Tạo làn gió mới từ môn Ngữ văn

GD&TĐ - Năm học 2024 - 2025 là năm cuối của ba cấp (lớp 5, 9 và 12) tiếp cận với sách giáo khoa mới theo Chương trình GDPT 2018.

Trường Tiểu học Yên Hòa sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: Đăng Chung
Trường Tiểu học Yên Hòa sẵn sàng cho năm học mới 2024 - 2025. Ảnh: Đăng Chung

Trong đó, môn Ngữ văn được các thầy cô đặc biệt lưu ý về phương pháp dạy và học. Dưới đây là trao đổi của các nhà giáo về việc đổi mới dạy học Ngữ văn.

Cô Đặng Thị Kim Khuê - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Hòa (Cầu Giấy, Hà Nội): Sinh động hóa giờ học Tiếng Việt

tao lan gio moi tu mon ngu van (4).jpg
Cô Đặng Thị Kim Khuê.

Sự khởi đầu luôn là quan trọng trong bất kỳ hoàn cảnh nào bởi các cụ xa xưa đã có câu “đầu xuôi đuôi lọt” - khởi đầu tốt đẹp thì những bước đi tiếp theo mới thuận lợi được. Vậy khi học môn Ngữ văn, học sinh nên bắt đầu từ đâu? Chắc chắn để có nền móng vững chắc thì phải bắt đầu ngay từ bậc Tiểu học với môn Tiếng Việt.

Từ kinh nghiệm nhiều năm cho thấy, với môn Tiếng Việt, giáo viên giảng dạy lưu ý đến nhiều nội dung kỹ năng, trong đó chú trọng: Đọc, luyện từ và câu, viết, nói và nghe cho học sinh. Đơn cử, với phần đọc, giáo viên hướng dẫn học sinh đọc lướt qua bài đọc để nắm bắt nội dung chính, tiêu đề, các đoạn văn, ý chính của từng đoạn văn. Sau đó, học sinh đọc kỹ bài đọc để hiểu rõ nội dung chi tiết, phân tích các nhân vật, sự kiện, ý đồ của tác giả. Giáo viên hướng dẫn học sinh đọc với giọng điệu, ngữ điệu phù hợp với nội dung bài đọc, thể hiện được cảm xúc của tác giả và nhân vật.

Tương tự ở phần viết, giáo viên hướng dẫn học sinh sáng tạo nội dung bài viết dựa trên trí tưởng tượng, cảm xúc của bản thân và hướng dẫn các em cách sửa bài viết của bản thân, bạn bè.

Một trong những điểm cần lưu ý khi dạy luyện từ và câu cho học sinh lớp 5 Chương trình GDPT 2018 là chú trọng đến việc phát triển năng lực sử dụng ngôn ngữ của học sinh. Bởi theo chương trình mới, học sinh không chỉ cần hiểu nghĩa của từ, cấu trúc của câu mà còn cần biết cách sử dụng từ và câu phù hợp với ngữ cảnh giao tiếp. Bên cạnh đó, việc liên hệ kiến thức về từ và câu với thực tiễn cuộc sống là rất quan trọng, giúp các em có thể vận dụng kiến thức đã học vào giao tiếp và viết bài.

Tiếng Việt là bộ môn có thể giúp cho học sinh tăng cường khả năng ngôn ngữ. Tuy nhiên “phong ba bão táp không bằng ngữ pháp Việt Nam” khiến nhiều học sinh cảm thấy đây là môn học khó. Với học sinh tiểu học, cuộc sống xung quanh luôn ẩn chứa bao điều mới lạ, thú vị, chắc chắn các em sẽ đưa ra những câu hỏi, những thắc mắc. Điều đó sẽ giúp trẻ định hình và cách diễn tả sự vật, hiện tượng, hay những gì mình định nói.

Việc khám phá thế giới xung quanh cũng phần nào giúp học sinh nâng cao sự hiểu biết, tăng vốn ngôn từ, kích thích trẻ tư duy tốt hơn. Điều đó phục vụ rất lớn trong việc phát triển khả năng viết đoạn văn, bài văn. Phần nhiều trẻ sẽ học Tiếng Việt trên lớp với sự hướng dẫn của thầy cô giáo.

Vì thế, phương pháp dạy của các cô cũng ảnh hưởng rất lớn đến khả năng tiếp thu của trẻ. Với môn tiếng Việt thì các thầy cô giáo nên chuẩn bị giáo án kỹ hơn. Ngoài việc giảng chay bằng lời nói, các thầy cô có thể sử dụng bằng tranh, ảnh, video để minh họa tốt hơn, giúp trẻ hứng khởi với môn học hơn.

Cô Bùi Thị Quynh - Trường THCS Nguyễn Tri Phương (Ba Đình, Hà Nội): Môn học của cảm xúc

tao lan gio moi tu mon ngu van (5).jpg
Cô Bùi Thị Quynh.

Ngữ văn là môn học thuộc lĩnh vực giáo dục ngôn ngữ và văn học, ở Tiểu học, môn này có tên là Tiếng Việt đến bậc THCS và THPT có tên là Ngữ văn.

Bộ môn Ngữ văn cũng như các bộ môn khác là một ngành khoa học về ngôn ngữ. Do đó, để học sinh có thể yêu thích môn Ngữ văn trước hết cần giúp các em hiểu môn Ngữ văn bằng sơ đồ tư duy, hệ thống từ khóa. Đây là môn học của cảm xúc, khơi dậy những tình cảm tốt đẹp trong lòng người.

Bởi vậy, ngoài tính khoa học, có thể thêm yếu tố hài hước, sự sinh động trong các giờ học thông qua trò chơi, diễn xuất. Môn Ngữ văn là môn học gắn liền với đời sống, nên thực hiện các dự án nhỏ, gần gũi và thiết thực để học sinh cảm nhận được sự cần thiết của môn học. Cùng với đó, cần tạo cho các em một kho ngôn ngữ, kho tư duy qua việc khơi gợi tình yêu đối với việc đọc sách, tự học, tự sáng tạo trong và ngoài giờ học.

Đơn cử, để hình thành và phát triển năng lực đọc văn bản cho học sinh thì giáo viên cần giúp các em cần nắm rõ ba bước (trước - trong và sau) khi đọc văn bản. Trước khi đọc văn bản, có thể khơi gợi kiến thức hoặc trang bị kiến thức nền cho học sinh, giúp các em cảm nhận nội dung văn bản sắp đọc trở nên gần gũi hoặc các em có đủ những hiểu biết căn bản để hiểu về văn bản đó.

Trong khi đọc, cần hướng dẫn học sinh tìm hiểu các yếu tố hình thức và nội dung của văn bản đó – dựa theo yêu cầu cần đạt, tránh tự làm nặng thêm bài giảng. Lúc này, nên tiến hành các hoạt động nhóm, hoạt động cặp, hoạt động cá nhân cho phù hợp. Sau khi đọc, nên có những câu hỏi liên hệ thực tế nhằm khơi gợi tình cảm, cảm xúc của người học.

Chương trình Ngữ văn THCS tiếp tục phát triển năng lực ngôn ngữ đã hình thành ở cấp Tiểu học. Kết thúc cấp THCS, học sinh biết đọc hiểu dựa trên kiến thức đầy đủ hơn, sâu hơn về Văn học và Tiếng việt, cùng với những trải nghiệm và khả năng suy luận của bản thân; biết viết các kiểu văn bản (tự sự, miêu tả, biểu cảm, nghị luận, thuyết minh, nhật dụng) đúng quy cách, quy trình; biết trình bày dễ hiểu, mạch lạc các ý tưởng và cảm xúc; nói rõ ràng, đúng trọng tâm, có thái độ tự tin khi diễn thuyết trước nhiều người, biết nghe hiểu với thái độ phù hợp và phản hồi hiệu quả.

Cô Triệu Thị Ngọc Linh - Trường THPT Lương Tài số 2 (Bắc Ninh): Tạo hứng thú tìm tòi, khám phá

tao lan gio moi tu mon ngu van (6).jpg
Cô Triệu Thị Ngọc Linh.

Chương trình Ngữ văn 2018 khi mới bắt đầu thực hiện có vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, chỉ sau một năm kiểm chứng chương trình bằng cách đi vào thực tế dạy học ở lớp 10 và lớp 11 vừa qua, giáo viên đều nhận thấy có “những làn gió mới” mà chương trình thổi đến giáo viên và đặc biệt cho học sinh là có thực.

Môn Văn là một trong những môn học quan trọng trong thời học sinh và đặc biệt là lớp 12 bởi vì điểm môn Ngữ văn ảnh hưởng tới kết quả thi tốt nghiệp THPT. Đặc biệt, những ai thi đại học khối C, D thì học môn học này lại càng quan trọng hơn.

Để giúp học sinh học tốt Ngữ văn, với phần đọc hiểu, giáo viên cần trang bị đầy đủ kĩ năng cho các em học sinh, chia thành những dạng câu hỏi đọc hiểu khác nhau theo những cấp độ nhận biết, thông hiểu, vận dụng gắn với kiểu loại: Văn bản nghị luận, văn bản nghệ thuật.

Trong làm bài với dạng đọc hiểu học sinh cần đọc, gạch chân từ khóa, nếu những văn bản có nhiều đoạn nhỏ cần chú ý luận điểm/ý từng đoạn. Để đa dạng đề đọc hiểu và tạo hứng thú cho học sinh giáo viên có thể chia nhóm để các em tự tìm ngữ liệu, tự ra đề đọc hiểu theo định hướng của thầy cô rồi trao đổi với các nhóm còn lại.

Việc tạo hứng thú tìm tòi, khám phá cho học sinh theo học môn Ngữ văn là rất quan trọng. Để làm được điều này, khi dạy đọc hiểu với kiểu văn bản nghị luận, giáo viên có thể chia lớp thành các nhóm và yêu cầu học sinh tìm các đoạn văn bản theo những chủ đề khác nhau và tự đặt câu hỏi cho văn bản mình tìm được theo từng chủ đề như: Nhóm 1 - văn bản liên quan đến đề tài môi trường; nhóm 2 - văn bản liên quan đến đề tài văn hóa truyền thống…

Để phát triển năng lực cho học sinh, khi khám phá một văn bản mới, giáo viên có thể dạy xác định kiểu loại văn bản trước, sau đó dựa vào đặc trưng thể loại để khai thác cả về nghệ thuật và nội dung. Đồng thời tổ chức các hoạt động dạy học phát huy tối đa tính hiệu quả của sơ đồ tư duy, phiếu bài tập, phương pháp gợi mở, dạy học dự án…

Giáo viên tổ chức các hoạt động viết sáng tạo như: Viết thư cho nhân vật trong câu chuyện, trong bài thơ; thực hành chia sẻ nhật kí cảm xúc mỗi ngày, hoạt động viết đóng vai nhân vật trong tác phẩm… Tất cả các hoạt động sẽ giúp học sinh sáng tạo và cảm nhận tác phẩm theo những cách khác biệt.

Bên cạnh đó, trong hoạt động viết, cũng cần định hướng cho học sinh một cấu trúc bài viết khoa học, mang tính logic. Trong dạy học dạng bài nghị luận xã hội có thể tổ chức các hoạt động chia đội để hai ý kiến trái chiều phản biện, rèn tư duy, thực hiện sổ tay dẫn chứng nghị luận xã hội và chia sẻ…

Để có thể học giỏi Văn cần một quá trình dài rèn giũa, vì việc diễn tả, thấu hiểu văn học vốn không dễ dàng. Ngay từ bậc Tiểu học cho đến hết THPT, Tiếng Việt hay Ngữ văn vẫn là bộ môn bồi đắp cho tâm hồn học sinh những giá trị nhân văn. Bởi vậy giúp học sinh yêu, học tốt môn học có thể bắt đầu từ những tình cảm với gia đình, tình yêu quê hương đất nước cũng là điều giáo viên chú trọng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ