Bẫy giăng trùng trùng
Sau khi nhập học Trường ĐH Văn Lang, N.N.A., tân sinh viên Khoa Môi trường tham gia một diễn đàn trên Facebook dành cho sinh viên khóa 2023 ở TPHCM.
Sau khi đăng tải một status hỏi về kinh nghiệm học tập và sinh hoạt ở TPHCM, A. được một người xưng là sinh viên khóa trước inbox (nhắn tin) với nội dung: “Có gì liên hệ anh để anh tư vấn thêm em nhé”, hoặc “có gì em nhắn số điện thoại, anh chủ động liên hệ”. Sau đó, người này gọi mời A. tham gia các nhóm trên nền tảng Zoom để được trao đổi với cộng đồng sinh viên khóa trên, kiếm job (việc làm).
Tương tự như N.N.A., nhiều sinh viên của Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TPHCM cũng được mời vào các nhóm trên Facebook, Messenger, Zalo nhằm làm quen bạn bè và trao đổi thảo luận về năm học sắp tới.
Những nhóm này thường lấy tên là “Cộng đồng tân sinh viên khóa 2023” nhằm thu hút tân sinh viên. Một số nhóm trong số này đã lấy thông tin của sinh viên, phục vụ các mục đích không tốt.
Theo tiếp nhận của bộ phận tuyển sinh Trường ĐH Kinh tế - Luật, những admin (người quản lý) nhóm này thường lên tin tuyển dụng, nhưng giới thiệu về công việc không rõ ràng (tên công ty, chế độ làm việc, lương bổng) kèm theo lời nhắn: “inbox để biết thêm chi tiết”.
Sau đó, họ sẽ hẹn sinh viên, dụ dỗ các em đóng tiền đồng phục, làm thẻ nhân viên. Họ sẽ tạo các trang, nhóm trao đổi kín cho tân sinh viên, yêu cầu các bạn gửi số điện thoại, sau đó tung tin về kỳ thi đầu vào, bán các khóa học. Có trường hợp, sau khi sinh viên làm quen dần sẽ bị lôi kéo vào đường dây đa cấp.
ThS Cù Xuân Tiến - Trưởng phòng Tuyển sinh và công tác sinh viên (Trường ĐH Kinh tế - Luật) - khẳng định, nhiều nhóm trong số này thực chất đã được lập từ lâu nhưng được đổi tên thành “tân sinh viên khóa 2023”. Nhà trường và các khoa không có các nhóm trao đổi nào trên Messenger, Zalo cho tân sinh viên.
Trước đó, Trường ĐH Bách khoa (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Công Thương TPHCM… cũng cảnh báo sinh viên về việc tham gia các hội nhóm tân sinh viên tự phát. Theo đó, trên Facebook, Zalo xuất hiện một số hội nhóm không chính thống dành cho các tân sinh viên khóa 2023, hoạt động với mục đích không tốt.
Bên cạnh việc lợi dụng để khai thác thông tin cá nhân, dụ dỗ vào các đường dây đa cấp, kẻ xấu cũng đăng thông tin tuyển dụng mang tính lừa đảo trên mạng xã hội. Những thông tin tuyển dụng này đánh vào tâm lý tìm kiếm “việc nhẹ, lương cao” của sinh viên hiện nay, đặc biệt là các tân sinh viên vốn “lạ nước lạ cái” với cuộc sống ở các đô thị lớn.
Nguyễn Nhật Xuân, tân sinh viên một trường đại học ở quận Gò Vấp, TPHCM, cho biết, tuần trước vừa nhận được một cuộc gọi giới thiệu “việc làm tại nhà với thời gian linh động, lương cao”.
Theo đó, người giới thiệu yêu cầu Nhật Xuân mua sản phẩm về nhà, đồng thời gửi tiền cọc để nhận sản phẩm. “Em nghe giới thiệu cũng thích vì lương cao mà không tốn nhiều thời gian. Sau đó, em kể chuyện với chị gái thì mới biết là mình bị lừa. Cũng may là em chưa chuyển tiền cọc nên không thiệt hại gì”, Nhật Xuân kể.
Trường ĐH Bách khoa, ĐH Quốc gia TPHCM ra cảnh báo với tân sinh viên về các hội, nhóm trôi nổi trên mạng xã hội. Ảnh: Fanpage Trường ĐH Bách khoa |
Tân sinh viên cần cảnh giác cao độ
ThS Cù Xuân Tiến khuyến cáo tân sinh viên hết sức cẩn trọng khi tham gia các hội nhóm tự phát trên MXH. “Các em tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân như căn cước công dân, email, tài khoản đăng nhập sinh viên, giấy báo nhập học kèm thông tin và tài khoản đăng nhập sinh viên, địa chỉ nhà cho các nhóm trên các MXH”, ông Cù Xuân Tiến cho biết.
Tương tự, ThS Phạm Thái Sơn, Giám đốc Trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường ĐH Công Thương TPHCM, khuyên tân sinh viên phải cảnh giác trước những thông tin mạo danh nhà trường để tham gia vào các hội nhóm, việc làm, học thêm.
Theo ông Phạm Thái Sơn, các trường hiện nay đều có trang thông tin chính thống, mọi thông báo đều công khai, rõ ràng. Do đó, sinh viên cần tìm hiểu các thông tin từ nguồn tin chính thức, kiểm chứng qua hệ thống đường dây nóng, email nhà trường.
Về các chiêu thức lừa đảo đánh vào tâm lý ham muốn “việc nhẹ, lương cao”, vừa qua, Công an TPHCM phát thông tin cảnh báo hồi đầu tháng 9/2023. Theo đó, các đối tượng lừa đảo trên MXH thường xây dựng nhiều “kịch bản”, dẫn dụ những người có nhu cầu tìm việc với các mong muốn: Linh động thời gian kiếm thêm thu nhập; đánh vào lòng tham khi thấy có lợi ích, được tặng quà, trao thưởng; đầu tư lãi suất quá cao…
Dù các thủ đoạn về bản chất không mới, những nhóm lừa đảo chỉ “thay đổi câu chuyện” nhưng nhiều người vẫn bị dẫn dụ và thực hiện theo yêu cầu của họ. Cuối cùng, mục đích của kẻ lừa đảo là chiếm đoạt tài sản của nạn nhân.
Theo Công an TPHCM, tất cả các cách kiếm tiền dễ dàng trên mạng đều là lừa đảo. Do đó, người dân không nên chuyển tiền, không thực hiện bất cứ giao dịch nào liên quan đến chuyển tiền, góp tiền, thực hiện nhiệm vụ… cho bất kỳ ai khi chưa rõ đó là ai (chưa gặp mặt, chưa rõ lý lịch, không rõ địa chỉ).
Ngoài ra, nhiều phương thức, thủ đoạn lừa đảo gần đây trên MXH cũng được Công an TPHCM liệt kê kèm theo những cảnh báo. Trong số này, không ít các thủ đoạn được kẻ xấu sử dụng lừa sinh viên trong những năm trước đây như: Lừa đảo nâng cấp sim, thực hiện hướng dẫn sẽ bị khóa sim và mất tài khoản đăng ký ngân hàng theo sim; hack Facebook, Zalo gửi mượn tiền bạn bè để lừa đảo, chiếm đoạt tiền; tuyển dụng, hướng dẫn đặt các đơn hàng ảo để nhận hoa hồng; yêu cầu góp tiền để thực hiện đơn hàng lấy hoa hồng, sau đó chiếm đoạt…
Công an TPHCM khuyến cáo
“Người dân nên sử dụng giao dịch trực tiếp qua hợp đồng trước khi sử dụng ứng dụng qua mạng; khóa tính năng thanh toán trực tuyến, khóa thẻ tín dụng trên ứng dụng Internet Banking khi nghi ngờ lộ thông tin thẻ; chỉ đăng nhập vào dịch vụ ngân hàng điện tử thông qua trang web chính thức của ngân hàng; không công khai các thông tin cá nhân trên MXH để tránh bị lợi dụng, khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo; cảnh giác với các cuộc gọi, tin nhắn, email yêu cầu cung cấp thông tin”.