã hoàn tất để khi ráp nối với lực lượng chống dịch hiện có ở tuyến đầu sẽ hiệu quả, nhịp nhàng. Chỉ chờ lệnh của Bộ Y tế, chúng tôi sẽ lên đường”, bác sĩ Nguyễn Anh Đức nói.