Thanh Hóa:

Học sinh rời trường khi xã ra khỏi vùng khó

GD&TĐ - Khi xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, đồng nghĩa với việc học sinh không còn được hưởng chế độ bán trú và một số chính sách ưu đãi khác.

Học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Giao Thiện (Lang Chánh) ăn mỳ tôm trong bữa trưa.
Học sinh Trường PTDT Bán trú THCS Giao Thiện (Lang Chánh) ăn mỳ tôm trong bữa trưa.

Thực trạng trên dẫn đến việc nhiều học sinh bỏ học, xin chuyển trường hoặc không tiếp tục ăn bán trú.

Bỏ học vì không có tiền ăn bán trú

Theo Quyết định 861/QĐ-TTg về việc phê duyệt danh sách các xã khu vực III, khu vực II, khu vực I thuộc vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, nhiều xã trên địa bàn tỉnh Thanh Hoá đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, vì thế mọi chế độ liên quan đến chính sách hỗ trợ cho học sinh cũng bị cắt.

Do không còn chế độ bán trú nên nhiều gia đình gặp khó khăn do phải đóng tiền bán trú cho con.

Bước vào lớp 9, thế nhưng năm học này, em Cao Thị Vân Anh ở bản Tân Sơn, xã Phú Xuân (Quan Hóa) không được đến trường. Mẹ của Vân Anh cho biết, do gia đình nghèo quá, không thể đóng tiền ăn ở trường, trong khi quãng đường đến trường khá xa. Ở lớp Vân Anh, 4 bạn khác cũng trong tình cảnh tương tự, phải bỏ học trong tổng số 6 học sinh sống ở xã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn.

Cô Lữ Thị Hòa, giáo viên chủ nhiệm lớp 8A (bây giờ là 9A), Trường PTDT Bán trú THCS Phú Xuân cho biết: “Năm học 2021 - 2022, hết học kỳ I, có 2 em nghỉ học, hết học kỳ II lại 2 em nữa. Các em chủ yếu ở bản Tân Sơn, đều là hộ nghèo và cận nghèo. Từ nhà các em đến trường phải đi qua một con dốc cao, cách hơn 7km. Tôi đã vào nhà từng em, động viên ra lớp nhưng chưa có học sinh nào trở lại trường”.

Trường PTDT Bán trú THCS Phú Xuân đã có gần 10 trường hợp học sinh bỏ học. Không dừng ở đây, trong số 130 học sinh nhà trường không còn được hưởng chế độ bán trú thì có 95 em từ chối, không tham gia đăng ký bán trú khi phải đóng tiền.

Cùng tình trạng sống ở xã đã ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, gần 90 học sinh ở Trường PTDT Bán trú THCS Giao Thiện (Lang Chánh) không còn được hưởng chế độ bán trú. Do vậy, đã có nhiều em xin chuyển trường, chủ yếu về Trường THCS Vân Am (huyện Ngọc Lặc) và Trường THCS Giao An (Lang Chánh) để rút ngắn quãng đường.

Thầy Trịnh Quốc Việt, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Không được hưởng chế độ bán trú, đã có hiện tượng học sinh xin chuyển trường về các trường gần nhà hơn. Nếu đến Trường Bán trú THCS Giao An, học sinh phải đi 7 - 8km thì chuyển đến trường khác, học sinh chỉ đi 1 - 2km. Tuy nhiên, đến thời điểm này, tôi chưa giải quyết cho trường hợp nào vì sợ rằng nếu giải quyết, học sinh sẽ chuyển đi hết”.

Nhiều học sinh sau khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đã xin chuyển trường.
Nhiều học sinh sau khi ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn đã xin chuyển trường.

“Công tác tuyển sinh lớp 6 gặp khó khi có khoảng hơn 20 học sinh không tuyển được. Đặc biệt, lượng bán trú bị cắt giảm, chỉ còn lại gần 30 em chưa đủ theo quy định không được cấp kinh phí cho nấu ăn nữa. Chính vì vậy, năm học này, nhà trường không thực hiện được bán trú. Phòng vẫn để cho các cháu ở nhưng ăn các cháu tự lo, có cháu mang cơm đi, có cháu mua mỳ tôm ăn… rất vất vả”, thầy Việt cho biết thêm.

Tại huyện Quan Sơn có hơn 3.000 học sinh không còn được hưởng chế độ sau khi có Quyết định 861/QĐ-TTg. Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn cho biết, năm học 2021 - 2022, toàn huyện có 72 học sinh bỏ học. Một trong những nguyên nhân khiến học sinh bỏ học là không còn được hưởng chế độ vùng đặc biệt khó khăn trong khi các học sinh đều là hộ nghèo, cận nghèo.

Loay hoay tìm giải pháp

Trước tình trạng trên, đại diện Phòng GD&ĐT huyện Quan Sơn mong muốn tỉnh Thanh Hoá sẽ tham mưu cho các cấp ban hành cơ chế chính sách đặc thù riêng cho các huyện nghèo, xã biên giới để học sinh có cơ hội tiếp tục được đến trường.

Ông Chu Đình Trọng, Phó Chủ tịch UBND huyện Quan Sơn (Thanh Hoá) cho biết, sau khi Quyết định 861/QĐ-TTg ra đời, nhiều học sinh trên địa bàn không còn trong diện được hưởng chế độ vùng đặc biệt khó khăn nhưng bản thân những gia đình học sinh này vẫn là hộ nghèo, cận nghèo khiến địa phương rất trăn trở.

“Tình trạng nhiều học sinh không ở lại trường ăn bán trú và xin chuyển trường đã ảnh hưởng rất lớn đến nền nếp cũng như chất lượng học tập, cá biệt có những em phải bỏ học. Chúng tôi cũng đã họp bàn, tuy nhiên, trong thời gian tới cũng chỉ lên phương án hỗ trợ bán trú được một điểm trường là Trường Tiểu học, THCS thị trấn. Huyện cũng rất mong tỉnh có cơ chế đặc thù cho đối tượng học sinh này để tránh tình trạng học sinh vì không được ăn bán trú mà bỏ học”, ông Trọng bày tỏ.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, ông Tạ Hồng Lựu, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, trên thực tế, sau khi nhiều địa phương ra khỏi vùng đặc biệt khó khăn, nhưng bản chất đời sống của từng hộ dân thì vẫn khó khăn, các chế độ cho giáo viên, học sinh đều bị ảnh hưởng.

Đối với ngành Giáo dục, theo quy định của Chính phủ thì vẫn phải thực hiện. Tuy nhiên, trước mắt ngành đã đề xuất tham mưu với UBND tỉnh xem xét ban hành quy chế đặc thù hỗ trợ cho khu vực miền núi Thanh Hoá.

Cũng theo Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, Sở cũng đã đề nghị các Phòng GD&ĐT, nhà trường trong thời gian chờ đợi phải cố gắng vượt khó, động viên học sinh đi học đầy đủ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Lá bài cuối cùng

GD&TĐ - Sau hơn một năm xung đột dữ dội, cả dải đất Gaza gần như đã bị biến thành đống đổ nát và trở thành một cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ.