Học sinh nghiên cứu giải pháp cải thiện chứng hay quên

GD&TĐ - Xuất phát từ bản thân và một số bạn bè có chứng hay quên trong học tập, sinh hoạt, hai nữ sinh Phan Thùy Phương Thảo và Nguyễn Ngọc Anh Thư (Lớp 12D2, Trường THPT Gia Định, TP.HCM) đã bắt tay vào thực hiện đề tài NCKH có tên “Chứng hay quên của học sinh THPT tại TP.HCM”. 

Em Phan Thùy Phương Thảo và Nguyễn Ngọc Anh Thư trong niềm vui nhận giải Nhì tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2019 - 2019. Ảnh: TG
Em Phan Thùy Phương Thảo và Nguyễn Ngọc Anh Thư trong niềm vui nhận giải Nhì tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2019 - 2019. Ảnh: TG

Sau nửa năm thực hiện, hai em đã đưa ra những giải pháp thiết thực và xuất sắc giành giải Nhì tại Cuộc thi KHKT cấp quốc gia dành cho HS trung học năm học 2018 - 2019 khu vực phía Nam.

Biến ý tưởng thành hiện thực

Sau khi hình thành ý tưởng, Anh Thư đã tìm hiểu tcác nguồn thông tin bài báo quốc tế và nhận ra rằng người mắc chứng hay quên đang có nguy cơ trẻ hóa, đôi bạn bắt tay vạch kế hoạch cho dự án “Chứng hay quên của HS THPT tại TP.HCM”.

“Đó là khoảng tháng 9/2018, với sự hướng dẫn của cô giáo Ngữ văn Ngô Hồ Minh Ngọc, em và Anh Thư bắt đầu phân công công việc để biến ý tưởng thành dự án NCKH với những giải pháp hữu ích. Tổng thời gian thực hiện chúng em chia thành các giai đoạn để thi cấp trường, cấp TP và cấp quốc gia, tổng cộng khoảng 6 tháng”, Phương Thảo nói.

Chia sẻ về quá trình thực hiện, Phương Thảo cho biết, việc tìm nguồn thông tin, các cơ sở để hoàn thiện phần cơ sở lý luận cho đề tài đã khiến các em mất nhiều thời gian.

Bên cạnh đó, theo cách hiểu, suy nghĩ của mọi người, chứng hay quên chủ yếu xuất hiện ở những người lớn tuổi nên việc tìm cơ sở lý thuyết cho đề tài cũng không phải là dễ dàng.

“Chúng em đã đọc rất nhiều tài liệu, các bài báo quốc tế uy tín trên trang thư viện Y khoa hoàng gia Hoa Kỳ. Đọc, tìm hiểu các luận văn thạc sĩ, TS trong nước nói về vấn đề này để đưa ra cơ sở lý luận cho đề tài của mình. Và sau khi hoàn thiện phần lý thuyết chúng em bắt đầu giai đoạn tiếp theo như thực hiện phiếu điều tra, thực trạng, giải pháp…”.

Theo đó, đôi bạn đã cùng nhau thực hiện phiếu điều tra với 5.803 HS của 29 trường THPT trên địa bàn TP bằng cách khảo sát trực tuyến. Sau khi xử lý phiếu trả lời, các em đã cho ra những số liệu: Có 15,8% HS trả lời quên trên 5 lần/ngày; 35,3% HS quên từ 3 - 5 lần/ngày và số còn lại là quên 1 - 2 lần hoặc không quên lần nào trong ngày.

Từ số liệu có được, các em đã bàn bạc và tìm ra giải pháp để khắc phục chứng hay quên, đồng thời chọn 10 bạn HS có số lần quên trên 5 lần/ngày để làm đối tượng thực nghiệm cho các giải pháp. Qua thực hiện giải pháp khoảng thời gian ngắn sự cải thiện về trí nhớ của các bạn HS đã cải thiện được khoảng 20%.

Các em đã đưa ra 5 nhóm giải pháp gồm: Xây dựng website Mind your Mind nhằm tổng hợp các bài viết giúp HS có được phương pháp luyện tập hiệu quả để cải thiện trí nhớ; Cẩm nang truyện tranh “Trí nhớ chân kinh” được trình bày dưới dạng truyện tranh vui nhộn, dễ hiểu do các em tự vẽ, lên ý tưởng.

Mô hình trò chơi “Cỗ máy trí nhớ” giúp các bạn HS rèn luyện trí nhớ thông qua các trò chơi hữu ích và giải pháp Bảng theo dõi “Hành trình ghi nhớ” được thiết kế theo dạng nhật kí gồm các câu hỏi gợi nhắc trong và cuối ngày, giúp HS tự đánh giá và theo dõi tình trạng trí nhớ của mình.

Học sinh nghiên cứu giải pháp cải thiện chứng hay quên ảnh 1
  • Hai HS Phương Thảo và Anh Thư cùng cô giáo hướng dẫn nghiên cứu Ngô Hồ Minh Ngọc. Ảnh: TG.

Đam mê là sẽ đi tới cùng…

Phương Thảo và Anh Thư kể, nhận được giải Nhì cấp quốc gia khu vực phía Nam, các em đã bật khóc ngay trên sân khấu, đó là niềm vinh dự rất lớn cho lần đầu tiên hai bạn tham gia cuộc thi NKCH, đồng thời đó cũng là động lực để các em tiếp tục nuôi dưỡng niềm đam mê NCKH của mình ở cấp học cao hơn trong thời gian tới.

“Trước khi tham gia cuộc thi, chúng em không hề nghĩ đến phần thưởng, mà chỉ muốn thể hiện sự yêu thích của mình với NCKH, thích khám phá những điều mới mẻ, vượt qua giới hạn của bản thân”.

Bên cạnh thể hiện niềm đam mê NCKH, Anh Thư cho rằng, cuộc thi NCKH thực sự rất bổ ích cho lứa tuổi HS, không chỉ giúp em và các bạn trau dồi thêm nhiều kỹ năng xã hội, vận dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn mà còn được gặp gỡ, giao lưu, trao đổi nhiều vấn đề liên quan đến chuyện học tập, NCKH với các bạn cùng trang lứa.

 

Phương Thảo và Anh Thư rất có năng lực, sáng tạo và luôn chủ động, tích cực trong quá trình thực hiện đề tài của mình. Suốt chặng đường thực hiện cũng có những khó khăn nhưng các em luôn tự tin và nỗ lực theo đuổi mục tiêu đến cùng. Điều này khiến tôi rất hãnh diện về học trò của mình, các em đã trưởng thành hơn và có niềm say mê với NCKH. Đây là tiền đề rất tốt để các em tiếp tục bắt tay vào những đề tài lớn hơn trong tương lai.  

Cô Ngô Hồ Minh Ngọc, giáo viên hướng dẫn đề tài

“Chúng em hiểu được quy trình NCKH, phương pháp NCKH… cũng như hiểu được những khó khăn sẽ gặp phải, từ đó tìm hướng đi tốt nhất cho đề tài NC của mình.

Ngoài ra, với em việc chọn người bạn đồng hành cũng rất quan trọng, vì nếu có chung một niềm yêu thích, chung một chí hướng thì trong quá trình NCKH sẽ thuận lợi, hiểu nhau và phân công công việc phù hợp”, Anh Thư cho biết.

Trưởng thành từ Trường Gia Định, ngôi trường được xếp vào top đầu của TPHCM về sân chơi KHKT dành cho HS với quy mô cả về chất lượng lẫn số lượng, theo Phương Thảo và Anh Thư, các anh chị đi trước đã lan tỏa niềm yêu thích NCKH cho các em qua những buổi chuyên đề, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm NCKH cũng như thông qua cuộc thi KHKT cấp trường được tổ chức thường niên từ nhiều năm nay.

Ngoài ra, ba mẹ, thầy cô, nhà trường cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho các em trong quá trình nghiên cứu. Bên cạnh đó, để hoàn thành đề tài, các em vừa phải bảo đảm việc học tập trên lớp vừa sắp xếp thời gian hợp lý dành ra ngày thứ Bảy, Chủ nhật, những ngày nghỉ lễ để cùng nghiên cứu, tổng hợp số liệu, xây dựng giải pháp

Nói về những dự định trong tương lai, Phương Thảo, Anh Thư cho biết thêm, các em rất muốn phát triển đề tài này ở những đối tượng khác nhau, lứa tuổi khác nhau để tiếp tục góp phần tìm ra những giải pháp hữu ích giúp đỡ những ai mắc chứng hay quên cải thiện trí nhớ của mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Đôi dép lốp của ông

Đôi dép lốp của ông

GD&TĐ - Hồi bé, tớ hay được sang nhà ông bà ngoại chơi (vì nhà ông bà ở ngay gần nhà), tớ thấy ông ngoại có đôi dép trông rất lạ, màu đen, hơi cũ, cổ xưa.