Đề tài này cũng giúp nhóm lọt vòng chung kết toàn quốc tại “Cuộc thi học sinh, sinh viên với ý tưởng khởi nghiệp năm 2020 (SV Startup 2020)”.
Biến cây bìm bịp thành… thực phẩm chức năng
Võ Thị Phương Thảo – một trong 2 học sinh (HS) đưa ra ý tưởng cho đề tài nghiên cứu khoa học chia sẻ: Cây bìm bịp còn được gọi với tên khác là cây mảnh cọng, xương khỉ, mọc hoang nhiều ở nơi có khí hậu nhiệt đới. Theo kinh nghiệm dân gian, cây có tác dụng mát gan, lợi mật, chữa vàng da, lở loét, đau nhức xương khớp…
Cũng có những đồn đại khi chân con bìm bịp non hay con khỉ non bị gãy, mẹ của chúng mang lá cây bìm bịp về chữa trị gãy xương vô cùng hiệu quả. Từ đó, cây này được gọi tên là cây bìm bịp, hay cây xương khỉ.
Mặt khác, người dân vùng rừng quốc gia Cúc Phương (Ninh Bình) khi phát hiện ung thư thường dùng cây này để sắc uống và thấy bệnh thuyên giảm và kéo dài thêm sự sống...
Tuy nhiên, đó chỉ là kinh nghiệm dân gian, chưa có bằng chứng khoa học xác thực, câu hỏi đặt ra cho Võ Thị Phương Thảo và Quách Uyên Uyên (2 HS đưa ra ý tưởng và phát triển đề tài từ ban đầu) là tại sao cây bìm bịp lại được dân gian sử dụng để chữa nhiều bệnh như vậy? Phải chăng trong lá cây bìm bịp có chứa những hoạt chất chống oxy hoá, kích thích hệ miễn dịch và ức chế các dòng tế bào ung thư? Những nghiên cứu trước đây về cây bìm bịp đã thực hiện đến đâu?…
Để trả lời những câu hỏi này, 2 HS đã đặt ra vấn đề nghiên cứu cùng nhà trường và được chấp nhận để cô giáo dạy Sinh học - Trần Thị Thu Thảo hướng dẫn.
3 cô trò đã tìm tòi tài liệu nghiên cứu trước đó, kết hợp với khám phá những tiềm năng chưa được phát hiện của cây bìm bịp bằng cách dựa trên cơ sở phân tích khả năng chống oxy hoá tế bào chất đối với các gốc tự do...
Với nghiên cứu này nhóm nghiên mong muốn góp một phần trí tuệ, công sức cùng các nhà khoa học tìm ra liệu pháp mới nhanh chóng đẩy lùi bệnh ung thư.
Vượt lên thử thách
Trước khi phát triển thành sản phẩm: “Thực phẩm chức năng ức chế tế bào ung thư Mộc miễn khang”, dự án có tên gọi “Nghiên cứu tác dụng chống oxy hóa, kích thích hệ miễn dịch và ức chế tế bào ung thư của dịch chiết từ lá cây bìm bịp” đã đoạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật (KHKT) dành cho HS trung học tỉnh Ninh Bình năm học 2019 - 2020 và được chọn là 1 trong 2 sản phẩm đại diện tham gia Cuộc thi KHKT dành cho HS trung học cấp quốc gia và đoạt giải Tư toàn quốc.
Tuy nhiên, chưa thỏa mãn với vị trí tại 2 cuộc thi này, đồng thời nhìn thấy nhiều tiềm năng của sản phẩm, nhóm nghiên cứu tiếp tục hoàn thiện sản phẩm ở cấp độ cao hơn với tên gọi: “Thực phẩm chức năng ức chế tế bào ung thư Mộc miễn khang”.
Nhớ lại những ngày đồng hành cùng HS để biến ý tưởng thành sản phẩm, cô Trần Thị Thu Thảo chia sẻ: NCKH ở trường miền núi còn nhiều khó khăn mà đề tài lại đòi hỏi những đồ dùng thiết bị thí nghiệm khoa học hiện đại nên suốt quá trình nghiên cứu, cô trò nhiều lần “lặn lội” lên Hà Nội để nhờ sự hỗ trợ thiết bị nghiên cứu của Viện Khoa học công nghệ, Bệnh viện Vinmec. Tìm gặp những GS, chuyên gia… về y dược để học hỏi và nhờ hướng dẫn thêm.
Đặc biệt, quá trình nghiên cứu và hoàn thành sản phẩm tham gia các cuộc thi cũng song hành quá trình dạy và học của GV, HS trên trường lớp nên cô trò gần như “căng mình” để hoàn tất.
Cô Trần Thị Thu Thảo cũng bày tỏ sự lạc quan: Sản phẩm đã được các chuyên gia ngành Y dược đánh giá cao về chất lượng, có triển vọng khi đưa ra thị trường. Mặt khác, đây là loại cây dễ trồng, dễ kiếm trong tự nhiên tại Việt Nam nên khi chế biến thành sản phẩm giá thành sẽ không đắt. Người lao động thu nhập trung bình cũng có cơ hội sử dụng sản phẩm để phòng chống bệnh, nâng cao sức khỏe.
Em Võ Thị Phương Thảo cho biết: Quá trình nghiên cứu và phát triển ý tưởng thành sản phẩm nhóm trải qua không ít thử thách. Là đề tài nghiên cứu lớn, khối lượng kiến thức đồ sộ so với hiểu biết của HS THPT nên tất cả phải nỗ lực hết mình. Nhiều lúc cả nhóm tưởng như thất bại khi thí nghiệm cho ra kết quả không như mong muốn, phải tiến hành lại nhiều lần. Thậm chí, giữa GV hướng dẫn và học trò có sự “lệch pha” trong đánh giá, kết luận, tranh luận gay gắt về kết quả… Tuy nhiên, cuối cùng nhóm cũng hoàn thành sản phẩm.
Theo thầy Quách Đức Hiển – Hiệu trưởng Trường THPT Nho Quan A: Điều kiện cơ sở vật chất của nhà trường còn khó khăn nhưng luôn khuyến khích và tạo điều kiện để HS đưa ra ý tưởng, biến ý tưởng thành hiện thực.
Thành công của nhóm HS nghiên cứu sản phẩm “Thực phẩm chức năng ức chế tế bào ung thư Mộc miễn khang” không chỉ là niềm vui, tự hào của nhà trường mà hơn thế đã tác động tích cực, thúc đẩy hoạt động HS NCKH.
Mặt khác, HS và GV có thêm cơ hội vận dụng kiến thức đã học để giải quyết các vấn đề cuộc sống, hình thành ý tưởng khởi nghiệp ngay từ khi ngồi trên ghế nhà trường.