Học sinh tự tin vào lớp online nhờ "Sóng và máy tính cho em"

GD&TĐ - Không chỉ là giải pháp tình thế, sức lan tỏa từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” đang mang lại những giá trị thiết thực, giúp nhiều trò nghèo vùng cao tự tin “nhập cuộc” với những thay đổi của nền GD số.

Sức lan tỏa từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho các nhà trường và học sinh vùng khó.
Sức lan tỏa từ chương trình “Sóng và máy tính cho em” đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho các nhà trường và học sinh vùng khó.

Tự tin “nhập cuộc”

Năm học này là lần đầu tiên cô bé Lò Thị Thanh Trúc rời bản biên giới Nậm Hẹ, xã Hẹ Muông để ra trung tâm xã Núa Ngam (huyện Điện Biên, tỉnh Điện Biên) theo học lớp 6. Nhà có 3 anh chị em cùng độ tuổi đến trường nên mỗi lần phải học trực tuyến Trúc gặp không ít khó khăn.

“Vì nhà nghèo nên chúng em không có đủ thiết bị để học trực tuyến. Mỗi lần có tiết, em phải chạy sang mượn điện thoại của ông bà. Nhưng vì máy cũ nên pin yếu, sập nguồn liên tục, việc tiếp thu bài giảng của cô cũng ảnh hưởng theo. Nhiều lúc em phải vừa sạc vừa học. Biết là mất an toàn nhưng chẳng còn cách nào”, Trúc tâm sự.

Thế nhưng, kể từ tháng 2 vừa qua, việc học trực tuyến đã không còn áp lực khi Trúc được mượn chiếc máy tính bảng từ chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Có máy tính mới, Trúc vào mạng nhanh hơn, đường truyền ổn định. Không những vậy, màn hình máy tính to nên em dễ dàng quan sát đầy đủ hướng dẫn của cô giáo. Vì thế việc tiếp thu bài giảng cũng thuận tiện và tốt hơn nhiều.

Theo thầy Phạm Trung Thành, Hiệu trưởng Trường THCS Núa Ngam, không riêng với Trúc, nhờ sự hỗ trợ từ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” mà 72 học sinh khó khăn của nhà trường đã được hỗ trợ thiết bị học tập trực tuyến ổn định. Qua đó, các em phấn khởi và tự tin hơn nhiều khi tham gia giờ học cùng các bạn.

“Sự hỗ trợ của chương trình đã tháo gỡ nhiều khó khăn cho nhà trường, thầy cô và đặc biệt là học sinh. Trước kia, có những giờ học chỉ ghi nhận vài học sinh tham gia. Để đảm bảo chất lượng, thầy cô sau đó vẫn phải đến tận nhà giao bài, hướng dẫn. Nay tình trạng này không còn. Khi được hỗ trợ máy tính, các em tham gia học online đầy đủ và ổn định hơn. Chất lượng giáo dục vì thế cũng được đảm bảo”, thầy Thành cho hay.

Cùng đợt này, Trường THPT Mường Ảng (Điện Biên) được hỗ trợ 80 máy tính bảng. Theo thầy Trần Mạnh Linh, Phó Hiệu trưởng nhà trường, mặc dù chưa đáp ứng được 100% nhu cầu thực tế, song chương trình đã giải quyết cơ bản khó khăn trong tổ chức dạy học trực tuyến và mang lại nhiều giá trị thiết thực cho học sinh cũng như nhà trường.

“Qua rà soát, trường có hơn 100 học sinh không có thiết bị học trực tuyến. Tuy nhiên, với việc hỗ trợ kịp thời 80 máy tính bảng cũng đã giúp nhà trường tháo gỡ rất nhiều khó khăn trong công tác giảng dạy, nhất là đối với học sinh khối 12”, thầy Linh nói.

Theo đó, ngoài các em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, nhà trường đã ưu tiên hỗ trợ máy cho toàn bộ học sinh khối 12 có nhu cầu. Nhờ vậy, trong gần 1 tháng triển khai dạy học trực tuyến vừa qua, toàn bộ học sinh lớp 12 đều tham gia đầy đủ và không có em nào bị gián đoạn.

 “Để học sinh làm quen và nhập cuộc tốt nhất, ngay khi nhận số máy hỗ trợ, nhà trường đã tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng, bảo quản máy làm sao cho hiệu quả. Đồng thời, trường tiếp tục rà soát lần 2 xác định số học sinh thật sự có nhu cầu để việc hỗ trợ đúng đối tượng, hiệu quả”, thầy Linh cho biết thêm.

Để bảo quản tốt và phát huy hiệu quả chương trình, tại Trường THCS Núa Ngam, học sinh được mượn máy theo từng buổi học và phải ký nhận, gắn trách nhiệm.
Để bảo quản tốt và phát huy hiệu quả chương trình, tại Trường THCS Núa Ngam, học sinh được mượn máy theo từng buổi học và phải ký nhận, gắn trách nhiệm.

Sử dụng đi liền với trách nhiệm bảo quản

Theo cô Trần Thị Tươi, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Núa Ngam, mặc dù từ ngày 4/4 nhà trường quay trở lại dạy học trực tiếp, song số máy được hỗ trợ vẫn đang phát huy tối đa hiệu quả. Hiện hơn 30 học sinh các khối tham gia cuộc thi olympic giải toán trên mạng đều được mượn máy ôn luyện. Ngoài ra, toàn bộ số học sinh thuộc diện F0, F1 không thể tham gia học trực tiếp, khi có nhu cầu đều được bố trí mượn.

“Chúng tôi xác định đây là nguồn hỗ trợ mang tính lâu dài, giúp học sinh và cả giáo viên nhà trường có thể nhập cuộc với những thay đổi của nền giáo dục số. Vì vậy, không thể để máy xếp kho, cứ học trực tuyến mới mang ra sử dụng mà sẽ bố trí, sắp xếp cho các em mượn theo nhu cầu thực tế, phục vụ công tác dạy và học chung của nhà trường”, cô Tươi chia sẻ.

Còn theo cô Đào Thị Hiền, quản lý thư viện nhà trường, để máy được quản lý tốt, phục vụ lâu dài, nhà trường cho mượn theo từng buổi học. Trước, sau khi mượn các em đều phải ký nhận. Mỗi máy có dán tên cụ thể để gắn với trách nhiệm từng em.

“Việc giao hẳn máy cho học sinh sẽ rất khó trong công tác quản lý. Thầy cô không thể theo sát quá trình sử dụng để biết các em có dùng máy phục vụ học tập hay không. Chính vì vậy, vừa quản lý tốt vừa gắn trách nhiệm sẽ đảm bảo máy được sử dụng đúng mục đích, lâu bền và nhiều học sinh được thụ hưởng hơn”, cô Hiền lý giải.

Tại huyện Mường Ảng, để tăng thêm nguồn lực cho chương trình, phòng GD&ĐT đã phát động, kêu gọi cán bộ, công chức viên chức và người lao động tại 35 trường học tham gia quyên góp, ủng hộ. Phòng thành lập Ban tiếp nhận, điều phối trang thiết bị học trực tuyến cho học sinh. Đồng thời chỉ đạo các trường chủ động xây dựng kế hoạch thực hiện đảm bảo phù hợp với điều kiện thực tế.

“Đã có 20/22 trường trên địa bàn triển khai học trực tuyến bằng thiết bị được hỗ trợ từ chương trình. Qua đó, không để học sinh nào bị mất cơ hội học tập vì dịch bệnh. Bên cạnh đó, kịp thời chia sẻ khó khăn, động viên, khích lệ giáo viên, học sinh các nhà trường vượt khó, hoàn thành tốt nhiệm vụ giáo dục trong mọi hoàn cảnh”, ông Nguyễn Đức Quang, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Mường Ảng cho hay.

Tại huyện Điện Biên, phòng GD&ĐT đã tiếp nhận 440 máy tính bảng, 440 sim Viettel. Để phát huy hiệu quả và sử dụng đúng mục đích chương trình, đơn vị đã chỉ đạo các nhà trường thực hiện đồng bộ từ khâu thống kê, tổng hợp nhu cầu, đến phân bổ hỗ trợ hợp lý. “Ngay khi tiếp nhận, phòng tiến hành phân bổ về các trường dựa trên nhu cầu đăng ký và cân đối thực tế. Mỗi trường đều ban hành quy định cụ thể về việc quản lý, sử dụng và bảo quản máy tính bảng, sim được hỗ trợ. Trong đó quy định rõ việc quản lý, bảo quản, sử dụng, trách nhiệm của nhà trường, học sinh và gia đình học sinh ra sao”, ông Đặng Quang Huy, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Điện Biên thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Giá của thi trên mạng

GD&TĐ - Một phụ huynh có con đang học tại Trường Tiểu học Ngô Quyền (Đà Nẵng) đã mất 55 triệu đồng vì đăng ký cho con dự cuộc thi viết chữ đẹp trên mạng.