Người dân từng bước thoát nghèo nhờ chính sách tín dụng ưu đãi

GD&TĐ -Những năm qua, nhờ chính sách tín dụng ưu đãi nhiều gia đình khó khăn, người DTTS ở Tu Mơ Rông được vay vốn phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Măng Ri đã có bước chuyển mình nhờ nguồn vốn vay chính sách tín dụng ưu đãi.
Măng Ri đã có bước chuyển mình nhờ nguồn vốn vay chính sách tín dụng ưu đãi.

Chính sách tín dụng ưu đãi

Tu Mơ Rông là một trong những huyện vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum. Không những vậy, Tu Mơ Rông với địa hình nhiều đồi núi và khí hậu khắc nghiệt nên điều kiện kinh tế của người dân vô cùng khó khăn. Đặc biệt, Tu Mơ Rông có tỷ lệ hộ nghèo cao và đông người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, chiếm 95%.

Do đó, các cấp và các ngành huyện Tu Mơ Rông đã khẩn trương thực hiện Nghị định số 78/2002/NĐ-CP của Chính phủ triển khai thực hiện hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.

Theo đó, huyện đã chỉ đạo Phòng Lao động – Thương binh và Xã hội, các xã, Ngân hàng chính sách xã hội huyện… nhận ủy thác phối hợp, xây dựng mạng lưới hoạt động rộng khắp từ huyện đến tận các thôn, làng. Kết quả thực hiện đến 30/6/2022, tổng dư nợ uỷ thác đạt 279 tỷ đồng, chiếm 99,9%/tổng dư nợ của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Qua đó có 137 tổ Tiết kiệm, vay vốn và 5.255 hộ còn dư nợ, nợ quá hạn 359 triệu đồng, chiếm tỷ lệ 0,12%/dư nợ ủy thác, giảm hơn 1,1 tỷ đồng so với năm 2009.

Đặc biệt, nguồn vốn cho vay tín dụng ưu đãi ngày càng đáp ứng tốt nhu cầu của người nghèo và các đối tượng chính sách khác trên địa bàn. Hiện nay, trên địa bàn huyện đã và đang thực hiện 15 Chương trình tín dụng chính sách tăng 7 chương trình so với năm 2009. Nhờ nguồn vốn vay từ chương trình tín dụng chính sách đã giúp nhiều hộ gia đình khó khăn, người dân tộc thiểu số có thêm cơ hội để tạo việc làm, ngành nghề mới. Từ đó, từng bước thoát khó khăn, tăng thu nhập, cải thiện đời sống. Bên cạnh đó, lồng ghép với công tác khuyến nông, lâm nghiệp, chuyển đổi cây trồng vật nuôi để tăng năng suất, tăng thu nhập cho người nghèo… góp phần ngăn chặn và đẩy lùi tín dụng đen.

Trong số những hoạt động lớn thì chương trình tín dụng hộ nghèo đã có 14.100 lượt hộ dân khó khăn được vay vốn, với tổng doanh số cho vay đạt 312 tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng doanh số thu nợ đạt 211 tỷ đồng tạo nguồn vốn cho vay quay vòng, nâng cao hiệu quả đồng vốn tín dụng chính sách. Đây là chương trình có dư nợ lớn nhất trong các chương trình tín dụng chính sách xã hội đang thực hiện, với 2.424 khách hàng còn dư nợ, nguồn vốn cho vay ưu đãi hộ nghèo đã đáp ứng cơ bản nhu cầu vay vốn của hộ nghèo.

Đổi thay

Sâm Ngọc linh được người dân trồng tại huyện Tu Mơ Rông.
Sâm Ngọc linh được người dân trồng tại huyện Tu Mơ Rông.

Nhờ tiếp cận nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội nhiều hộ gia đình khó khăn đã vươn lên thoát nghèo, phát triển kinh tế.

Ông A Linh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tu Mơ Rông cho hay, hiện tại đơn vị đang nhận ủy thác cho 2.289 hộ/58 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ là 112 tỷ đồng.

Theo ông A Linh, nhờ có tín dụng chính sách xã hội đến với hội viên, nông dân đã giúp cho đồng bào người dân tộc thiểu số hạn chế suy nghĩ trông chờ ỷ lại sự đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước. Qua đó, bà con dần hình thành thói quen tự giác và tích cực tham gia vào các phong trào thi đua sản xuất.

Ông A Linh cho hay, hiện nay trên địa bàn huyện đã có một số hội viên vay vốn để đầu tư các mô hình như: liên kết trồng sâm Ngọc Linh, chăn nuôi bò sinh sản... khá hiệu quả. Đây sẽ là những mô hình điểm để bà con khác học tập, noi theo nhằm giúp cuộc sống của người dân ngày càng ổn định, phát triển.

Những năm trước, gia đình ông A Tưk (thôn Tu Thó, xã Tê Xăng) là một trong những hộ khó khăn tại địa phương.

Ông A Tưk kể: trước kia, gia đình ông chỉ quanh quẩn làm nương rẫy từ sáng đến tối với hy vọng đủ lo cho mấy miệng ăn. Quần quật hết ngày này qua tháng nọ cũng chẳng dư giả được đồng nào nên rất khó khăn, túng thiếu. Biết được hoàn cảnh gia đình, Hội Nông dân xã và Ngân hàng Chính sách xã hội huyện đã quan tâm và giải quyết cho nhà ông vay vốn để đầu tư trồng sâm dây, cà phê…. Nhờ đó mà cuộc sống gia đình đã từng bước ổn định và thoát khỏi hộ nghèo.

Theo thống kê, việc triển khai chính sách tín dụng ưu đãi đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác đã mang lại hiệu quả rõ nét cả về kinh tế và xã hội. Cụ thể, từ vốn vay tín dụng chính sách đã tạo điều kiện cho trên 24.000 người nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận nguồn vốn vay. Qua đó, tạo việc làm cho 1.170 lao động và 72 học sinh sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn học tập. Bên cạnh đó xây dựng, sửa chữa nâng cấp 3.196 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn. Ngoài ra, 1.678 căn nhà được xây dựng cho hộ nghèo và các gia đình chính sách. Đồng thời 171 lao động thuộc gia đình chính sách được vay vốn đi xuất khẩu lao động có thời hạn ở nước ngoài.

Còn về xã hội, góp phần giúp cho trên 4.000 hộ dân thoát nghèo, giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 46,84% xuống 24,39% (giai đoạn 2010-2015). Giai đoạn từ giai đoạn 2016-2020 giảm từ 72,72% xuống 32,69%. Riêng cuối năm 2021 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn huyện còn 23,38%.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Bình dân học vụ số

GD&TĐ - Sáng 18/11, tại Hà Nội, Tổng Bí thư Tô Lâm có cuộc gặp mặt đại diện nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam.