Tham dự Hội nghị ngoài những nhà khoa học, cán bộ đầu ngành thuộc Hội Địa Lý Việt Nam, các Viện, trường ĐH trên cả nước, hơn 250 đại biểu là cán bộ, thầy cô giáo trưởng nộ môn Địa Lý cũng đã về tham dự. PGS.TS Tạ Đức Thịnh - Vụ trưởng vụ Khoa học Công nghệ và Môi trường, Bộ GD&ĐT cũng đã tham dự.
Tại Hội nghị, GS.TS Nguyễn Cao Huần - Chủ tịch Hội Địa Lý Việt Nam đã có báo cáo tổng thuật nhằm đánh giá và tổng kết các thành tựu đã đạt được của ngành trong nhiệm kỳ 2015 - 2020, cũng như những định hướng cần phải thực hiện trong thời gian tới, nhằm mang đến sự đổi mới mạnh mẽ trong tiến trình hội nhập.
Với chủ đề chính “Khoa học Địa Lý Việt Nam trong chiến lược đổi mới, hội nhập và phát triển” các đại biểu tại hội nghị đã cùng nhau bàn đến 4 lĩnh vực chính thuộc 4 tiểu ban như:
1. Giáo dục địa lý, nghiên cứu ứng dụng công nghệ trong nghiên cứu và giảng dạy địa lý Phân tích các phương pháp tiếp cận và công nghệ giảng dạy hiện đại vào ngành địa lý).
2. Địa lý tự nhiên, Tài nguyên và Môi trường (Phân tích và đánh giá về các đặc điểm địa lý tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên của các vùng lãnh thổ, sự thay đổi chất lượng môi trường dưới tác động của quá trình phát triển).
3. Địa lý biển và hải đảo (Tập trung nghiên cứu và phân tích đặc điểm địa lý các vùng biển và đảo của đất nước. Chất lượng môi trường, tai biến thiên nhiên, các ngành kinh tế, các điểm du lịch trên các đảo).
4. Địa lý về kinh tế - xã hội, địa lý quân sự (Các nghiên cứu hướng đến sự phân tích sự phát triển và phân bổ của các ngành kinh tế, sự gia tăng và cơ cấu dân số, số lượng và chất lượng nguồn lao động, tri thức bản địa…).
Đặc biệt, trong 4 chủ đề chính được các đại biểu hướng đến bàn và thảo luận thì vai trò của địa lý kinh tế, xã hội và nhân văn, của địa lý quân sự đã được các nhà khoa học phân tích và đánh giá rõ nét nhất, khẳng định một cách chân thực chủ quyền của Việt Nam ở các vùng biển và hải đảo trong bối cảnh những tranh chấp, xung đột đang diễn ra ngày càng phức tạp trên Biển Đông.
Ví dụ như báo cáo của PGS.TSKH Nguuyễn Văn Cư (Viện Địa Lý - Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) về “Khoa học công nghệ phục vụ phát triển kinh tế biển, bảo đảm an ninh, an toàn, giữ vững chủ quyền biển đảo của đất nước”.
Hay báo cáo “Tài nguyên và vị thế của các đảo ven bớ Bắc Bộ” của nhóm tác giả đến từ Viện Địa Lý, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ cho thấy những giá trị, góc nhìn mới về tầm vóc quan trọng của bờ biển, hải đảo và các quần đảo, cũng như ứng dụng khoa học công nghệ trong việc giữ vững an ninh, chủ quyền lãnh thổ.