Hội, nhóm 'đen' tràn lan mạng xã hội: Người trẻ cần làm gì để bảo vệ mình?

GD&TĐ - Sự phát triển mạnh mẽ của mạng xã hội đang kéo theo nhiều mặt trái, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống xã hội.

Bị can Mỹ và Tuyền (phải) tại trụ sở công an. Ảnh: Công an cung cấp
Bị can Mỹ và Tuyền (phải) tại trụ sở công an. Ảnh: Công an cung cấp

Trong đó đáng chú ý là những hội, nhóm mang tính chất tiêu cực, lan truyền những nội dung phản cảm, kích động các hành vi vi phạm pháp luật, thậm chí là gây nguy hiểm đến tính mạng người khác.

Làm quen trên mạng, rủ nhau đi cướp ngân hàng

Do cùng rơi vào tình trạng nợ nần, không có khả năng chi trả nên Nguyễn Ngọc Mỹ (30 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương), Lâm Phúc Lợi (23 tuổi, ngụ tỉnh Vĩnh Long) và Nguyễn Thị Bích Tuyền (22 tuổi, ngụ tỉnh Bến Tre) đã tham gia các hội nhóm trên nền tảng mạng xã hội Facebook sau đó kết bạn, nhắn tin trao đổi với nhau và rủ nhau đi cướp ngân hàng trên địa bàn huyện Hóc Môn (TPHCM).

Điều đáng nói, nhóm này đã quen biết nhau ở hội “Những người vỡ nợ muốn làm liều” trên Facebook nên không biết rõ tên tuổi, không biết địa chỉ nhà của nhau, thậm chí dùng tên giả với nhau.

Theo Trung tá Nguyễn Thành Hưng, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự Công an TPHCM, qua các tài liệu, chứng cứ và các nội dung nhóm đối tượng trao đổi trên mạng xã hội cho thấy trước khi bị bắt, đối tượng bàn bạc với nhau sau khi cướp ngân hàng thành công sẽ bỏ trốn ra nước ngoài.

Đợi khi tình hình yên ắng trở lại, sẽ quay về nước và tụ họp lại để tiếp tục đi cướp tiệm vàng, ngân hàng, biệt thự ở TPHCM và các tỉnh, thành. Thậm chí, qua tin nhắn của nhóm này cho thấy sự manh động. Nhóm đối tượng dự định sẽ trói, dán băng keo nạn nhân để cướp tài sản...

Hiện nay, có rất nhiều nhóm, hội trên các trang mạng xã hội. Đây là một xu hướng tất yếu, bởi việc tạo ra các nhóm này có những ưu điểm và mặt tích cực. Có rất nhiều nhóm mọi người có thể chia sẻ hỗ trợ, giúp đỡ lẫn nhau.

Tuy nhiên vẫn có các hội, nhóm tiêu cực với những cái tên khiến dư luận không khỏi “giật mình” như: “Hội những người thích đâm thuê chém mướn”, “Hội những người vỡ nợ muốn làm liều”, “Hội những người muốn tự tử”, “Hội những người đi tù”… Lợi dụng những hội nhóm này, nhiều đối tượng xấu đăng tải bài viết, bình luận kích động bạo lực, tệ nạn xã hội hoặc quảng cáo, tuyên truyền, mua bán hàng hóa, dịch vụ bị cấm…

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, Phó Trưởng phòng Tham mưu Công an TPHCM, hiện nay tình trạng tội phạm sử dụng công nghệ cao trên thế giới và Việt Nam diễn biến phức tạp, các đối tượng lợi dụng không gian mạng để liên lạc, trao đổi, bàn bạc và thực hiện hành vi phạm tội.

Trong đó đáng chú ý là các hội, nhóm kín trên mạng (Zalo, Telegram, Facebook…) có mục đích tìm cách vay nợ, bùng nợ… hay bàn bạc thực hiện hành vi liên quan đến tội phạm “tín dụng đen”, cướp tài sản, tội phạm cờ bạc, ma túy hay các hình thức tệ nạn xã hội khác. Một số đối tượng có hành vi phát tán các bài viết để hướng dẫn thực hiện hành vi phạm tội.

“Đây là hành vi hết sức nguy hiểm vì không gian mạng là môi trường dễ dàng tập hợp nhiều đối tượng đang rơi vào khó khăn, túng quẫn, nhưng lười lao động và có xu hướng hình thành tư tưởng phạm tội thành những băng nhóm tội phạm.

Hiện nay, các tập đoàn, công ty cung ứng dịch vụ xuyên biên giới còn buông lỏng kiểm duyệt, quản lý nội dung, tài khoản mạng xã hội, nên các đối tượng dễ dàng thành lập các hội nhóm có tính chất vi phạm pháp luật”, Thượng tá Lê Mạnh Hà nhấn mạnh.

Ảnh chụp màn hình một số hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook.

Ảnh chụp màn hình một số hội, nhóm trên mạng xã hội Facebook.

Nhiều giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn

Theo Tiến sĩ Tâm lý Bùi Hồng Quân, giảng viên Khoa Tâm lý học, Trường Đại học Sư phạm TPHCM, trong quá trình sử dụng mạng xã hội, mọi người phải rất cân nhắc khi tham gia một hội nhóm trên đó. Đặc biệt, với những bạn trẻ đang trong độ tuổi học tập và phát triển bản thân, việc tham gia các hội, nhóm phải có sự sàng lọc.

“Các em phải xác định rằng đây có phải là hội, nhóm phục vụ cho mục tiêu bản thân hay không để tránh gia nhập vào những nơi không phù hợp. Bởi đôi khi có những nhóm lập ra mà mục đích xấu, lan truyền những điều không tích cực. Lúc này các em phải xem xét có nên gia nhập hay không?

Nếu không cẩn trọng sẽ xảy ra trường hợp các em chia sẻ những thông tin, nội dung tiếp cận được nhưng lại không có kiểm chứng, rồi vô tình tiếp tay phát tán những thông tin sai sự thật, việc làm này đã vi phạm những quy định của pháp luật”, Tiến sĩ Tâm lý Bùi Hồng Quân cho hay.

Theo Thượng tá Lê Mạnh Hà, để ngăn chặn tội phạm phát sinh từ các hội, nhóm kín trên mạng xã hội, Công an TPHCM đã thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp.

Cụ thể, đơn vị phối hợp với Sở TT&TT kiến nghị Bộ TT&TT yêu cầu các công ty cung ứng dịch vụ mạng xã hội nâng cao trách nhiệm quản lý nội dung, kịp thời gỡ bỏ các hội, nhóm, tài khoản, trang mạng xã hội có nội dung vi phạm pháp luật Việt Nam.

Đồng thời, lực lượng công an triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ để tổ chức đấu tranh với các loại tội phạm, đặc biệt là các loại tội phạm gây phát sinh những hệ lụy xấu trong xã hội như: Ma túy, tín dụng đen, cờ bạc… nhằm góp phần kéo giảm tội phạm.

Công an TPHCM cũng tăng cường công tác đấu tranh, xử lý nghiêm đối với các hành vi hướng dẫn người khác phạm tội trên mạng; hành vi lợi dụng không gian mạng lôi kéo, tập hợp băng nhóm tội phạm; tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, phòng chống tội phạm, trong đó chú trọng nội dung cảnh báo, khuyến cáo hành vi tạo lập hoặc tham gia các hội nhóm có tính chất, xu hướng tội phạm.

“Trong bối cảnh hiện nay, việc chọn lọc cũng như quyết định tham gia, chia sẻ thông tin từ các hội, nhóm không chính thống là một điều rất quan trọng, mọi người cần phải lưu tâm, đặc biệt là giới trẻ. Bởi đôi khi bạn trẻ chỉ nghĩ đơn giản tham gia cho vui, nhưng nếu việc tiếp cận thông tin trái chiều hay theo định hướng nào đó, lâu dần cũng sẽ bị ảnh hưởng đến nhận thức cũng như tư duy. Vì vậy, các bạn trẻ phải nhanh nhạy và sử dụng mạng xã hội thông minh, trong đó phải lựa chọn tham gia một cách cẩn trọng, đúng mực các hội, nhóm trên mạng xã hội”, Tiến sĩ Tâm lý Bùi Hồng Quân nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Truyện ngắn: Hậu phương yêu thương

GD&TĐ - Mấy hôm nay gió bấc đã tràn về đảo nhỏ. Lão gió gào thét lùng sục khắp các ngõ ngách, thấy cái gì cũng lật tung lên như thể để tìm kiếm thứ gì đó.