(GD&TĐ)- Sáng nay (17/3), tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT đã tổ chức khai mạc Hội thi khoa học và kỹ thuật (Intel ViSEF) cấp quốc gia dành cho học sinh Trung học với sự tham gia của 26 đề tài xuất sắc nhất của Tp.Hà Nội và Hồ Chí Minh.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển - Trưởng Ban tổ chức hội thi cấp quốc gia; Chủ tịch Công đoàn GDVN đã dự buổi khai mạc.
Học sinh trường THPT Trần Phú trình bày ý tưởng tại hội thi. Ảnh, gdtd.vn |
Hội thi Intel ViSEF nhằm thúc đẩy việc thực hành nghiên cứu khoa học trong học sinh cấp Trung học, tạo sân chơi bổ ích cho học sinh, khuyến khích học sinh vận dụng những kiến thức đã học và giải quyết những vấn đề thực tiễn cuộc sống, tạo cơ hội cho học sinh chia sẻ các ý tưởng khoa học với bạn bè trong và ngoài nước, góp phần đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học trong học sinh các trường phổ thông và giáo dục toàn diện học sinh phổ thông, mở ra cơ hội cho học sinh tiếp cận với thế giới khoa học vô cùng phong phú và góp phần đổi mới phương pháp dạy học trong các trường phổ thông, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.
Năm 2012 là năm thứ 63 Hiệp hội Khoa học và cộng đồng (Society for Science & Public) tổ chức "hội thi Khoa học và kỹ thuật quốc tế" tại Pennsylvania, Hoa Kỳ từ 13-18/5 do Intel tài trợ chính thức.
Đến lúc hướng học sinh phổ thông vào mục tiên nghiên cứu khoa học
Phát biểu tại hội thi, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhận định, mục tiêu giáo dục của các nền giáo dục tiên tiến trên thế giới hiện nay đã thay đổi theo hướng: học sinh học được gì và làm được gì sau khi học; giáo viên là người gợi mở những vấn đề, việc làm cụ thể trong cuộc sống để học sinh nhận thức và giải quyết các vấn đề này bằng những kiến thức từ trường học; nhằm giúp học sinh, những người làm chủ tương lai, tự giác, làm chủ được bản thân, nhận thức được tự nhiên và xã hội, tự giải quyết các vấn đề gặp phải trong cuộc sống.
Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu tại hội thi. Ảnh, gdtd.vn |
Thứ trưởng khẳng định, hiện nay đã hội đủ các điều kiện để tổ chức cho học sinh phổ thông học tập, nghiên cứu khoa học: đội ngũ giáo viên phổ thông trên cả nước ngày càng giỏi và năng động; học sinh tiếp nhận thông tin ngày càng phong phú và đa dạng, nhiều chiều thông qua các kênh truyền thông, nhận thức của các em ngày càng nhanh hơn, nhạy bén hơn. Do vậy giáo viên phải hướng học vào các mục tiêu học tập và nghiên cứu ngay từ trung học.
Trên thực tế, trong Hội thi Sáng tạo Kỹ thuật Toàn quốc (Vifotec) vừa qua, nhiều học sinh nhỏ tuổi đã đạt được các giải lớn. Điều đó khẳng định hoàn toàn có thể tổ chức các giải khoa học kĩ thuật dành cho các học sinh phổ thông.
Hiện nay, Bộ GD-ĐT đã và đang có nhiều phương pháp dạy học mới khuyến khích học sinh tự học tập, nghiên cứu, sáng tạo như “bàn tay nặn bột”. Đồng thời Bộ đang triển khai đổi mới phương pháp dạy học trong các trường phổ thông, trong đó khuyến khích các phương pháp truyền đạt kiến thức mới, khoa học và hiệu quả của giáo viên nhằm nâng cao nhận thức tự nhiên, xã hội của học sinh thông qua bài giảng.
Cho rằng, cuộc thi lần sẽ rút ra được nhiều kinh nghiệm cho các lần tổ chức tiếp theo. Tiêu chí mấu chốt và quan trọng nhất trong cuộc thi là chọn ra được ý tưởng sáng tạo độc đáo và nguyên tắc làm việc khoa học thực sự, thể hiện qua sảm phẩm của học sinh. Đồng thời, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển hy vọng, các thành viên BTC cuộc thi công tâm lựa chọn trúng và đúng các giải thưởng có giá trị khoa học thực để mang đi dự Intel ViSEF quốc tế.
Nhà trường nên có góc sáng tạo khoa học cho học sinh
Tại hội thi, các ý tưởng, đề tài khoa học, kỹ thuật đã được học sinh trình bày và nhận được những ý kiến góp ý, động viên từ phía BTC hội thi Intel ViSEF cũng như các nhà khoa học tại hội thi.
Các gian trưng bày các sản phẩm sáng tạo khoa học kỹ thuật của học sinh tại hội thi. Ảnh, gdtd.vn |
Độc đáo từ ý tưởng dùng âm thanh để kích thích ham muốn học toán cho người dùng, các học sinh Lê Minh Thi, Nguyễn Quang Hiếu trường THPT Trần Phú mong muốn đưa âm thanh vào các thiết bị ứng dụng toán học cầm tay như máy tính cá nhân, máy tính bảng để các em nhỏ, học sinh thích học toán hơn và người đi chợ, nhân viên thu ngân... tính toán hiệu quả hơn (không bị nhầm lẫn). Hai bạn cho biết, ý tưởng của các em nếu có điều kiện triển khai, ứng dụng sẽ đưa vào các ứng dụng lớn hơn như các phần mềm máy tính để người sử dụng các thuật toán toán học tính toán hiệu quả hơn trong công việc.
Em Chu Quang Khánh, chủ nhân của sản phẩm đèn bàn tự động cho biết: xuất phát từ việc học hành của bản thân cùng các bạn học sinh phổ thông và thói quen của công chức văn phòng, nhóm học sinh trường THPT Sơn Tây đã làm ra chiếc đèn bàn học tự bật và tắt khi có người và không có người ngồi vào làm việc.
Khánh cho biết, chiếc đèn hoạt động theo cơ chế của tia hồng ngoại, nó còn có còi báo thức cho những người làm việc ngủ gật trên bàn.
Em Nguyễn Hương Mai (trường THPT Việt Đức), đồng tác giả của công trình sản xuất pin từ củ khoai tây cho biết, hiện nay điện rất thiếu thốn và giá cao. Nhờ những chuyến tình nguyện ở các vùng quê miền núi, em thấy các nông sản phế phẩm rất nhiều nên em đã nảy ra ý tưởng dùng các củ khoai sản xuất ra dòng điện. Điện từ củ khoai sẽ chạy được đèn led chiếu sáng, đèn bàn học, máy tính bảng, máy tính cá nhân. Các phế phẩm sau khi sử dụng sẽ được tận dụng làm phân bón.
Thầy Nguyễn Quốc Bình, Hiệu trưởng trường THPT Việt Đức, nơi được chọn tổ chức hội thi nhận định, từ ý tưởng khoa học kỹ thuật của học sinh đến thực tế cần có nhiều điều kiện khác nhau để đi đến sản phẩm. Song các hội thi sẽ là bước đầu khẳng định và ghi nhận thành quả lao động khoa học hăng say của học sinh. Điều này có tác dụng động viên khuyến khích rất lớn đối với các em, đồng thời khích lệ các học sinh khác cũng như phong trào nghiên cứu, sáng tạo khao học trong các trương phổ thông phát triển.
Do vậy, thầy Bình cho rằng, các nhà trường nên có góc sáng tạo gần gũi với học sinh để tạo sân chơi khoa học cho các em. Bên cạnh đó, giáo viên nhà trường, là người hướng dẫn, cũng là người kết nối học sinh với các nhà khoa học hướng dẫn giúp các em triển khai ý tưởng. Đồng thời cũng đặt ra cho giáo viên yêu cầu phải đổi mới phương pháp dạy học, truyền đạt kiến thức để học sinh sáng tạo hơn trong học tập.
Ứng dựng nuôi tảo của nhóm học sinh THPT VIệt Đức. Ảnh, gdtd.vn |
Thăm quan gian sản phẩm sáng tạo. Ảnh, gdtd.vn |
Sản xuất điện từ khoai tây của trường học sinh THPT Việt Đức. Ảnh, gdtd.vn |
Em Nguyễn Hương Mai (THPT Việt Đức) trình bày ý tưởng sản xuất điện từ khoai tây. Ảnh, gdtd.vn |
Em Chu Quang Khánh (THPT Sơn Tây) đang cùng nhóm sáng tạo trình bày ý tưởng đèn bàn thông minh. Ảnh, gdtd.vn |
Một ý tưởng ứng dụng về lgiảm thiểu khí thải giao thông của trường HS THPT Thăng Long. Ảnh, gdtd.vn |