Hội thảo “nóng” những vấn đề ứng xử trong trường học

GD&TĐ - Ngày 14/3, tại Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa đã chủ trì Hội thảo “Góp ý dự thảo  Đề án Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học”. Một loạt vấn đề thời sự liên quan đến văn hóa ứng xử trong trường học thời gian gần đây được các đại biểu lấy làm ví dụ khi nêu những ý kiến góp ý.

Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội thảo
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa chủ trì Hội thảo

Tham dự Hội thảo có đại diện các Bộ, Ban ngành Trung ương, tổ chức chính trị xã hội, lãnh đạo các Cục, vụ thuộc Bộ GD-ĐT; các chuyên gia, lãnh đạo các Sở GD&ĐT đại diện 3 miền Bắc, Trung, Nam; lãnh đạo các trường mầm non, THCS, THPT, ĐH.

Xây dựng thông điệp truyền cảm hứng

Cùng các đại biểu dự Hội thảo bày tỏ sự đồng tình cơ bản với bố cục, nội dung Dự thảo Đề án PGS Đặng Quốc Bảo – nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục - đã có những góp ý thêm về phần “hồn” của dự thảo Đề án.

Theo PGS Đặng Quốc Bảo, hiện Đề án cần xác định hệ giá trị cốt lõi trong ứng xử văn hóa. Cần xây dựng một thông điệp truyền cảm hứng, không rườm rà trong ứng xử văn hóa học đường. Như Bác Hồ nói: Con người cần có tự trọng. Hay như danh nhân Lê Quý Đôn nói có 3 việc mỗi người cần biết: Cần biết sợ, biết xấu hổ, cần chịu khó chịu khổ. Nhà trường thời gian vừa qua có phần nặng về giáo dục hướng ngoại, mà thiếu đi hướng nội. “Tôi mong khơi lại công trình tâm huyết của nguyên Phó Chủ tịch Nước Nguyễn Thị Bình liên quan đến văn hóa ứng xử học đường” – PGS Đặng Quốc Bảo chia sẻ.

Đồng tình với ý kiến trên, một số đại biểu nhấn mạnh: Trong nhiệm vụ giải pháp, xác định hệ giá trị cốt lõi hiện nay trong ứng xử cần được quan tâm đầu tiên.Thầy Phạm Văn Hồng – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Vĩnh Long đề xuất nên đưa nội dung giáo dục về hệ giá trị vào học đường, phù hợp với từng cấp học, từng lứa tuổi.

PGS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục - phát biểu tại Hội thảo
PGS Đặng Quốc Bảo - nguyên Hiệu trưởng Học viện Quản lý giáo dục - phát biểu tại Hội thảo

Xây dựng một Bộ quy tắc ứng xử với những “từ khóa” để dễ nhớ, thực hiện

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đưa ra mong muốn Bộ GDĐT xây dựng một bộ quy tắc ứng xử chung cho toàn ngành.

TS Nguyễn Tùng Lâm – Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng - nêu ý kiến: Về nhiệm vụ, giải pháp, vấn đề tổ chức xây dựng và thực hiện quy tắc ứng xử văn hóa, các nơi đều đang làm bộ quy tắc này, ngành Giáo dục cần tập trung nguồn lực, cách làm thiết thực để cho ra một bộ quy tắc chung thấu đáo, trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng chủ thể trong nhà trường tham gia. Đây là việc làm có tính chất cách mạng, có sự thay đổi. Tôi mong muốn Hội Khoa học Tâm lý giáo dục được tham gia việc xây dựng này.

Còn Thầy Mạnh Trọng Thìn - Trưởng phòng Công tác sinh viên Trường ĐH Phương Đông – phân tích: Phải xây dựng được bộ quy tắc ứng xử. Cần có khuôn mẫu cụ thể về ứng xử của người học, của nhà giáo, cán bộ quản lý, ứng xử với gia đình, cộng đồng xã hội... Cần nhấn mạnh sự phối hợp quan trọng nhất là với Đoàn Thanh niên. Bộ GD&ĐT muốn làm được cần kết hợp chặt chẽ với Đoàn Thanh niên Cộng sản HCM để triển khai Đề án.

Băn khoăn về việc xây dựng bộ quy tắc ứng xử, TS Nguyễn Viết Chức – Nguyên Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng Quốc hội - bày tỏ: Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học phải căn cứ vào giá trị cốt lõi, dựa vào bộ quy tắc ứng xử để triển khai, nếu không có sẽ dễ trở thành phong trào. Cần đầu tư tập trung thực sự để xây dựng bộ quy tắc ứng xử, trong đó phải giải quyết hài hòa việc không chỉ là Bộ GD-ĐT làm hoặc giao các trường làm. Đề án cần trả lời được các câu hỏi: Ai ứng xử? Ứng xử với ai? Ứng xử thế nào?... Nên có bộ phận chuyên trách xây dựng bộ quy tắc ứng xử này, từ đó mới có căn cứ triển khai Đề án. Đặc biệt, cần có sự giao nhiệm vụ phối hợp cụ thể, không nên nói chung chung sẽ khó triển khai.

PGS Nguyễn Toàn Thắng – Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh – cho rằng cần cụ thể hơn về sản phẩm của Đề án, người thực hiện. Phải có một bộ quy tắc ứng xử chung của ngành Giáo dục giống như ngành Y, ngành Công an. Bộ quy tắc này cần ngắn gọn, có những từ khóa.

PGS, TS Nghiêm Đình Vỳ - Nguyên Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương góp ý: giữa quan điểm chỉ đạo với mục tiêu cần rõ ràng hơn. Đặc biệt, Bộ nên xây dựng quy tắc ứng xử chung, như có chương trình giáo dục tổng thể, nhưng các trường có chương trình nhà trường. Cần nhấn mạnh vai trò, giải pháp trong các trường đào tạo sư phạm giáo viên. Nên bổ sung hệ thống các cơ sở đào tạo sư phạm vào việc triển khai Đề án này.

Thầy Nguyễn Tất Thắng – Trưởng Ban Công tác sinh viên (Đại học Thái Nguyên), cô Nguyễn Thị Hiền – Chủ tịch Hội đồng Quản trị trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm, TS Lâm Thị Kim Liên – Trưởng phòng Công tác SV (Trường ĐH Ngân hàng TP HCM), đại diện Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch, đại diện UB Mặt trận Tổ quốc Việt Nam… đều đồng tình việc Bộ GD-ĐT cần xây dựng một bộ quy tắc ứng xử trường học chung với nội dung ngắn gọn, sinh động, cụ thể, thiết thực, dễ đọc, dễ nhớ; mong muốn Đề án được triển khai sớm để các trường có hành lang pháp lý dể xây dựng bộ quy tắc của từng trường tùy theo tình hình thực tế, tính chất vùng miền.

Còn thầy Thái Văn Tài – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đắk Lắk - đề nghị hết sức cân nhắc khi xây dựng Bộ quy tắc ứng xử. Cần xem xét sự tương thích về văn hóa chung ngoài học đường và mối tương quan văn hóa gia đình xã hội…  với định hướng hội nhập, xem có vướng mắc với văn bản pháp quy với các bộ ngành, đoàn thể nào không; nhất là xử lý các vi phạm qui định bộ quy tắc ứng xử sẽ như thế nào, vì nó liên quan đến các qui định của pháp luật về kỷ luật viên chức, người học…

Cô Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - phát biểu tại Hội thảo
Cô Nguyễn Thị Hiền - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trường Tiểu học Đoàn Thị Điểm - phát biểu tại Hội thảo

Tổng kết, nêu gương, nhân rộng các điển hình, tấm gương người tốt - việc tốt

Tại Hội thảo, các đại biểu đều đưa góp ý việc xây dựng văn hóa ứng xử đã được Bộ GD-ĐT triển khai từ lâu dưới nhiều hình thức. Chính vì vậy cần có đánh giá tổng kết những việc Bộ đã làm, việc gì chưa làm được và chỉ ra rõ nguyên nhân.

Bên cạnh đó, muốn xây dựng Đề án tốt, cần xác định người thầy đóng vai trò dẫn lối. Thầy không chỉ dừng lại ở truyền thụ kiến thức mà còn xây dựng nét đẹp văn hóa người thầy để làm gương cho học sinh. Ban soạn thảo cần tổng kết những điển hình hay, những gia đình, những trường học giáo dục được lòng tự trọng hiệu quả cho học sinh trong thời gian qua, nhân rộng được những điển hình này một cách có thực chất, hiệu quả.

Đề án cần đưa ra lộ trình thực hiện cụ thể; phân công trách nhiệm triển khai không chỉ ngành Giáo dục mà còn là của chính quyền địa phương (UBND tỉnh, thành phố...).

Phát biểu tổng kết Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa đánh giá tất cả các góp ý của đại biểu rất sâu sắc, tâm huyết, đồng thời đề nghị Ban soạn thảo Đề án tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện nội dung Đề án tốt hơn, hướng tới mục tiêu xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, xây dựng văn hóa ứng xử trong nhà trường, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Dự thảo Đề án “Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học” đánh giá thực trạng văn hóa ứng xử trong trường học hiện nay của học sinh, sinh viên, cán bộ quản lý,  nhà giáo, nhân viên; thực trạng công tác xây dựng văn hóa ứng xử trong cơ sở giáo dục, chỉ ra các nguyên nhân khách quan, chủ quan, những hạn chế tồn tại. Từ đó đưa ra quan điểm chỉ đạo, mục tiêu xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.

Đề án đưa ra 5 nhóm  nhiệm vụ, giải pháp, gồm: Xây dựng môi trường văn hóa trong trường học; Đổi mới nội dung, hình thức, phương pháp giáo dục văn hóa ứng xử cho học sinh, sinh viên; Nâng cao năng lực ứng xử văn hóa và năng lực giáo dục văn hóa ứng xử cho người học của đội ngũ nhà giáo; Tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình và xã hội trong việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học; Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về việc xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học.

Kinh phí thực hiện đề án gồm 3 nguồn: Chi thường xuyên sự nghiệp giáo dục, đào tạo và dạy nghề hàng năm theo phân cấp ngân sách nhà nước; Nguồn thu của các cơ sở giáo dục, đào tạo và dạy nghề; Kinh phí huy động từ nguồn xã hội và các nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Về tổ chức thực hiện, Đề án đưa ra các chủ thể: Bộ GD&ĐT, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Công an, Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Tài chính, các bộ, ngành liên quan, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Cùng đó đề nghị với các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội, nghề nghiệp phối hợp thực hiện đề án.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ