Tham dự buổi lễ có: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì; Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ;
Đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Đồng chí Lê Ngọc Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Cùng đại diện một số Bộ; Đại diện một số doanh nghiệp tài trợ; Điểm cầu địa phương do Lãnh đạo tỉnh chủ trì.
Chương trình được Thủ tướng Phạm Minh Chính trực tiếp chỉ đạo phát động, Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện (nhằm triển khai Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ). Chương trình sẽ được lan tỏa thực hiện ở các ngành, các cấp địa phương trên cả nước.
Nội dung hỗ trợ học sinh học tập trực tuyến gồm sóng Internet, máy tính cho học sinh và miễn phí một số phần mềm dạy học trực tuyến.
Cụ thể, miễn 100% cước phí khi học sinh, sinh viên sử dụng một số nền tảng dạy học trực tuyến (sẽ được Bộ Thông tin và Truyền thông công bố); Hỗ trợ máy chủ cho trường đại học nếu như dùng các phần mềm dạy học trực tuyến theo công bố của Bộ Thông tin và Truyền thông; Giá các gói dịch vụ không đổi, nhưng dung lượng Internet được tăng gấp đôi; Các doanh nghiệp viễn thông đang triển khai nâng cao dung lượng băng thông Internet ở các thành phố lớn.
Về máy tính cho học sinh, dự kiến tại Lễ phát động có thể sẽ huy động được gần 1 triệu máy tính bảng.
Trước đó, thực hiện chỉ đạo trên của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ngày 10/9/2021, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với Công đoàn Giáo dục Việt Nam ban hành công văn số 3961/BGDĐT-CĐN phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” nhằm vận động, huy động mọi nguồn lực trong toàn ngành ủng hộ kinh phí, thiết bị học tập trực tuyến cho học sinh chưa có và không thể có khả năng mua thiết bị học tập trực tuyến.
Trước mắt, cuộc vận động “Máy tính cho em” sẽ ưu tiên các địa phương khó khăn, vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh Covid-19. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo và Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam đề nghị Giám đốc Sở GD&ĐT/Chủ tịch Công đoàn ngành; Giám đốc/Hiệu trưởng/Chủ tịch Công đoàn của các đại học, học viện, trường đại học, trường cao đẳng sư phạm; các đơn vị thuộc và trực thuộc Bộ tổ chức phát động quyên góp, ủng hộ “Máy tính cho em” tại tất cả các đơn vị thuộc và trực thuộc; kêu gọi, tuyên truyền, vận động toàn thể đội ngũ cán bộ quản lý, công chức, viên chức, nhà giáo, nhân viên, người lao động tham gia ủng hộ kinh phí tối thiểu là một ngày thu nhập.
Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ban hành các văn bản hướng dẫn năm học mới, trong đó có việc tổ chức dạy học qua Internet, dạy học trên truyền hình; hướng dẫn đảm bảo an ninh, an toàn trong dạy học trực tuyến; hướng dẫn bảo đảm chất lượng đào tạo từ xa trong thời gian phòng chống dịch Covid-19 (đối với các cơ sở giáo dục đại học).
Kho học liệu của Bộ Giáo dục và Đào tạo đang được bổ sung bài giảng, học liệu và kết nối với Hệ Tri thức Việt số hóa chia sẻ dùng chung cho cả nước.
Bộ tiến hành rà soát chương trình giáo dục các cấp học, xác định các nội dung cốt lõi cần đạt được của chương trình để hướng dẫn các địa phương tổ chức dạy học phù hợp với tình hình dịch bệnh; tiếp tục hướng dẫn các địa phương xây dựng bài giảng chất lượng tốt để tổ chức dạy học trực tuyến, dạy học trên truyền hình khi học sinh không thể đến trường do phải thực hiện giãn cách xã hội; tiếp tục bổ sung nguồn học liệu số và bài giảng trên truyền hình để duy trì hoạt động dạy và học, bảo đảm các hoạt động giáo dục không bị đứt gãy.
Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đang xây dựng cẩm nang và tổ chức tập huấn dạy học trực tuyến cho giáo viên; chuẩn bị ban hành văn bản hướng dẫn về chuẩn tối thiểu (khung, mẫu) cho một bài giảng trên truyền hình và hướng dẫn chuẩn (yêu cầu) tối thiểu về kỹ năng, phương pháp để dạy trên truyền hình; tổ chức xây dựng video bài giảng (dạy trên truyền hình) của môn học các lớp 1, 2 và 6 (đang phát hình Tiếng Việt và Tiếng Anh lớp 1).
Đối với các lớp còn lại (3, 4, 5, 7, 8, 9, 10, 11, 12), Bộ Giáo dục và Đào tạo lên phương án tổng hợp các nguồn bài giảng hiện có ở địa phương, kết hợp điều phối, phân công địa phương và xã hội hóa việc sản xuất bài giảng.
Hoạt động tổ chức dạy học trong những ngày đầu tiên của năm học 2021-2022 gặp nhiều khó khăn, nhất là đối với các địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội. Nhiều tỉnh, thành phố phải tổ chức dạy học trực tuyến, song do hệ thống đường truyền Internet hạn chế dung lượng, phần mềm dạy học hoạt động chưa tốt, nhiều học sinh thiếu trang thiết bị học tập, sự hỗ trợ của gia đình còn gặp nhiều khó khăn nên việc dạy và học ở nhiều nơi chưa hiệu quả.
Chương trình “Sóng và máy tính cho em” được xây dựng và triển khai với mục đích hỗ trợ các em học sinh, đặc biệt là các em học sinh đang ở vùng có dịch Covid-19 (thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg) có điều kiện để học tập trực tuyến hiệu quả. Chương trình ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.
Nhấn F5 để cập nhật nội dung mới nhất
Quảng Nam: Tranh thủ dạy trực tiếp trong "thời gian vàng"
Điểm cầu Quảng Nam do ông Phan Việt Cường, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy - Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì. Cùng tham dự Lễ phát động "Sóng và máy tính cho em" còn có ông Hồ Quang Bửu, Phó chủ tịch UBND tỉnh và đại diện lãnh đạo các Sở Thông tin - truyền thông, Sở GD&ĐT; UBMTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam.
Hiện các địa bàn miền núi của Quảng Nam đều tranh thủ "thời gian vàng" để dạy học trực tiếp. Ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Nam cho biết, Sở đã hướng dẫn các trường chỉ dạy những phần kiến thức trọng tâm, kiến thức chuẩn theo quy định.
Những nội dung khác, giáo viên có thể hướng dẫn, gợi ý học sinh tự học, làm bài tập ở nhà rồi nộp qua các nhóm học tập. Với giải pháp này sẽ linh hoạt thực hiện khung chương trình và đảm bảo chuẩn kiến thức của Bộ GD&ĐT.
Những bộ môn liên quan đến khoa học tự nhiên, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh làm các dự án học tập theo từng chương. Đây vừa là thay đổi phương pháp dạy học theo hướng tích cực, hình thành phẩm chất năng lực của học sinh. Mô hình lớp học đảo ngược sẽ được các trường áp dụng để có thể tranh thủ thời gian tổ chức dạy học trực tiếp để hình thành kiến thức, kỹ năng cho học sinh.
Ánh Ngọc
Quảng Trị: Hơn 68% học sinh có thiết bị học trực tuyến
Tham dự Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại điểm cầu Quảng Trị có ông Nguyễn Đăng Quang - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, ông Võ Văn Hưng - Chủ tịch UBND tỉnh, bà Lê Thị Hương - Giám đốc Sở GD&ĐT, ông Nguyễn Văn Tường - Giám đốc Sở TT&TT và đại diện lãnh đạo các Sở Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Y tế;
Đồng tham dự chương trình còn có đại diện lãnh đạo Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hội Doanh nhân trẻ; Viễn thông Quảng Trị; Viettel Quảng Trị, Chi nhánh Mobifone Quảng Trị; Chi nhánh FPT Quảng Trị; Chi nhánh SCTV tại Quảng Trị; Bưu điện tỉnh, Hội Khuyến học tỉnh...
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Quảng Trị, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có khoảng 68,74% học sinh có thiết bị học để trực tuyến (gồm máy tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh).
Trong đó, học sinh tiểu học đạt tỉ lệ 57,65; học sinh THCS đạt tỉ lệ 73,63 và học sinh THPT đạt tỉ lệ 88,30%.
Riêng ở hai huyện miền núi Hướng Hoá và Đakrông có tỉ lệ học sinh được học trực tuyến rất thấp, chỉ đạt 33,25% và 14,55%. Bởi ở các khu vực này học sinh phần lớn là con em người Vân Kiều, Pa Cô, điều kiện kinh tế của bà con còn rất khó khăn.
Phạm Quyên
Hải Phòng: Một số địa phương còn gặp khó khăn về hạ tầng viễn thông
Dự lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" có ông Nguyễn Văn Tùng- Chủ tịch UBND TP, ông Đỗ Mạnh Hiến - Phó Bí thư thường trực Thành ủy, bà Đào Khánh Hà - Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy, ông Lê Khắc Nam- Phó Chủ tịch UBND TP, ông Bùi Văn Kiệm- Giám đốc Sở GD&ĐT.
Cùng dự có đại diện lãnh đạo các sở Thông tin và Truyền thông, Lao động, Thương binh và Xã hội, Thành Đoàn Hải Phòng.
Thông tin từ Sở GD&ĐT Hải Phòng cho biết, học sinh toàn thành phố đã đến trường học tập trực tiếp. Những học sinh Hải Phòng đang mắc kẹt tại địa phương bạn sẽ theo học tại chỗ. Các nhà trường sẽ tạo điều kiện cho học sinh tỉnh, thành phố khác đang "mắc kẹt" tại Hải Phòng theo học khi chưa thể trở về địa phương.
Tranh thủ "thời gian vàng" được học tập trực tiếp tại nhà trường, Sở GD&ĐT chỉ đạo các nhà trường linh hoạt về chuyên môn để dạy những kiến thức cơ bản cho học sinh, chủ động các phương án dạy online trong điều kiện có dịch bệnh xảy ra.
Đến nay, ngành giáo dục Hải Phòng cơ bản nhuần nhuyễn với tình huống dạy học trực tuyến. Tuy nhiên, một số địa phương còn gặp nhiều khó khăn về cơ sở hạ tầng viễn thông, điều kiện kinh tế của phụ huynh học sinh vì thế việc dạy học trực tuyến còn hạn chế.
Nguyễn Dịu
Quảng Bình: Trao tặng 1.000 điện thoại thông minh cho học sinh học trực tuyến
Dự lễ có đại diện Thường trực Tỉnh ủy; Phó Bí thư Tỉnh ủy - Chủ tịch UBND tỉnh, ông Trần Thắng; ông Hồ An Phong - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Đại diện các Sở ban ngành, đơn vị; Liên đoàn Lao động; Hội Liên hiệp Phụ nữ; Tỉnh đoàn; Hội Doanh nghiệp; Hội Khuyến học tỉnh; Viễn thông và Viettel Quảng Bình.
Trước đó Hội Khuyến học tỉnh Quảng Bình đã trích Qũy Khuyến học, mua 1.000 điện thoại thông minh để trao tặng cho 1.000 học sinh lớp 9 và lớp 12 của các trường THCS, THPT, THCS-THPT trong tỉnh, để học tập trực tuyến trong điều kiện giãn cách xã hội, phòng chống dịch Covid-19.
Đối tượng được nhận hỗ trợ điện thoại thông minh là những học sinh chưa có điện thoại thông minh hoặc các thiết bị nghe nhìn khác, thuộc các gia đình là hộ nghèo, cận nghèo, các gia đình gặp khó khăn, ưu tiên các học sinh có kết quả học tập khá, giỏi năm học 2020-2021.
Cùng đồng hành, Tập đoàn Viễn thông Quân đội chi nhánh Quảng Bình cũng quyết định tặng sim 4G và 1 năm miễn phí truy cập mạng cho 1.000 học sinh được nhận điện thoại của Hội Khuyến học tỉnh tặng đợt này.
Tiến Việt
Nghệ An: Triển khai mô hình “Thư viện thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”
Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” do ông Bùi Đình Long – Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì. Đồng chủ trì có bà Võ Thị Minh Sinh – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc.
Tham dự lễ phát động còn có đại diện ngành giáo dục và đào tạo, các ban ngành liên quan, các tổ chức, doanh nghiệp trên địa bàn.
Theo thống kê, năm học 2021-2022, Nghệ An có hơn 635 nghìn học sinh Tiểu học, THCS và THPT. Trong đó, có gần 70 nghìn học sinh thiếu thiết bị học trực tuyến chiếm tỷ lệ 11%. Số học sinh con hộ nghèo, cận nghèo, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn chiếm 6,7% (gần 42,5 nghìn em) và số học sinh ở nơi không có kết nối Internet chiếm 3,77% (gần 24 nghìn em).
Trước đó, từ ngày 30/8, ngành giáo dục tỉnh Nghệ An các huyện thành thị đã phát động quyên góp ủng hộ máy tính, điện thoại thông minh cho trò nghèo học trực tuyến.
Kết quả, sau 10 ngày, đã vận động được 60 máy tính, 583 điện thoại kèm sim 4G với tổng giá trị gần 1,6 tỷ đồng. Toàn bộ đã được kịp thời trao cho những học sinh có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh. Đồng thời, cuộc vận động vẫn tiếp tục được triển khai, mở rộng.
Bên cạnh đó, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ "Sóng và máy tính cho em", Mặt trận Tổ quốc Nghệ An cũng triển khai mô hình “Thư viện thiết bị hỗ trợ học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn”. Hiện ý tưởng về mô hình này được nhiều địa phương hưởng ứng triển khai tốt như Diễn Châu, Thanh Chương...
Sự chung sức, chung lòng cũng sẽ tiếp thêm động lực cho học sinh nghèo trên toàn tỉnh để “không ai bị bỏ lại phía sau”, "dừng đến trường nhưng không dừng học" trong những điều kiện đặc biệt vì đại dịch.
Hồ Lài
Đắk Lắk: Xây dựng phương án dạy học phù hợp thực tế
Tham dự Lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại điểm cầu tỉnh Đắk Lắk có ông Phạm Minh Tấn - Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy; ông Phạm Ngọc Nghị - Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh; và các Phó Chủ tịch Nguyễn Tuấn Hà, H’ Yim Kđoh cùng đại diện các sở, ban, ngành.
Thông tin từ Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết, nhằm bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Sở đã hướng dẫn các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục chủ động xây dựng các phương án tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế. Tích cực vận động xã hội chung tay với ngành GD&ĐT để tìm nguồn thiết bị hỗ trợ học sinh học trực tuyến, nhất là học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng đông đồng bào dân tộc thiểu số.
Đến thời điểm hiện tại, đã có 2 đơn vị viễn thông đề nghị hỗ trợ 1,7 tỷ đồng. Các trường học cũng đã vận động và trao hàng trăm thiết bị học trực tuyến cho học sinh nghèo tại địa phương.
Nguyễn Văn Đạt
Hà Tĩnh: Triển khai song song hai phương án dạy học
Tham dự tại đầu cầu Hà Tĩnh có ông Hoàng Trung Dũng - Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; ông Võ Trọng Hải, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; cùng lãnh đạo Ủy ban và các sở, ngành.
Đến nay, Hà Tĩnh đã vận động được hơn 1,2 tỷ đồng hỗ trợ thiết bị học trực tuyến cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn.
Sau nhiều ngày triển khai, ngành Giáo dục Hà Tĩnh đã vận động được 32 máy tính, 5 máy tính bảng và 255 điện thoại thông minh với tổng giá trị gần 1 tỷ đồng. Ngoài ra, chương trình còn nhận được hơn 257 triệu đồng tiền mặt từ các cá nhân, doanh nghiệp, đơn vị ủng hộ.
Thời gian qua, nhằm đảm bảo triển khai dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT Hà Tĩnh đã ban hành kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học 2021-2022. Trong đó, Sở yêu cầu các trường học cần khảo sát thiết bị học trực tuyến của nhà trường, giáo viên và học sinh. Lập danh sách học sinh khó khăn, không có thiết bị để có giải pháp hỗ trợ.
Ngoài ra, nhà trường cần tham mưu với chính quyền địa phương huy động sự giúp đỡ từ Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Mặt trận Tổ quốc thôn xóm… đồng hành hỗ trợ thiết bị học tập cho học sinh vùng khó.
Đối với những học sinh chưa có thiết bị, cần phát động phong trào “Đôi bạn cùng tiến”, học ghép để giúp đỡ, đảm bảo việc học trực tuyến cho các em… Sau khi học sinh trở lại trường học tập, nhà trường tổ chức đánh giá chất lượng học sinh, bổ sung, ôn tập kiến thức cho các em chưa đạt yêu cầu…
Theo dự kiến, ngày 15/9, học sinh tại Hà sẽ trở lại trường học với 2 phương án dạy học được triển khai song song: trực tiếp và trực tuyến.
Trương Hoa
Kon Tum: Khuyến khích học sinh học trực tuyến theo nhóm nhỏ
Dự Lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại điểm cầu Kon Tum có Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh uỷ, ông Lê Ngọc Tuấn, Chủ tịch UBND tỉnh, bà Y Ngọc – Phó chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự buổi lễ có bà Phạm Thị Trung, Giám đốc Sở GD&ĐT; Sở Lao động – Thương Binh và Xã hội; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Hội Khuyến học; Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh; Hội doanh nhân trẻ; các doanh nghiệp viễn thông và Tỉnh Đoàn Kon Tum.
Theo Sở GD&ĐT Kon Tum, năm học 2021-2022, toàn tỉnh có 164.300 trẻ em mầm non và học sinh phổ thông. Trong đó, học sinh dân tộc thiểu số có khoảng 92.400 em, tăng khoảng 600 em so với năm học 2020-2021.
Năm học 2021-2022 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh nên Sở GD&ĐT Kon Tum đã lên các phương án dạy học trực tiếp, trực tuyến nhưng vẫn đảm bảo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Cụ thể, dạy học trực tuyến thực hiện ở các trường có đủ thiết bị, điều kiện về Internet và học sinh có đầy đủ thiết bị học tập. Bên cạnh đó, Sở cũng khuyến khích các em học sinh cùng lớp, ở gần nhà nhau học trực tuyến theo nhóm nhỏ (2-3 học sinh).
Đối với trường PTDT nội trú và bán trú, các trường tổ chức học trực tiếp, nhưng phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Sở GD&ĐT cũng khuyến khích việc dạy học theo hình thức học tập có hướng dẫn đối với học sinh không thể học trực tuyến và trực tiếp tại trường. Trên cơ sở đó, nhà trường phối hợp với chính quyền địa phương tạo điều kiện về địa điểm để học sinh học tập theo nhóm nhỏ, giáo viên đến thực hiện việc hướng dẫn học sinh học tập.
Dung Nguyễn
Quảng Ngãi: Nhiều đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT tham gia Lễ phát động
Điểm cầu Quảng Ngãi do ông Đặng Ngọc Huy - Phó bí thư Trường trực tỉnh ủy chủ trì. Ngoài ra, tham dự Lễ phát động chương trình "Sóng và máy tính cho em" còn có ông Trần Hoàng Tuấn - Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy- Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo các Sở Thông tin - Truyền thông, Lao động - Thương binh & xã hội, Sở GD&ĐT và các phòng trực thuộc Sở. Đặc biệt, còn có sự tham dự của các đơn vị, doanh nghiệp trong lĩnh vực CNTT như VNPT, Viettel...
Hiện nay, tất cả các địa phương của Quảng Ngãi đều tổ chức dạy học trực tuyến.
Ông Nguyễn Ngọc Thái - Giám đốc Sở GĐ&DT Quảng Ngãi cho biết: "Số học sinh không có điều kiện tham gia học trực tuyến của Quảng Ngãi là 65.622 em trên tổng số 215.242 học sinh toàn tỉnh, chiếm 30,48%. Trong đó, hóc sinh ở bậc Tiểu học không có thiết bị để tham gia học trực tuyến là 36.581 em, chiếm 55,74%; bậc THCS có 23.671 em, chiếm 36,07% và THPT là 5.370 em, chiếm 8,18%".
Ánh Ngọc
Điện Biên: Nhiều trường học “trắng” thiết bị học trực tuyến
Theo ông Nguyễn Văn Đoạt, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Điện Biên, ngành đang chỉ đạo các phòng và cơ sở giáo dục địa phương rà soát, tổng hợp số lượng học sinh có thiết bị học tập trực tuyến. Dựa trên cơ sở đó để có phương án hướng dẫn, giải pháp chủ động triển khai, nhằm đảm bảo việc học của học sinh.
Bước đầu rà soát cho thấy, tại nhiều địa phương số lượng học sinh có thiết bị phục vụ học trực tuyến còn rất khiêm tốn. Thậm trí, một số trường học vùng khó “trắng” thiết bị.
Tại huyện Tủa Chùa, hiện chỉ có 1.786/8.249 học sinh tiểu học có thiết bị học trực tuyến (chiếm gần 22%); ở cấp THCS có 1.072/4.100 học sinh có thiết bị (chiếm khoảng 26%).
Cá biệt, tại Trường Tiểu học Tủa Thàng, 100% học sinh không có thiết bị, như: máy vi tính, máy tính bảng, điện thoại thông minh, ... Trường PTDTBT Tiểu học & THCS Lao Xả Phình chỉ có 2 học sinh có điện thoại thông minh.
Tương tự, tại huyện Nậm Pồ, theo ông Ngô Xuân Chiến, Trưởng phòng GD&ĐT, số lượng học sinh có thiết bị học trực tuyến chỉ chiếm khoảng trên 20%.
“Trên thực tế nhu cầu thiết bị học trực tuyến của học sinh địa phương là rất lớn. Đa phần học sinh đều là con em đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, cuộc sống còn nhiều khó khăn. Việc duy trì học tập còn phụ thuộc nhiều vào các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước” – ông Chiến cho hay.
Tuy nhiên, thực hiện sự chỉ đạo của ngành, theo ông Chiến, để thích nghi với tình hình mới, các đơn vị giáo dục đã chủ động xây dựng phương án thay thế bằng cách trực tiếp giao nội dung, bài tập về nhà cho học sinh.
“Để triển khai việc này, giáo viên rất vất vả, vì những khó khăn, cách trở về giao thông. Tuy nhiên, nhiệm vụ này đã được một số đơn vị trường học thực hiện từ năm học trước và các thầy cô giáo đều quyết tâm nêu cao tinh thần trách nhiệm, mục tiêu là tất cả vì học sinh” – ông Chiến nói.
Hà Linh
Tại điểm cầu Thanh Hóa
Dự lễ phát động chương trình “Sóng và máy tính cho em”, có ông Trịnh Tuấn Sinh - Phó Bí thư Tỉnh ủy; bà Phạm Thị Thanh Thủy - Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Thanh Hóa; ông Đào Xuân Yên - Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy; ông Đầu Thanh Tùng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.
Cùng dự buổi lễ còn có đại diện lãnh đạo các sở: Thông tin và Truyền thông; Sở GD&ĐT; Tài chính; Lao động - Thương binh và Xã hội, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh; Hội Khuyến học; Hội Chữ thập đỏ; lãnh đạo UBND TP Thanh Hóa; Hiệu trưởng Trường Đại học Hồng Đức; Trường Đại học Văn hóa; Thể thao và Du lịch; Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nữ, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân trẻ....
Thế Lượng
Cần Thơ: Nêu cao tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách
Tham dự lễ phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em” tại điểm cầu TP. Cầu Thơ có ông Trần Việt Trường - Chủ tịch UBND TP, ông Dương Tấn Hiển - Phó Chủ tịch thường trực UBND TP, phụ trách Sở GD&ĐT và đại điện các sở ban ngành.
Ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết, năm học 2021-2022 thành phố có khoảng 250 nghìn học sinh các cấp, trong đó có khoảng 4.500 em không đủ điều kiện tham gia học trực tuyến.
Sở đã chỉ đạo các đơn vị khẩn trường rà soát và có giải pháp vận động, kêu gọi hỗ trợ các em không đủ điều kiện tham gia lớp học.
Trao đổi với Báo GD&TĐ cô Huỳnh Thị Kim Chi, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường THCS - THPT Thạnh Thắng (huyện Vĩnh Thạnh) chia sẻ: "Đây là việc làm nhân văn và vô cùng ý nghĩa. Hi vọng rằng việc làm này lan tỏa ra toàn xã hội. Người đầy đủ sẽ hỗ trợ giúp đỡ người thiếu cũng như người khó khăn. Một lần nữa sẽ gợi nhớ lại tinh thần của người hậu phương hỗ trợ cho người tuyến đầu chống dịch. Mong dịch bệnh sẽ nhanh chóng đi qua, kinh tế xã hội phát triển hơn, và đặc biệt là việc học tập của các em học sinh sẽ không bị gián đoạn.
Đây là việc làm tuy nhỏ nhưng góp phần lan tỏa thông điệp đầy ý nghĩa, cũng như tiếp tục viết tiếp truyền thống của cha ông về tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách".
Ủng hộ chương trình “Sóng và máy tính cho em”, cô Phạm Thị Lệ Thủy, Tổ trưởng tổ Ngữ văn Trường THCS - THPT Thạnh Thắng, khẳng định đây chính là hành động “tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách” điển hình, nguồn động lực hết sức lớn lao.
Trường Tiến
Đà Nẵng: Khoảng 7 nghìn học sinh không đủ điều kiện học trực tuyến
Ánh Ngọc
Yên Bái: Nhiều vùng gặp khó do hạ tầng công nghệ hạn chế
Dự Lễ phát động tại điểm cầu tỉnh Yên Bái có ông Trần Huy Tuấn – Chủ tịch UBND tỉnh; bà Vũ Thị Hiền Hạnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh cùng đại diện lãnh đạo một số, ngành và doanh nghiệp trong tỉnh.
Ở những đợt dịch trước, ngành GD&ĐT Yên Bái triển khai dạy học qua ba hình thức: trực tuyến, hướng dẫn học trên truyền hình và giao bài tập cho học sinh. Ở 3 hình thức này, toàn tỉnh có 75% học sinh tiểu học, 75,2% học sinh THCS, 98% học sinh THPT và 75,2% học viên GDTX được tham gia.
Tỉnh cũng đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị tại địa phương, hỗ trợ ngành giáo dục thực hiện đồng thời hai nhiệm vụ phòng, chống dịch và ôn luyện kiến thức cho học sinh.
Ở những nơi không thể áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến, giáo viên phải băng rừng, lội suối đưa bài tập đến từng học sinh rồi thu bài trực tiếp. Điều này đã khiến cho việc truyền thụ kiến thức gặp nhiều khó khăn trong điều kiện phòng dịch nghiêm ngặt.
Lãnh đạo Sở GD&ĐT Yên Bái cho biết, hình thức dạy học qua Intenet còn khá mới với số đông giáo viên, học sinh, nên ở giai đoạn trước, việc tiếp cận với các phần mềm dạy học trong thời gian ngắn có sự lúng túng. Yên Bái là tỉnh miền núi, điều kiện về hạ tầng công nghệ, kết nối mạng không ổn định, tốc độ chậm, bị gián đoạn, đường truyền còn gặp tình trạng quá tải vào giờ cao điểm… ảnh hưởng đến quá trình tổ chức dạy học.
Tại một số thôn bản vùng cao không có điện lưới, chưa được phủ sóng nên việc triển khai dạy học trực tuyến, qua truyền hình còn gặp khó khăn do học sinh không có đủ thiết bị để học tập. Vì thế, địa phương này rất cần có những hỗ trợ phù hợp.
Ngọc Diệp
Khoảng 1,5 triệu học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 16h ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang dạy học trực tuyến (có một số tỉnh chỉ học trực tuyến ở một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến). Tổng số học sinh đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 (7,35 triệu học sinh các cấp). Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến và cần được hỗ trợ, ước tính khoảng 1.500.000 (1,5 triệu học sinh).
Kim Thoa
Vĩnh Phúc: Sẵn sàng chuyển đổi học trực tuyến
Dự lễ có ông Vũ Việt Văn – Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; ông Nguyễn Văn Huyến – Giám đốc Sở GD&ĐT; ông Nguyễn Bá Hiến – Giám đốc Sở TT&TT.
Cùng dự còn có lãnh đạo Hội – Quỹ Khuyến học tỉnh Vĩnh Phúc; đại diện lãnh đạo UBND các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Hiện nay, các nhà trường tại Vĩnh Phúc triển khai dạy học trực tiếp. Tuy nhiên, Sở GD&ĐT cùng các nhà trường đã có sự chuẩn bị, sẵn sàng các điều kiện để chuyển đổi sang dạy trực tuyến khi tình hình dịch bệnh Covid-19 trên đại bàn tỉnh có diễn biến phức tạp.
Theo báo cáo của Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc, trong năm học 2020-2021, Sở đã hướng dẫn các nhà trường phân công nhiệm vụ đối với các tổ chức đoàn thể, tổ chuyên môn và giáo viên trong việc tổ chức dạy học trực tuyến. Trong đó, chú trọng vai trò của nhà trường, của tổ chuyên môn trong công tác giám sát, kiểm tra, dự giờ, sinh hoạt chuyên môn để kịp thời điều chỉnh, đảm bảo chất lượng, hiệu quả.
Kết quả rà soát điều kiện đáp ứng dạy học trực tuyến, học qua truyền hình của Vĩnh Phúc cho thấy, đối với khối THPT tỷ lệ học sinh có máy tính xách tay, máy tính bảng, điện thoại thông minh đạt 99,9%. Khối THCS đạt 95,7%. Khối Tiểu học đạt 92,3%.
Đối với học sinh không có điều kiện tiếp cận học trực tuyến, học trên truyền hình, Sở GD&ĐT Vĩnh Phúc chỉ đạo các nhà trường giao nhiệm vụ cho các tổ chuyên môn phát triển kho video bài dạy minh họa, kho học liệu điện tử, ngân hàng đề kiểm tra đánh giá. Đồng thời, lựa chọn giáo viên giỏi các môn học, hoạt động giáo dục để tổ chức xây dựng các video bài giảng để hỗ trợ trực tiếp cho học sinh.
Trần Văn Long
Lai Châu: Nhiều trường vùng cao thiếu thiết bị triển khai dạy học trực tuyến
Tại điểm cầu Lai Châu có đồng chí Sùng A Hồ, Ủy viên Ban thường vụ Tỉnh ủy – Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam tỉnh Lai Châu; đồng chí Hà Trọng Hải - Phó chủ tịch UBND tỉnh; và đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban ngành và công ty, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Những năm qua, ngành GD&ĐT Lai Châu đã đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông ti trong đổi mới nội dung, phương pháp dạy - học, kiểm tra, đánh giá, nghiên cứu khoa học và công tác quản lý nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý và chất lượng giáo dục.
Đến nay, 100% các đơn vị có đầy đủ hệ thống máy tính kết nối mạng LAN, mạng Internet, website sử dụng các phần mềm ứng dụng. 100% các trường vùng thuận lợi, đủ điều kiện tổ chức dạy học trực tuyến trên internet, dạy học qua truyền hình.
Tuy nhiên, mới chỉ có 132/347 trường học có phòng máy tính phục vụ giảng dạy môn ngoại ngữ, tin học, đạt tỷ lệ 38,04%. Nhiều trường học vùng cao, vùng khó khăn và đặc biệt khó khăn còn thiếu thiết bị triển khai dạy học trực tuyến.
Đến nay, mạng thông tin di động được phủ sóng tại tất cả các huyện, xã, phường, thành phố trên địa bàn toàn tỉnh Lai Châu. 100% các xã có cáp quang và 99,1% xã có internet băng rộng. Phủ sóng điện thoại di động đến 100% xã. Toàn tỉnh mới chỉ có 205.294 thuê bao điện thoại sử dụng smartphone, đạt 48,1% dân số.
Hà Thuận
Thừa Thiên Huế: Yêu cầu dạy trực tuyến theo hướng bền vững, nền nếp và khoa học
Dự lễ có ông Nguyễn Thanh Bình - Phó chủ tịch UBND tỉnh; ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc Sở TT&TT; ông Nguyễn Tân, Giám đốc Sở GD&ĐT.
Cùng dự buổi lễ còn có đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh; Hiệp hội Doanh nghiệp trẻ tỉnh Thừa Thiên Huế và đại diện VNPT tỉnh.
Theo Sở GD&ĐT Thừa Thiên Huế, toàn tỉnh hiện có 570 trường mầm non và phổ thông (204 trường mầm non, 196 trường Tiểu học, 112 trường THCS, 20 trường TH&THCS, 36 trường THPT, 1 THCS&THPT, 1 trường TH, THCS và THPT); 9 trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên cấp huyện và 1 trung tâm Giáo dục thường xuyên cấp tỉnh.
Để đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19, Sở đã hướng dẫn các đơn vị, trường học, cơ sở giáo dục trên địa bàn chủ động xây dựng các phương án tổ chức dạy học phù hợp với điều kiện thực tế của từng địa phương.
Cụ thể, nhiều trường đã triển khai các phần mềm, ứng dụng đã được Sở Giáo dục và Đào tạo tập huấn, trên cơ sở đó, căn cứ tình hình thực tế, các nhà trường linh hoạt tổ chức theo hình thức tăng cường tương tác giữa người dạy và người học; có sự theo dõi giám sát của quản lí nhà trường; học sinh được theo dõi bài học đạt tỉ lệ cao.
Tuy vậy vẫn còn một số tồn tại, nhiều địa phương thuộc vùng khó khăn, phương tiện học tập của học sinh còn thiếu nhưng chưa có giải pháp; thực hiện giờ dạy học chưa hợp lí gây nên quá tải và tạo áp lực, khó khăn cho người học; việc thăm, theo dõi, động viên đội ngũ cơ sở giáo dục còn thiếu thường xuyên.
Qua đó, Sở yêu cầu các phòng giáo dục và đào tạo, các trường và trung tâm tăng cường công tác kiểm tra nắm tình hình, để kịp thời điều chỉnh, khắc phục bất cập, không ngừng khắc phục khó khăn, động viên giáo viên và học sinh. Bên cạnh đó, Sở yêu cầu các đơn vị cần phối hợp với phụ huynh học sinh thực hiện kế hoạch dạy học trực tuyến theo hướng bền vững, quy cũ, nề nếp và khoa học, hiệu quả.
Nhật Quỳnh
Sơn La: Gần 216 nghìn học sinh chưa đủ điều kiện học trực tuyến
Dự lễ phát động tại điểm cầu Sơn La có ông Nguyễn Hữu Đông – Bí thư Tỉnh ủy cùng đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở GD&ĐT và một số sở, ngành của tỉnh.
Qua khảo sát của Sở GD&ĐT Sơn La, toàn tỉnh hiện có 215.926 học sinh chưa đủ điều kiện học trực tuyến. Trong đó, 197.525 học sinh cần hỗ trợ thiết bị học tập. Cũng theo thống kê, rất nhiều học sinh đang gặp khó khăn do thiếu các thiết bị, đường truyền để học trực tuyến. Nhiều nhất ở bậc tiểu học với gần 115 nghìn em, THCS là hơn 69 nghìn học sinh và THPT là trên 11 nghìn em.
Theo tính toán của Sở GD&ĐT Sơn La, nếu triển khai cho học sinh đồng loạt học qua truyền hình sẽ có khoảng 70.000 học sinh không thể tiếp cận được vì gia đình không có ti vi. Bên cạnh đó, trên 111 nghìn gia đình dù có ti vi nhưng cũng không bắt được sóng Truyền hình Sơn La bởi các hộ sống rải rác ở khu vực núi cao, biên giới xa xôi.
PGS.TS Nguyễn Huy Hoàng - Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La cho biết, trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, địa phương vẫn quán triệt, thực hiện nghiêm túc phương châm: “Học sinh dừng đến trường, nhưng không dừng học”.
Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã xây dựng phương án sẵn sàng dạy học trực tuyến, trên truyền hình, giao bài trực tiếp. Kết hợp tăng cường hướng dẫn học sinh tự học trong trường hợp phải thực hiện cách ly xã hội.
Mai Phương
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Trong tháng 9 học sinh ở khu vực giãn cách xã hội sẽ có sóng
Phát biểu tại chương trình, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhắc lại cuộc điện thoại của Thủ tướng nói về ý nghĩa của Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Ngoài việc ưu tiên hỗ trợ máy tính, dịch vụ viễn thông đối với những học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn khi học trực tuyến, chương trình còn nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số.
Khi đại dịch Covid-19 xuất hiện, việc dạy – học phải chuyển sang hình thức trực tuyến. Tuy nhiên, nhiều học sinh không có máy tính, thiết bị để học. Chương trình đã huy động được 1 triệu máy tính bảng cho học sinh trong giai đoạn này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, “Sóng và máy tính cho em” là chương trình lớn, có liên quan đến học sinh toàn quốc. Một lời hiệu triệu cả triệu người theo. Chủ trương đúng đắn, nhân văn nên chỉ trong 5 ngày phát động, các cơ quan, doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân đã vào cuộc tích cực và có được sự kiện ngày hôm nay.
Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, chương trình gồm 3 phần: Sóng Internet, máy tính và giá cước viễn thông phù hợp.
“Sóng và máy tính cho em” sẽ thúc đẩy chuyển đổi số. Theo đó, ở các vùng quê, các em sẽ hỗ trợ bố mẹ làm quen với chuyển đổi số, mua bán bằng điện tử.
Trong tháng 9/2021 phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Phủ sóng hơn 1.900 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc, thời hạn hoàn thành trong năm 2021.
Chốt lại, Bộ trưởng nhấn mạnh: Cho đi là làm cho thế giới giàu có hơn.
Minh Phong
Khoảng 7,35 triệu học sinh các cấp đang học trực tuyến
Theo thống kê của Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT), tính đến ngày 12/9, trên cả nước có 26/63 tỉnh/thành phố đang tổ chức học trực tuyến (một số tỉnh chỉ học trực tuyến một số vùng, có tỉnh không giãn cách nhưng nguy cơ cao vẫn cho học trực tuyến).
Tổng số học sinh các cấp đang học trực tuyến ước khoảng 7.350.000 em.
Tổng số học sinh chưa có máy tính để học trực tuyến tại 26 tỉnh/thành phố đang học trực tuyến cần hỗ trợ ước khoảng 1,5 triệu em.
Ông Lê Hùng Anh – Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất (Bộ GD&ĐT) cho biết: Chương trình “Sóng và máy tính cho em” với mục tiêu hỗ trợ và cung cấp máy tính cho học sinh ở các vùng khó khăn, vùng thực hiện giãn cách xã hội không những giải quyết được vấn đề dạy học trực tuyến trước mắt mà lâu dài còn hỗ trợ cho các nhà trường chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo.
Chương trình“ Sóng và máy tính cho em” cũng hướng đến mục tiêu có sóng và có Internet đến các hộ gia đình, có máy tính cho các em học sinh, có giá cước phù hợp cho các hộ gia đình, nhất là các hộ nghèo. Chương trình sẽ đem đến sự đổi thay và một tương lai tốt hơn trong tương lai không xa.
Chương trình “Sóng và Máy tính cho em" có lộ trình cụ thể: Trong năm 2021 đảm bảo phủ sóng toàn bộ các điểm chưa kết nối Internet trên toàn quốc; Huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên nghèo; Miễn phí sử dụng các nền tảng dạy học trực tuyến; Miễn phí cước Internet di động, các nền tảng dạy, hỗ trợ gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin.
Trong năm 2022 – 2023, huy động mọi nguồn lực trong xã hội để học sinh nghèo có máy tính học trực tuyến.
Mới đây, Tổng công ty Bưu điện Việt Nam đã huy động được 10 nghìn máy tính từ cán bộ, công nhân viên. Mỗi người đã góp từ 1-5 ngày lương. Sắp tới, số máy tính trên sẽ chuyển tới tay các em học sinh nghèo khó khăn.
Đức Hạnh
Bộ Thông tin và Truyền thông: Trong năm 2021, phủ sóng toàn bộ hơn 1.900 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc
Trình bày, Kế hoạch phối hợp thực hiện Chương trình “Sóng và máy tính cho em” giữa Bộ GD&ĐT với Bộ Thông tin và Truyền thông; Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long cho biết: Nội dung chính của kế hoạch là: Trong tháng 9/2021, phủ sóng toàn bộ 283 điểm chưa có kết nối Internet di động tại các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến. Trong năm 2021, phủ sóng toàn bộ hơn 1.900 điểm chưa kết nối Internet di động trên toàn quốc.
Về hỗ trợ máy tính phục vụ học trực tuyến. Giai đoạn 1 (trong năm 2021): Huy động 1 triệu máy tính cho học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc; trước mắt ưu tiên cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và thực hiện học trực tuyến.
Giai đoạn 2 (từ năm 2022 - 2023): Tiếp tục phát động Chương trình để huy động mọi nguồn lực trong xã hội, hướng tới mục tiêu 100% học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo trên toàn quốc được trang bị máy tính để có thể thực hiện học trực tuyến.
Bên cạnh đó, một số hỗ trợ khác cho các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg và tổ chức dạy, học trực tuyến gồm: Miễn phí 100% việc sử dụng các nền tảng dạy, học trực tuyến Việt Nam đã được công bố;
Miễn phí 4Gb/ngày cho 1 triệu học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo khi được tặng máy tính trong thời gian 3 tháng để học tập trực tuyến;
Hỗ trợ các gói cước, hạ tầng công nghệ thông tin phục vụ việc dạy và học trực tuyến bao gồm: máy chủ, chỗ đặt máy chủ, đường truyền Internet bảo đảm việc dạy, học trực tuyến.
Minh Phong
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Chương trình "Sóng và máy tính cho em" sẽ lan toả tinh thần nhân ái, truyền đi năng lượng tích cực
Phát biểu tại Lễ phát động Chương trình "Sóng và máy tính cho em", Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, với ý chí và quyết tâm, chúng ta đang kiểm soát tốt dịch bệnh. Tại Hà Nội, với việc đẩy mạnh tiêm chủng cho nhân dân, cuộc sống đang dần ổn định và trở lại bình thường. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, nóng vội.
Nhấn mạnh, một trong những mục tiêu là sớm đưa cuộc sống trở lại bình thường, Thủ tướng chia sẻ, phải tăng cường tiêm phòng vắc-xin, đồng thời thúc đẩy sản xuất vắc-xin trong nước.
Công tác phòng, chống dịch đang được triển khai tích cực. Trong gian khó, tinh thần đoàn kết, đại đoàn kết lúc nào cũng được thể hiện rõ nét, nhất trong thời điểm hiện nay.
Chủ trương của Nhà nước là tiêm phòng miễn phí cho nhân dân. Quan điểm là lấy xã, phường, thị trấn là “pháo đài”, người dân là trung tâm, chủ thể để phòng, chống dịch. Chiến thắng dịch bệnh là chiến thắng của nhân dân.
Thủ tướng nhấn mạnh, cần quan tâm đến học sinh khó khăn, những nơi chưa có sóng. Tuy nhiên, nếu có sóng mà không có máy tính; hoặc có máy tính mà không có sóng thì cũng không học được.
Hiện, nhiều gia đình không có máy tính cho con học, nhiều nơi không có sóng để học sinh học tập. Đảng, Nhà nước hiểu rõ và chia sẻ với các gia đình, học sinh trong giai đoạn khó khăn này.
Hiện, Đảng, Nhà nước, các bộ ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp trước mắt và lâu dài để có thể mở cửa trường học an toàn cho học sinh. Quan điểm là an toàn mới mở cửa và học sinh đã đến trường là phải được an toàn.
Thủ tướng nhấn mạnh, sóng và máy tính là phương thức học tập mới, nhưng phù hợp với bối cảnh hiện nay, nhất là với học sinh có hoàn cảnh khó khăn, học sinh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa. Tuy nhiên, thực tế đòi hỏi các nhà giáo cần điều chỉnh phương pháp dạy học để học sinh tiếp thu kiến thức tốt nhất, đặc biệt là với học sinh lớp 1.
Chương trình "Sóng và máy tính cho em" do Chính phủ phát động có ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Ngoài việc hỗ trợ học sinh khó khăn về máy tính, chương trình còn tiến tới phủ sóng những nơi chưa có sóng, góp phần nâng cao dân trí, thúc đẩy chuyển đổi số. Thủ tướng lưu ý, các nhà trường, giáo viên, phụ huynh cần có giải pháp phù hợp để ngăn chặn thông tin xấu độc, làm ảnh hưởng đến học tập của học sinh.
Thủ tướng mong muốn, thông qua chương trình cần phát huy tinh thần “lá lành đùm lá rách”, “tương thân tương ái” và đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ trong mấy ngày, Chương trình đã huy động hàng triệu máy tính cho học sinh. Bộ Thông tin và Truyền thông đã chỉ đạo các công ty viễn thông giảm cước phí, phủ sóng vùng lõm.
Một trong những mục tiêu là mở cửa trường học an toàn để đón học sinh trở lại. Do đó, các địa phương, nhà trường phải xây dựng kịch bản phù hợp. Thời gian tới, sẽ xúc tiến để có thể tiêm vắc-xin phòng chống Covid-19 cho học sinh.
Thủ tướng mong muốn, Chương trình "Sóng và máy tính cho em" sẽ lan toả tinh thần nhân ái, truyền đi năng lượng tích cực, góp phần xây dựng xã hội tốt hơn trong kỷ nguyên số; để học sinh vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo… được tiếp cận giáo dục bình đẳng và những gì tốt đẹp nhất.
Minh Phong
Trao tặng máy tính cho Chương trình "Sóng và máy tính cho em"
Bộ Thông tin và Truyền thông trao tặng 400 nghìn máy tính;
Công đoàn Giáo dục Việt Nam trao tặng 200 nghìn máy tính;
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trao tặng 100 nghìn máy tính (từ đóng góp của nhiều ngân hàng);
Bộ Ngoại giao trao tặng 240 nghìn máy tính;
Uỷ ban Quản lý vốn Nhà nước trao tặng 250 nghìn máy tính;
9 tập đoàn, doanh nghiệp trao tặng hơn 10 nghìn máy tính;
Uỷ ban UNICEF tại Việt Nam ủng hộ 1.500 máy tính;
Nhiều UBND các tỉnh, thành cũng ủng hộ máy tính cho Chương trình.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thay mặt ngành Giáo dục nhận ủng hộ.
Đến thời điểm này, Chương trình đã tiếp nhận hơn 1 triệu máy tính, tương đương 2.350 tỉ đồng; Giá trị phủ sóng tương đương 3 nghìn tỉ đồng.
Kim Thoa
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT: Hỗ trợ học sinh lúc này là chăm lo cho thế hệ tương lai
Tại lễ phát động, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn gửi lời cảm ơn trân trọng đến Thủ tướng Chính phủ đã đặc biệt quan tâm tới giáo dục với nhiều chính sách cụ thể, đã ủng hộ cho chủ trương và trực tiếp tham dự chỉ đạo việc triển khai hoạt động ngày hôm nay.
Bộ trưởng cũng gửi lời cảm ơn tới Bộ Thông tin & Truyền thông đã hỗ trợ và đồng hành cùng ngành Giáo dục một cách cụ thể và thiết thực; cảm ơn Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), Đài Tiếng nói Việt Nam, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Ủy ban quản lý vốn nhà nước, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, cùng các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội, doanh nghiệp, tập thể và cá nhân đã chung tay cùng ngành Giáo dục.
Theo Bộ trưởng, hoạt động hỗ trợ, quyên góp, huy động “Sóng và máy tính cho em” là hoạt động thể hiện tinh thần nhân ái, đề cao giá trị tốt đẹp của người Việt Nam. Đây cũng chính là hành động mang tinh thần giáo dục sâu sắc về tình yêu thương và trách nhiệm xã hội cho tất cả học sinh.
Hỗ trợ hàng triệu học sinh lúc này là chăm lo cho cả một thế hệ, giảm bớt khó khăn và thiệt thòi cho các em hôm nay là chúng ta giảm bớt gánh nặng xã hội cho hàng chục năm về sau. Giúp các em học tập hôm nay là chăm lo cho tốc độ và chất lượng phát triển đất nước trong tương lai.
Đường truyền mạng, sóng và thiết bị máy tính cho các em là sự kết nối mang tính vật lý và cơ giới phục vụ học tập, nhưng cũng là sự kết nối bền chặt hơn giữa con người với con người, sự kết nối các vùng miền và kết nối hiện tại với tương lai.
Khẳng định tiếp thu và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ một cách đầy đủ, sâu sát, toàn diện, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cho biết sẽ phối hợp tốt với các bộ, ngành, địa phương để triển khai từng nội dung, nhiệm vụ; sẽ tiếp nhận, điều phối, sử dụng một cách hiệu quả, kịp thời, đúng đối tượng, công khai, minh bạch các nguồn hỗ trợ của các tập thể, cá nhân.
“Toàn thể thầy và trò ngành Giáo dục sẽ nỗ lực dạy thật tốt, học thật tốt để đáp lại tấm lòng của Thủ tướng và toàn thể xã hội” – Bộ trưởng khẳng định.
Nguyễn Nhung
Đại biểu tham dự Chương trình:
Tham dự buổi lễ có: Đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ chủ trì; Đồng chí Lê Minh Khái, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương; Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ban Cán sự đảng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ;
Đồng chí Nguyễn Thị Doan, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam; Đồng chí Đào Ngọc Dung, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội; Đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông; Đồng chí Trần Văn Sơn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; Đồng chí Nguyễn Kim Sơn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo; Đồng chí Hồ Đức Phớc, Bộ trưởng Bộ Tài chính;
Đồng chí Nguyễn Thị Hồng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự đảng, Bí thư Đảng ủy, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Hoàng Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp; Đồng chí Lê Ngọc Quang, Uỷ viên Trung ương Đảng, Tổng Giám đốc Đài truyền hình Việt Nam; Đồng chí Nguyễn Anh Tuấn, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh. Cùng đại diện một số Bộ; Đại diện một số doanh nghiệp tài trợ; Điểm cầu địa phương do Lãnh đạo tỉnh chủ trì.
Kim Thoa