Và ngạc nhiên hơn, khi giờ đây, Khôi Nguyên đã trở thành một nghệ sỹ xiếc, biểu diễn cùng các đàn anh, đàn chị chuyên nghiệp.
Câu chuyện cuộc đời của Khôi Nguyên, một cậu bé tự kỷ, vốn là nỗi trăn trở khôn nguôi của gia đình, sau một thời gian được dạy dỗ, huấn luyện với phương pháp đặc biệt, đã vươn lên thành một kỷ lục gia Việt Nam, trở thành niềm cảm hứng sống cho bao người.
Khôi Nguyên không chỉ là câu chuyện thành công của riêng em, của cha mẹ em, của các thầy, cô tại Trung tâm đào tạo kỹ năng sống Tâm Việt (nơi em học tập và thay đổi), mà em còn là một biểu tượng của tiềm năng con người, là điều kỳ diệu trong phương pháp giáo dục đặc thù.
Câu chuyện cuộc đời Khôi Nguyên, đã được chuyển hóa mềm mại và đầy tính nhân văn vào vở diễn “Những ước mơ trong ngôi trường cổ tích” – một chương trình Xiếc – Tạp kỹ của Nhà hát nghệ thuật Xiếc và Tạp kỹ Hà Nội nhân kỷ niệm 45 năm ngày thành lập đơn vị. Vở diễn sẽ ra mắt phục vụ công chúng thủ đô Hà Nội vào ngày 13/10/2017.
Trong đó, Khôi Nguyên vào vai chính mình trong vở diễn, một bé trai khiếm khuyết thiệt thòi, đã dám ước mơ, và nhờ tình yêu thương của mọi người, nỗ lực của chính em, điều kỳ diệu đã đến, em đã thực hiện được ước mơ cuộc đời, trở thành một nghệ sỹ.
Câu chuyện khiến ta cảm động rơi nước mắt. Hình ảnh người bạn, người thầy luôn nắm chặt tay Khôi Nguyên từ khi em còn là đứa trẻ thiệt thòi, cho đến khi buông tay để em thể hiện tài năng của mình trên thánh đường sân khấu và tỏa sáng, để niềm hạnh phúc dâng trào, và tất cả mọi nghệ sỹ đón em vào vòng tay lớn của nghệ thuật thực sự gây chấn động mạnh.
Nghệ sỹ nhân dân Tâm Chính, một bậc thầy của nghệ thuật xiếc đã nhận xét, dù là trẻ tự kỷ mà Nguyên biểu diễn với kỹ thuật rất tốt, phong cách biểu diễn cuốn hút. Câu chuyện của Nguyên được kể rõ ràng sẽ mang niềm cảm hứng cho mọi người, động viên chúng ta vươn tới ước mơ.
Họa sỹ Nguyễn Thế Hiệp, bố của Khôi Nguyên, cảm động nói, ông không thể tưởng tượng ra được thực tế kỳ diệu này, khi Khôi Nguyên con trai ông có thể trở thành một nghệ sỹ biểu diễn xiếc cùng các diễn viên xiếc chuyên nghiệp.
Có lẽ, câu chuyện kỳ diệu bắt đầu bằng một chữ DUYÊN. Vào mùa hè năm 2013, khi Nguyên lên 12 tuổi, vợ chồng ông quyết định cho Nguyên tham gia “Học kỳ quân đội” tại Trung tâm Tâm Việt. Hết mùa hè, cả hai vợ chồng không biết nên làm gì tiếp theo với Nguyên để con có thể giảm bớt triệu chứng không mong muốn.
Nguyên bị tự kỷ ở dạng tăng động giảm chú ý, cứ hoạt động liên tục không ngừng nghỉ. Nguyên đi đâu ra đường cũng phải có người dắt tay, nếu không con sẽ lao vào xe cộ trên đường và bị tai nạn, hoặc xông bừa vào nhà người khác nghịch phá… Nguyên cũng bị rối loạn cảm giác nên không biết đau, có lần con bị kẹt tay vào cửa, thâm tím nhưng cũng không kêu lên hoặc rút ngón tay ra vì không hề thấy đau.
Do đó, luôn phải có người bên cạnh Nguyên để tránh cho con không tự gây tai nạn cho mình và gây rối cho người xung quanh. Lúc đó, ông đã đề nghị Tiến sỹ Phan Quốc Việt – Giám đốc Tâm Việt giúp đỡ. Tiến sỹ Phan Quốc Việt chỉ nói gọn, cứ để Nguyên cho tôi.
Dùng phương pháp đặc biệt: đứng trên con lăn hoặc đi xe một bánh, đội chai nước và tung bóng, Tâm Việt đã huấn luyện và điều trị chứng tự kỷ cho Nguyên, để em trở thành kỷ lục gia, và một nghệ sỹ biểu diễn.
Phương pháp này không chỉ thành công với Khôi Nguyên, mà còn với các em tự kỷ khác đang học tập tại Tâm Việt. Thành công mới của Khôi Nguyên, là một niềm hạnh phúc lớn lao của cha mẹ em, và cũng là một thành tựu tuyệt vời của Tâm Việt, một câu chuyện kỳ diệu có thực. Hiện nay, nhiều trẻ tự kỷ đã về với Trung tâm này, trở thành học trò và tiếp tục xây những ước mơ của riêng mình.
Bình luận