Đây là hội nghị quan trọng diễn ra trong bối cảnh cả nước tập trung quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8 khóa XI về “Đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế” (Nghị quyết số 29-NQ/TW); Nghị quyết số 44/NQ-CP ngày 9/6/2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 29- NQ/TW; thực hiện Kết luận số 51-KL/TW ngày 30/5/2019 của Ban Bí thư về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW; Quyết định số 628/QĐ-TTg ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Kết luận số 51-KL/TW…
Theo đánh giá của Bộ GD&ĐT, quán triệt Nghị quyết số 29-NQ/TW, đầu tư ngân sách Nhà nước và huy động các nguồn lực xã hội cho sự nghiệp GD&ĐT được cải thiện; cơ sở vật chất, thiết bị dạy học từng bước được đầu tư hoàn chỉnh. Chất lượng GD&ĐT được nâng cao phục vụ cho nhu cầu phát triển kinh tế, xã hội của khu vực.
Giáo dục và đào tạo vùng ĐBSCL tiếp tục ổn định và phát triển về quy mô mạng lưới trường, lớp, số học sinh/sinh viên từ mầm non đến đại học, được rà soát, sắp xếp theo hướng phù hợp với nhu cầu xã hội về ngành nghề và đa dạng về loại hình. Các ngành học, bậc học được giữ vững và phát triển về quy mô, số lượng và chất lượng.
Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được đảm bảo, quan tâm bên cạnh việc đầu tư cho giáo dục chất lượng cao. Chất lượng giáo dục đại trà được duy trì và nâng cao sau từng năm. Điều kiện bảo đảm chất lượng giáo dục tiệm cận với mức trung bình chung của cả nước.
Dù còn nhiều khó khăn, vùng ĐBSCL vẫn có một số chỉ số về GD&ĐT đạt mức trung bình và trên trung bình so với cả nước. Số lượng các cơ sở giáo dục được kiểm định ngày càng tăng. Từ việc chỉ có Trường ĐH Cần Thơ vào những năm đầu thế kỷ 21, hiện nay 10/13 tỉnh, thành phố đã có trường đại học. Tại các tỉnh còn lại đều có phân hiệu của các trường đại học hoặc có chủ trương đầu tư.
Tuy nhiên, tình hình GD&ĐT tại vùng ĐBSCL còn những tồn tại, hạn chế nhất định với lí do khách quan về vị trí địa lý của vùng do đặc trưng về địa bàn sông nước kênh rạch, việc đầu tư cơ sở vật chất và nhân lực còn khó khăn.
Xây dựng cơ sở vật chất chủ yếu nhằm giải quyết nhu cầu phòng học, nhiều trường còn thiếu phòng học bộ môn, phòng chức năng, phòng làm việc. Tình trạng thiếu giáo viên còn xảy ra cục bộ ở một số địa phương. Chất lượng phổ cập giáo dục, xóa mù chữ cũng như chất lượng giáo dục đại trà, giáo dục mũi nhọn còn thấp so với mặt bằng chung của cả nước
ĐBSCL là khu vực có tỷ lệ lao động đã qua đào tạo (14,9%) và tỷ trọng lực lượng lao động có trình độ đại học trở lên (6,8%) thấp nhất cả nước theo báo cáo kinh tế thường niên năm 2022. Mặc dù quy mô đào tạo tăng trong 10 năm qua, song mới chỉ đáp ứng một phần nhu cầu được tiếp cận giáo dục đại học của người dân.
Theo Tổng điều tra dân số năm 2019, tỷ lệ lao động qua đào tạo có trình độ từ sơ cấp trở lên của khu vực ĐBSCL là 13,6%, thấp hơn 10% so với toàn quốc và thấp nhất so với các khu vực khác (tỷ lệ chung toàn quốc là 23,1%; khu vực trung du và miền núi phía Bắc là 19%; Tây Nguyên 16,3%; bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung là 22,7%)…
Vấn đề đặt ra là nâng trũng, vun cao cho giáo dục ĐBSCL. Nhưng làm cách nào cần được phân tích kỹ, thấu đáo, đâu là nút thắt do khách quan, đâu là do chủ quan. Nếu không quyết tâm hóa giải những hạn chế của giáo dục thì khoảng cách giữa điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và cung cấp nguồn nhân lực sẽ ngày càng xa.
Hội nghị có sự tham dự, chủ trì của lãnh đạo Bộ GD&ĐT, các Bộ, Ban, ngành Trung ương cùng lãnh đạo 13 tỉnh, thành; lãnh đạo các trường ĐH, CĐ; lãnh đạo Sở GD&ĐT vùng ĐBSCL. Đây là “Hội nghị Diên Hồng" bàn quyết sách GD&ĐT cho vùng ĐBSCL với tầm nhìn, quyết sách phát triển GD&ĐT vùng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.