Học sinh Lào Cai nghiên cứu “thuốc” chữa bệnh cho tôm

GD&TĐ - Học sinh Lào Cai thể hiện sự năng động, hội nhập, tích cực học hỏi của thầy trò vùng núi phía Bắc nơi điều kiện học tập còn nhiều khó khăn. 

Nhóm học sinh tham dự cuộc thi theo hình thức trực tuyến nên phải vượt qua nhiều khó khăn. Ảnh: NTCC
Nhóm học sinh tham dự cuộc thi theo hình thức trực tuyến nên phải vượt qua nhiều khó khăn. Ảnh: NTCC

Tại cuộc thi Sáng chế Quốc tế Prix Eiffel 2021, nghiên cứu tổng hợp chiết xuất tinh dầu từ hỗn hợp 2 loại cây thảo dược để thử nghiệm chữa bệnh trên tôm trong phòng thí nghiệm của học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai đã đoạt Huy chương Vàng.

Chữa bệnh cho tôm từ thảo dược

Đề tài “Nghiên cứu tác dụng của hỗn hợp tinh dầu từ cây Diệp hạ châu và Hoàng kinh để chữa bệnh hoại tử gan tụy cấp (EMS) trên tôm nuôi trong phòng thí nghiệm” do Phạm Linh Tú, Đỗ Khánh Duy, học sinh lớp 10 chuyên Sử Địa, kết hợp cùng sinh viên Trường Đại học Y (Hà Nội) thực hiện. Nhóm nghiên cứu được các thầy cô trong câu lạc bộ (CLB) nghiên cứu khoa học, STEM Trường THPT chuyên Lào Cai hướng dẫn.

Trao đổi về lý do chọn đề tài “trái tay” so với môn học chuyên tại trường, Phạm Linh Tú chia sẻ: Diệp hạ châu là loại thảo dược chứa nhiều hợp chất và hoạt tính giúp kháng viêm, chống ung thư, bảo vệ gan... Có thể trộn loại cây này với thức ăn để phòng bệnh và tăng sức đề kháng cho tôm.

Còn cây Hoàng kinh được biết tới như vị thuốc chữa trị hiệu quả các loại bệnh thông thường như cảm sốt, nhức đầu, sổ mũi... Cây cũng có tác dụng kháng nấm và chống oxy hóa mạnh đối với một số loại vi khuẩn.

Cũng theo tìm hiểu của nhóm, hiện nay tinh dầu lá Diệp hạ châu và cây Hoàng kinh được chiết xuất và ứng dụng trong lĩnh vực y học, mỹ phẩm ở nhiều nước trên thế giới. Còn tại Việt Nam, 2 loại cây này dùng trị bệnh nhưng chưa có công trình nghiên cứu sâu về tinh dầu hỗn hợp trong việc điều chế thuốc chữa bệnh trong thuỷ sản.

“Xuất phát từ nhu cầu thực tế, nhóm đã thực hiện đề tài nhằm tìm ra điều kiện tối ưu trong việc tách chiết tinh dầu, xác định các thành phần hóa học và ứng dụng tính kháng khuẩn của tinh dầu, từ đó nâng cao hiệu quả sử dụng cho hai loại cây trong việc tạo ra sản phẩm chữa bệnh cho tôm và thuỷ sản...”, Đỗ Khánh Duy cho biết.

Thầy Đặng Ngọc Cường - người hướng dẫn trực tiếp dự án trao đổi: Đây là nghiên cứu đầu tiên tổng hợp chiết xuất tinh dầu từ hỗn hợp hai loại cây thảo dược và thử nghiệm chữa bệnh trên tôm trong phòng thí nghiệm. Do đó, Ban giám khảo đã đánh giá cao dự án cả về mặt thực tiễn lẫn bảo vệ môi trường.

Phạm Linh Tú (phải), Đỗ Khánh Duy (trái), học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai đã đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi Sáng chế Quốc tế Prix Eiffel 2021 (Pháp). Ảnh: NTCC
Phạm Linh Tú (phải), Đỗ Khánh Duy (trái), học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai đã đoạt Huy chương Vàng tại cuộc thi Sáng chế Quốc tế Prix Eiffel 2021 (Pháp). Ảnh: NTCC

Nỗ lực của học trò vùng cao

Trao đổi về quá trình nghiên cứu dự án, Tú Linh và Khánh Duy cho biết đã gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể như, với học sinh phổ thông, phần thí nghiệm và đạt kết quả trong phòng thí nghiệm khá vất vả bởi các thiết bị hiện đại tại trường còn thiếu. Vì vậy, trừ các mẫu đơn giản có thể tiến hành tại trường, các mẫu phức tạp, đòi hỏi có thiết bị chuyên sâu, nhóm phải gửi đi thí nghiệm ở nơi khác. Như vậy, không chỉ tốn kém về mặt kinh phí còn mất thời gian để tiếp nối các hạng mục khác trong dự án.

Ở góc độ hướng dẫn, thầy Đặng Ngọc Cường còn chỉ ra điểm chưa mạnh của học sinh khi tham gia các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật (KHKT) quốc tế là khả năng ngoại ngữ còn hạn chế. Điều đó khiến các thuyết trình không trọn vẹn, đầy đủ, không thoát hết ý.

Các em dù được ôn luyện kỹ trước khi thi song cơ bản thạo về ngữ pháp, phần giao tiếp và trình bày do hạn chế ngôn ngữ nên chưa thể làm nổi bật, phong phú hơn vấn đề dự án đã đặt ra trong nghiên cứu...

Học trường chuyên nên kiến thức tại trường đã khá “nặng” cùng đó phải tiến hành song song hoạt động nghiên cứu nên để hoàn thành dự án đúng yêu cầu, quy định… đòi hỏi Linh và Duy phải sắp xếp, bố trí thời gian học tập và nghiên cứu khoa học nhất.

“Mảng nghiên cứu nào có thể làm được tại nhà, chúng em tận dụng thời gian thực hiện, phần nào phải mang tới trường tiến hành trên thiết bị thí nghiệm thì sắp xếp mặt thời gian để không ảnh hưởng tới việc học. Giáo viên hướng dẫn chỉ đặt ra thời gian làm việc, hoàn thành, còn làm việc ra sao, nghiên cứu, bố trí thế nào học sinh phải hoàn toàn tự giác và hết sức linh hoạt…”, Phạm Linh Tú chia sẻ và cho biết: Việc vừa học, vừa đưa kiến thức vào nghiên cứu giúp các em trưởng thành hơn về kiến thức và thực tế. Mặt khác, sau mỗi cuộc thi, học sinh sẽ hình thành được những kỹ năng sắp xếp thời gian biểu hợp lý; khả năng làm việc nhóm; cách giao tiếp, trình bày trước đám đông một cách tự tin nhất…

Theo thầy Đặng Ngọc Cường, đề tài sau khi đoạt giải sẽ tiếp tục được nghiên cứu mở rộng để đăng ký sở hữu trí tuệ, đồng thời đưa sản phẩm ra thị trường trong thời gian tới. Nhóm nghiên cứu cũng kỳ vọng sản phẩm sẽ đến tay và giúp đỡ hữu ích cho người dân, đặc biệt người dân vùng khó khăn để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Trao đổi về vấn đề nghiên cứu KHKT của học sinh trong nhà trường, thầy Ngô Thanh Xuân, Phó Hiệu trưởng Trường THPT chuyên Lào Cai khẳng định: Các dự án nghiên cứu KHKT của nhà trường được khuyến khích theo hướng ứng dụng vào thực tiễn. Những đề tài có tính ứng dụng cao, có sản phẩm cụ thể sẽ được ưu tiên. Nhà trường luôn khuyến khích giáo viên và học sinh tham gia nghiên cứu KHKT.

Đối với giáo viên đây được xem như nhiệm vụ, chỉ tiêu thi đua trong năm học. Còn học sinh được tạo điều kiện tốt nhất về cơ sở vật chất như phòng thí nghiệm, trang thiết bị. Nhà trường cũng có chính sách cấp học bổng khuyến khích với học sinh có thành tích cao trong nghiên cứu KHKT.

“Kết quả đạt được tại cuộc thi Sáng chế Quốc tế Prix Eiffel 2021 đã khẳng định sự năng động, hội nhập, tích cực học hỏi và tìm tòi của học sinh Trường THPT chuyên Lào Cai với các cuộc thi quốc tế theo định hướng phát triển toàn diện và hội nhập toàn cầu trong giáo dục chất lượng cao của tỉnh Lào Cai” – thầy Ngô Thanh Xuân nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ