Đặc biệt, có những đề tài có tính ứng dụng cao trong việc bảo vệ môi trường. Theo lãnh đạo Sở GD&ĐT TPHCM, các đề tài NCKH của HS không chỉ thổi bùng ngọn lửa đam mê NCKH mà còn hình thành nên ý thức có trách nhiệm hơn với cộng đồng, xã hội về những vấn đề liên quan đến môi trường sống xung quanh…
Ý tưởng đề tài rất gần với học sinh
Thầy Phạm Ngọc Tiến - Phó Trưởng phòng Trung học Sở GD&ĐT TPHCM - cho biết: 5 năm học vừa qua, Sở GD&ĐT tổ chức cuộc thi NCKH cho HS phổ thông đã khơi dậy một phong trào NCKH sâu rộng trên địa bàn.
Điều này thể hiện qua số lượng đề tài của HS đăng kí cuộc thi cấp thành tăng nhanh, năm học đầu tiên (2011 - 2012), chỉ có 47 đề tài đến năm 2014 vừa qua có 295 đề tài thi cấp thành.
Trong đó có khoảng hơn 40% đề tài các em chọn liên quan đến môi trường, nguồn nước, các ý tưởng của những đề tài này rất gần gũi với các em.
Đánh giá chung về các đề tài NCKH của các em HS, thầy Tiến nhận xét: Đề tài của các em tuy còn có một số hạn chế về kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn nhưng bù lại, các em lại nhiệt huyết, say mê, táo bạo trong suy nghĩ, hành động.
Từ những vấn đề được nghiên cứu, được xới lên, các em đã cố gắng tìm hướng đi mới, tránh lối mòn trong NCKH. Điều này cũng đáp ứng thực hiện mục tiêu đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, nhà trường phổ thông sẽ đẩy mạnh việc dạy và học theo hướng sáng tạo, nghiên cứu KHKT, vận dụng những kiến thức đã học vào thực tiễn cuộc sống.
Một trong những đề tài đạt giải cao tại cuộc thi NCKH cấp TP năm 2014 là Phương pháp mới xử lý hiệu quả nước thải dệt nhuộm của nhóm HS Trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú).
Chia sẻ về lý do chọn đề tài, Lê Thị Tuyết Mai và Nguyễn Thanh Hùng - 2 HS tham gia nghiên cứu cho biết: Hiện chúng em đang sống tại khu vực Kinh Nước Đen (phường Bình Hưng Hòa A, Bình Tân), hằng ngày phải chịu mùi hôi nồng nặc, nguồn nước sinh hoạt cũng bị nhiễm bẩn. Người dân sống trong vùng có triệu chứng ngứa ngáy và lở loét.
Thực tế đã có nhiều cách để xử lý trước đó, vì thế chúng em quyết tâm tìm ra cách xử lý mới, đơn giản và có khả năng ứng dụng vào thực tế cao để nhằm giảm thiểu sự ô nhiễm cho nguồn nước.
Cụ thể là chúng em sẽ trực tiếp nghiên cứu đề tài xử lý nước thải ngành công nghiệp dệt nhuộm bằng H2O2 với xúc tác muối sắt, giúp xử lý màu và làm giảm hàm lượng COD trong nước thải.
“Chúng em đã được giáo viên hướng dẫn là Th.S Phạm Đức Dũng hỗ trợ rất nhiều về việc tìm các vị trí tìm mẫu nước thải và phương pháp nghiên cứu và nhất là được tạo điều kiện trực tiếp thực hiện xét nghiệm trong phòng thí nghiệm ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TPHCM nên sau hơn 4 tháng đã có kết quả như mong đợi” - Tuyết Mai cho biết.
Cũng tương tự như HS Trường THPT Nhân Việt, xuất phát từ môi trường sống xung quanh, ba bạn Khánh Uyên - Thùy Giang - Minh Quang đa có một nghiên cứu rất thực tiễn.
Minh Quang - HS Trường THPT Gia Định (quận Bình Thạnh - vừa tốt nghiệp THPT), chia sẻ về ý tưởng đề tài Điều chế xà phòng từ dầu thải:
“Lượng dầu mỡ được thải ra từ căng tin nhà trường, bếp gia đình rất lãng phí. Hơn nữa dầu ăn được sử dụng nhiều lần thì sản sinh ra nhiều chất độc hại ảnh hưởng đến sức khỏe của con người, nhất là khi đổ xuống cống, lượng dầu này còn làm ảnh hưởng đến môi trường vì nó không tan trong nước. Dựa theo kiến thức đã học, chúng em nghĩ tới phản ứng xà phòng từ hóa dầu”.
Theo các em, để thực hiện đề tài, bước tinh chế là khó nhất, vì phải điều chỉnh độ pH cho phù hợp sao cho nằm trong khoảng an toàn của Bộ Y tế.
Khi lọc dầu, diệt khuẩn xong các em phải đưa mẫu đến Viện Pasteur để kiểm tra. Sau đó còn ép xà phòng đã rửa vào khuôn tạo thành sản phẩm với nhiều hình dạng khác nhau. Bước này còn phải cho thêm vào xà phòng các chất phụ gia để tạo màu, mùi hương.
Diệt ốc bươu vàng bằng mủ xương rồng
Tại cuộc thi KHKT cấp quốc gia vừa qua, đề tài do Trần Kim Quang và Nguyễn Đỗ Trúc Vy của Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh, TPHCM) thực hiện có tên “Sử dụng mủ xương rồng để tiêu diệt ốc bươu vàng" đã giành giải đặc biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM trao.
Theo đánh giá, đây là đề tài nghiên cứu rất sát với thực tiễn, có tính ứng dụng cao lại dễ làm và rất tiết kiệm chi phí.
Cô Võ Thị Mai Dung - Giáo viên Sinh học của trường - chia sẻ: Để hoàn thành đề tài nghiên cứu, các em HS phải thực hiện nhiều thí nghiệm trong vòng 4 - 5 tháng.
Các em thử nghiệm với khoảng 8 loại thảo dược khác nhau như trúc đào, huỳnh anh, trầu bà, xương rồng… để làm sao diệt được ốc bươu vàng. Qua theo dõi, mủ cây xương rồng đem lại hiệu quả cao nhất.
Cũng theo cô Mai Dung, việc thực hiện thí nghiệm, quan sát thí nghiệm và ý tưởng đề tài đều do các em làm là chủ yếu, cô Dung là người hướng dẫn cũng như hỗ trợ về mặt kiến thức khi các em cần.
Ý tưởng về đề tài này xuất phát từ ý tưởng của hai em, đó là quê ngoại các em ở miền Tây, nhiều ruộng lúa bị ốc bươu vàng phá hoại gây tổn thất lớn cho bà con nông dân, chưa hết chúng sinh sản rất nhanh.
Và cũng đã có những phương pháp tiêu diệt ốc bươu vàng sử dụng hóa chất nhưng lại làm hại cá, các sinh vật có lợi khác nên các em quyết định chọn một loại thảo mộc.
Tuy nhiên, quá trình nghiên cứu các em cũng rất trăn trở đó là mủ xương rồng cũng có thể làm chết cá nên các em lại tiếp tục việc tìm ra cách để làm sao khắc phục điều này.
Từ đó, các em nảy ra ý tưởng là trộn xơ quả mít với mủ xương rồng, sau đó để ở bờ ruộng để dụ ốc bươu vàng lên ăn… Các em cũng đã thử nghiệm rất nhiều lần và kết quả rất tốt khi những chú ốc bò lên rất nhiều, sau đó bị mủ xương rồng “hạ gục”.
Về tính ứng dụng của đề tài, cô Mai Dung cho biết, mủ xương rồng cũng không đắt đỏ nên việc ứng dụng vào thực tế của đề tài là rất cao, lại rất đơn giản.
Qua quá trình hướng dẫn cho các em, cô Trần Thị Phương Thảo, giáo viên bộ môn Hóa học của trường cho biết: Ý tưởng của các em là rất hay và hữu ích, thiết thực vừa có thể tái tạo nhiên liệu qua sử dụng để tiết kiệm, vừa bảo vệ môi trường nên lãnh đạo nhà trường cũng như thầy cô, phụ huynh rất ủng hộ.
Theo cô Thảo, quá trình nghiên cứu cũng có những khó khăn như để lọc dầu, diệt khuẩn dầu mỡ đã qua sử dụng đòi hỏi máy móc tốn kém, trong khi đó phòng thí nghiệm với quy mô của một trường THPT thì chưa có thể đáp ứng được. May mắn nhà trường nhận được sự hỗ trợ về máy móc của Trường ĐHKH Tự nhiên TPHCM.