Bài học làm người từ lời chào
Học sinh Trường THPT Việt Đức đã quen với hình ảnh mỗi sáng tới trường hoặc khi tan học đều được thầy hiệu trưởng chào hỏi. Sau những cái vẫy tay và lời chào của thầy hiệu trưởng, học sinh nhanh nhảu đáp lại bằng những lời chào đầy tình cảm.
Thầy Bình chia sẻ, việc làm nhỏ này như trở thành thói quen từ khi thầy làm Hiệu phó Trường THPT Trần Hưng Đạo, rồi khi làm Hiệu trưởng Trường THPT Nhân Chính và bây giờ cũng vậy.
“Trước đây, thỉnh thoảng lúc rảnh rỗi, tôi ra cổng để uốn nắn các em thực hiện đúng nội quy về trang phục, đầu tóc, đội mũ bảo hiểm, xe đạp điện trong sân trường. Qua những lần như thế, tôi và các em trở nên thân thiện hơn và thầy trò chào nhau, tình cảm sẽ gắn kết tốt hơn.
Trong quá trình giáo dục, có những em vi phạm nội quy nhà trường, tôi không trách mắng các em mà thường gặp gỡ, nhắc nhở các em. Các em cũng tự nhận ra lỗi của mình và tự nguyện sửa chữa.
Mỗi ngày đến trường, được nhìn thấy những khuôn mặt rạng rỡ, trẻ trung đầy sức sống, bước vào môi trường học tập, nhận được lời chào của các em tôi thấy hạnh phúc hơn.
Tôi tin rằng cả thầy và trò bước vào môi trường giáo dục nhiều niềm vui, thầy cô giáo thân thiện các em sẽ tin tưởng thầy cô, sẽ cố gắng hơn trong quá trình rèn luyện của nhà trường. Tình cảm ấy tạo ra sự gắn kết giữa thầy cô và học trò” - thầy Bình chia sẻ.
Thầy Bình cũng hy vọng hành động nhỏ này có thể tác động phần nào đến hoạt động giáo dục của thầy cô, nhà trường, tạo nên môi trường sư phạm thân thiện.
Việc thầy thi thoảng đứng ở cổng, mỉm cười chào hỏi học sinh đã tạo nên văn hóa ứng xử lễ phép trong tập thể học sinh Trường Việt Đức.
Cũng qua đó, các em học cách tôn trọng người lớn, tin tưởng giáo viên, không chỉ bản thân thầy Bình mà còn những thầy cô khác.
Truyền cảm hứng sống đẹp tới thế hệ trẻ
Thầy Bình cũng tâm sự rằng, xã hội đang phát triển, GD hướng tới phát triển phẩm chất và năng lực người học thì phương pháp dạy học, giáo dục cũng cần thay đổi, làm sao HS không chỉ tiếp thu một cách thụ động mà tiếp thu một cách chủ động, tích cực hơn.
Ngoài kiến thức trong nhà trường thì còn có những kiến thức trong xã hội, người thầy không chỉ đóng vai là người truyền kiến thức mà là người truyền cảm hứng, biết dẫn dắt cách nghĩ, cách học hướng tới điều tốt đẹp cho học sinh.
Hiện nay, hình ảnh người thầy đôi khi cũng bị xã hội nhìn nhận lệch lạc đi, ở một khía cạnh nào đó, người thầy giáo không phải như xưa “khuôn vàng thước ngọc”, nhưng nhất thiết phải là tấm gương tốt, truyền cảm hứng sống đẹp tới cộng đồng, đặc biệt là thế hệ tương lai.
Thầy Bình tâm sự: “Tôi đến với nghề bằng mong ước của mình. Trước đây, tôi học cũng được nhưng đôi khi mải chơi. Thế nhưng thầy cô, bố mẹ không hiểu mình, cứ quan trọng hóa việc mắc lỗi. Lúc đó tôi thầm nghĩ, hay là mình vào nghề giáo để có thể chia sẻ với học sinh nhiều hơn.
Những cô cậu học trò tuổi mới lớn thường có những bức xúc khó giải tỏa. Nếu cha mẹ, giáo viên không là nơi tin tưởng, giãi bày, các em sẽ tìm đến nơi khác, nhiều khi gây hậu quả xấu.
Trong thời gian làm nghề tôi cũng có nhiều khi thất bại, đôi khi xử lý tình huống sư phạm lý trí quá nên không thành công. Tôi nhận thấy rằng, khi sử dụng biên pháp khuôn mẫu cứng nhắc dường như không đạt hiệu quả. Khi sử dụng biện pháp tình cảm, các em chia sẻ, cũng tiến bộ hơn”.