Cổng trường đại học có phải lối đi đúng duy nhất?

GD&TĐ - Sau kỳ thi THPT quốc gia 2019, các thí sinh sẽ theo những ngã rẽ riêng để xây dựng tương lai. “Cổng trường Đại học có là con đường duy nhất hay chọn đúng lối đi mới thực sự dẫn tới thành công?” là câu hỏi được nhiều người đặt ra.

Học nghề là một trong những con đường dẫn đến thành công (Ảnh minh họa)
Học nghề là một trong những con đường dẫn đến thành công (Ảnh minh họa)

Ngã rẽ nào cũng có ý nghĩa riêng

Ngay từ trước khi con gái tham gia kỳ thi THPT quốc gia, chị Phạm Thu Hiền (Cầu Giấy, Hà Nội) đã xác định: “Kỳ thi này rất căng thẳng. Vì thế tôi không tạo áp lực buộc con phải đỗ đại học bằng được. Nếu con không đỗ trường này thì học trường khác, thậm chí có thể đi học nghề cũng không sao hết”.

“Thời nay muốn thành công, ngoài nghề nghiệp còn phải có kỹ năng sống, sự năng nổ, tháo vát và sáng tạo”, chị Thu Hiền chia sẻ thêm.

Có không ít phụ huynh cùng suy nghĩ với chị Thu Hiền và đã tự biết “cởi trói” cho mình và con cái để hướng nghiệp tương lai theo nhiều con đường mà không nhất thiết phải vào đại học.

Trên thực tế còn rất nhiều người làm cha, làm mẹ và các em học sinh vẫn giữ suy nghĩ: bằng mọi giá phải vào đại học, để có một chỗ đứng trong xã hội.

Suốt mùa thi vừa qua, những câu chuyện thi cử được chia sẻ trên các phương tiện truyền thông, trong đó không hiếm chuyện về những gia đình dốc hết tiền để con đi luyện thi với quyết tâm nhất định con phải thành sinh viên đại học.

Song, có không ít người thở dài ngao ngán. Họ là những người cũng từng không tiếc tiền của cùng con em “lai kinh ứng thí” để giờ đây khi đã cầm tấm bằng đại học trong tay lại phải ngậm ngùi đi làm công nhân như những người vừa tốt nghiệp một lớp học nghề ngắn hạn.

Chia sẻ câu chuyện này, Nguyễn Văn Huy, 26 tuổi, chủ một cửa hàng sửa chữa máy tính trên phố Lê Thanh Nghị, Hà Nội kể, hết lớp 12 em không thi đại học vì lựa sức học của mình. Thay vào đó Huy đăng ký học lớp điện tử điện lạnh ở Trường Cao đẳng dạy nghề Hà Nội.

Tốt nghiệp, Huy xin một chân học việc tại cửa hàng sửa chữa máy tính. Cần mẫn, chăm chỉ Huy học hỏi các anh, chị đi trước từng chút một từ thực tế công việc. Hai năm nay, Huy cảm thấy đã đủ tự tin và cùng một người bạn mở riêng cửa hàng sửa chữa máy tính.

“Công việc nhiều, nhưng điều quan trọng là phải giữ tín nhiệm với khách hàng, hỏng đến đâu sửa đến đấy, không trò bịp, không tráo đổi linh kiện”, Huy chia sẻ.

Giờ đây, trừ đi các chi phí, mỗi tháng Huy và người bạn cùng chia nhau mức lợi nhuận ổn định, trung bình trên 10 triệu đồng/người. Trong khi, cùng thời điểm, có không ít người bạn của Huy đã tốt nghiệp đại học, nhưng rất chật vật trong tìm việc, bên cạnh đó nhiều người có việc đúng chuyên môn nhưng đồng lương rất eo hẹp.

Chọn đúng đường đi mới tới đích thành công

Mới đây, Tổng cục Thống kê công bố, số người thất nghiệp trong độ tuổi lao động quý I năm 2019 là gần 1,1 triệu người. Như vậy, thay vì học đại học với 4 – 5 năm chi phí tốn kém có nên học các trường nghề chi phí thấp, thời gian ngắn và nhiều cơ hội việc làm?.

Thực tế thì học nghề là xu hướng của nhiều nước trên thế giới. Tại Singapore, nơi nền kinh tế có hàm lượng chất xám rất cao nhưng hiện nay Chính phủ đang khuyến khích người dân không cần phải học đại học mà vẫn có việc làm, vì họ không thiếu cử nhân mà cần lực lượng lao động có tay nghề cao.

Hãy tự mình chọn con đường đi phù hợp trước hết là với năng lực, đam mê và sau nữa là điều kiện bản thân, gia đình cũng như bối cảnh xã hội.

Có rất nhiều bạn trẻ chọn nghề hoàn toàn theo định hướng của cha mẹ hoặc hồn nhiên nghe theo những mách bảo của bạn bè về các nghề “hot” mà không hề tự tìm hiểu mong muốn thực sự của chính mình.

Vì thế, biết đâu đấy chính việc không đủ điểm xét tuyển vào một trường đại học nào đó có khi lại giúp các em tự định hình lại mình để tìm đúng đường – con đường mà mình sẽ gắn bó cả cuộc đời, với những khát vọng và lẽ sống đầy nhân văn.

Xin nhắc lại triết lý về sự thành công của Bill Gates – một tỷ phú công nghệ nổi tiếng thế giới: Thành công không phải số tài sản bạn sở hữu mà là những điều bạn làm được để cảm thấy hạnh phúc và khiến những người xung quanh hạnh phúc!.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Nền tảng cho giai đoạn phát triển mới

GD&TĐ - Năm 2025 là năm về đích của kế hoạch phát triển KTXH giai đoạn 2021 - 2025 nên mục tiêu về tốc độ tăng trưởng được Chính phủ đặt ra khá cao.