Học sửa laptop: Không khó như bạn tưởng

GD&TĐ - Sửa chữa máy tính, trong đó có máy tính xách tay (laptop) đang được xem là một nghề khá “hot” hiện nay. Nhiều người cho rằng, đây là công việc phức tạp liên quan đến công nghệ và kỹ thuật. Tuy nhiên, thực tế lại cho thấy, việc học nghề này để có thể kiếm được việc làm hoặc tự tạo việc làm lại có vẻ khá dễ dàng, đơn giản với chi phí thấp.

Học viên thực hành sửa chữa linh kiện điện tử
Học viên thực hành sửa chữa linh kiện điện tử

Đào tạo gắn với công việc

Là giáo viên tại Trung tâm Đào tạo công nghệ cao Bách khoa, ông Nguyễn Tích Vũ cho biết: Để sửa laptop, quan trọng nhất là phải “bắt” được bệnh, từ đó phân tích để đưa ra giải pháp xử lý. Nguyên nhân của những hỏng hóc có thể do điện áp, tuổi thọ của linh kiện, tình trạng ẩm mốc hoặc bụi bẩn. Một trong những vấn đề mà người sử dụng laptop ít quan tâm nhất là vệ sinh và bảo dưỡng laptop.

Quá trình chăm sóc này bao gồm các công đoạn: Thổi bụi, làm sạch bề mặt, lau sạch tản nhiệt cũ, tra kem tản nhiệt mới, tra mỡ quạt, làm sạch khe tản nhiệt, cánh quạt, bàn phím… Việc không vệ sinh và bảo dưỡng thường dẫn đến hiện tượng treo máy hoặc chạy “chậm như rùa”. Đây cũng được xem là một nguyên nhân khá phổ biến dẫn đến hỏng hóc, phải thay thế các linh kiện như main, màn hình khiến cho chi phí sửa chữa trở nên phức tạp và đắt đỏ.

Theo ông Vũ, đào tạo nghề sửa máy tính hiện nay chủ yếu là sửa các loại laptop. Công việc sửa chữa gắn liền với đào tạo, học viên có sự tương tác với thực tế thông qua việc trực tiếp sửa chữa các laptop. Chương trình do trung tâm thiết kế, có thời lượng đào tạo lý thuyết khoảng 30%. Học viên được đào tạo những kiến thức cơ bản về điện tử. Thời lượng đào tạo thực hành là 70%, sau những bài học lý thuyết. Học viên được trực tiếp thực hành những kỹ năng về tìm đọc lỗi, cũng như các giải pháp sửa chữa. Trung tâm đang đào tạo 2 lớp sửa chữa laptop vào buổi sáng và tối, mỗi lớp có từ 8 – 10 học viên.

Mỗi năm các hãng sản xuất đều đưa những công nghệ mới vào sản phẩm để tăng thêm tính năng, qua đó người sử dụng có thêm những tiện ích mới. Điều này dẫn đến việc sửa chữa laptop cũng như chương trình đào tạo phải thay đổi, cập nhật liên tục thì mới có thể đáp ứng được yêu cầu khách hàng. 

Đa dạng đối tượng học nghề

Ông Nguyễn Tích Vũ trong giờ đào tạo học viên sửa chữa laptop
Ông Nguyễn Tích Vũ trong giờ đào tạo học viên sửa chữa laptop 

Cũng theo ông Vũ, học nghề sửa chữa laptop không thể mong giỏi ngay, mà phải có quá trình làm việc thực tế, đúc kết kinh nghiệm và nâng cao tay nghề. Tuy nhiên, sau đào tạo, các học viên đều được trang bị đầy đủ về kiến thức, kỹ năng cơ bản để có thể sẵn sàng làm việc được ngay. Sau các khóa học từ 3 – 6 tháng, học viên đều được giới thiệu đi làm tại các cơ sở sửa chữa máy tính. Mức lương ban đầu từ 6 - 7 triệu đồng/tháng, nếu làm tốt thu nhập sẽ cao hơn.

Nhiều người nghĩ rằng, nghề này rất phức tạp, nhưng thực tế, việc đào tạo đều có phương pháp, tránh những rườm rà không cần thiết, vấn đề được đơn giản hóa để cho người học có thể dễ dàng tiếp cận. Có sự khác biệt giữa việc người thợ truyền nghề với hình thức cầm tay chỉ việc, học viên sẽ xử lý được những lỗi đã được hướng dẫn, nhưng họ sẽ gặp khó khăn khi phải xử lý những lỗi khác chưa được làm thực tế.

Với giáo viên giảng dạy nghề, việc đào tạo có định hướng, đưa ra vấn đề tổng quát, từ đó chia ra từng nội dung cần được giải quyết. Phải xác định được nguyên nhân nào dẫn đến mỗi lỗi cụ thể trên laptop, sau đó phân tích, định hướng xử lý, từ đó học viên sẽ có kiến thức rộng hơn về nghề. 

Nhận diện nghề tiềm năng

“Chúng tôi muốn xây dựng trung tâm đào tạo theo một hướng đi mới với các chương trình, giáo trình khoa học hơn để học viên có thể nhanh chóng thích nghi với công việc luôn luôn thay đổi trong thời đại công nghệ hiện nay” - ông Vũ Xuân Vĩnh chia sẻ.

Ông Vũ Xuân Vĩnh, Giám đốc Trung tâm Đào tạo công nghệ cao Bách khoa cho biết: Trung tâm đang đào tạo 5 nghề: Điện tử, điện lạnh, máy tính, laptop, điện thoại. Chủ trương của trung tâm là không mở rộng về quy mô mà tập trung vào chiều sâu chất lượng để người học có việc làm sau tốt nghiệp. Kể cả khi đã tốt nghiệp, người học vẫn tiếp tục được trung tâm hỗ trợ để tay nghề vững hẳn. 

Hiện nay, học phí cho một khóa ngắn hạn nghề sửa chữa laptop chỉ khoảng trên 5 triệu đồng. Học các nghề nhóm ngành dịch vụ sửa chữa nói chung có chi phí thấp nhưng hiệu quả cao, công việc gắn liền với nhu cầu của xã hội, khi việc sử dụng laptop và đồ điện tử đã trở nên rất phổ biến. Bên cạnh việc dễ dàng tìm kiếm việc làm, học viên còn có nhiều cơ hội để tự mở dịch vụ, tự tạo việc làm và chủ động về thu nhập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.