Ý tưởng nhân văn
Vượt qua nhiều vòng thi tranh tài cùng các đối thủ nặng ký đến từ hơn 80 quốc gia và lãnh thổ trên toàn thế giới, Dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần” của Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An đã xuất sắc giành được giải Ba ở lĩnh vực Kỹ thuật Cơ khí.
Phạm Đức Linh cho biết, xuất phát từ câu chuyện về ông họ ở quê bị cụt tay gặp khó khăn trong sinh hoạt và lao động đã hình thành ý tưởng tạo sản phẩm giúp đỡ người yếu thế trong xã hội.
“Những ngày đầu của năm học lớp 10, Nguyễn Đức An kể về ông họ bị cụt tay trong quá trình lao động ở huyện Thuận Thành. Vì vậy, khi thấy ý tưởng của An, chúng em đã lên kế hoạch tạo một sản phẩm hữu ích giúp đỡ những người yếu thế trong xã hội. Đặc biệt những người trẻ bị cụt, liệt tay khó khăn trong sinh hoạt và lao động…”, Phạm Đức Linh nhớ lại.
Khi còn học ở Trường THCS Kinh Bắc (TP Bắc Ninh), Phạm Đức Linh đã hai lần dự thi Khoa học kỹ thuật. Cụ thể, lớp 8 với chủ đề “chiếc thuyền đa năng” và lớp 9 “máy trồng rau thông minh (HOFO)”. Cả hai năm dự thi Phạm Đức Linh đều đạt giải Nhì cấp quốc gia.
“Tại cuộc thi khoa học kỹ thuật dự án cánh tay cho người khuyết tật đã có rồi. Vì thế, chúng em phải cải tiến phương pháp điều khiển và kỹ thuật của cánh tay…
Nếu như trước đây, cánh tay robot khác điều khiển bằng cơ, cơ bắp… và sóng não hay giọng nói, cử chỉ của chân, thì sản phẩm của chúng em sử dụng phương pháp khác như: Biên độ co duỗi của ngón chân để điều khiển cánh tay. Đặc biệt, cánh tay sẽ giúp cho người dùng cảm nhận được bề mặt vật thể, tiếp xúc…”, Phạm Đức Linh chia sẻ.
Từ khi hình thành ý tưởng, bắt tay vào nghiên cứu sản phẩm, Đức Linh và Đức An đã phân chia công việc rất cụ thể. Đồng thời, tập trung phân tích, tìm hiểu thông tin về các phương pháp điều khiển cánh tay trên thế giới và tại Việt Nam.
Em Phạm Đức Linh cho biết, khối lượng công việc rất lớn, vì phải bố trí quỹ thời gian hợp lý để vừa làm tốt việc học trên lớp và vừa nghiên cứu đề tài.
“Sau mỗi buổi học, chúng em tập trung tại thư viện, phòng thí nghiệm để cùng nhau nghiên cứu. Đặc biệt, Đức An phải thường xuyên ăn ngủ tại nhà em để cùng nghiên cứu thiết kế phần cánh tay robot và làm phần mạch điện, lập trình…", Đức Linh nhớ lại.
Có lẽ khó khăn nhất là việc mua sắm thiết bị để nghiên cứu và hoàn thiện sản phẩm. Theo Đức An, có tuần phải 2 - 3 lần sang Hà Nội để mua sắm thiết bị lắp đặt. Hầu hết thiết bị được lựa chọn là thiết bị tinh gọn, thuận tiện nhất cho người sử dụng.
“Quá trình thử nghiệm sản phẩm cánh tay liên tục thất bại. Số lần thất bại cũng đồng nghĩa với việc đi lại mua sắm thiết bị. Để thành công sản phẩm cánh tay đã không dưới 50 lần sang Hà Nội mua các linh kiện điện tử. Bởi việc đặt linh kiện qua trực tuyến sẽ rất khó đảm bảo chất lượng, kích thước…”, Đức An chia sẻ.
Sau khi cơ bản hoàn thành sản phẩm, Đức Linh và Đức An trình bày ý tưởng với thầy giáo Ngô Văn Tiến, Chủ nhiệm Câu lạc bộ STEM và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía thầy giáo cũng như Ban Giám hiệu nhà trường.
Vượt qua nhiều vòng thi đấu loại và vòng chung kết tranh tài cùng các đối thủ nặng ký đến từ nhiều trường học của cả nước. Dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" của 2 học sinh Nguyễn Đức An và Phạm Đức Linh lớp 11A4 đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020 – 2021.
Thầy Ngô Văn Tiến - Bí thư Đoàn trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) cho biết, không quá bất ngờ khi dự án "Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần" của Đức An và Đức Linh đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia.
“Đức Linh và Đức An ham học hỏi, rất hăng hái trong các hoạt động nghiên cứu khoa học, kỹ thuật. Trong đó Đức Linh có thành tích, kinh nghiệm nhất định khi còn học THCS. Vì vậy, khi nghe các em trình bày ý tưởng, tôi đã hoàn toàn đồng ý. Dự án của các em mang cả sự nhân văn dành cho những người không may bị khuyết tật tay, do vậy thầy và trò đều quyết tâm thực hiện ý tưởng và đã thành công…”, thầy Tiến nhấn mạnh.
Theo thầy Tiến, tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2020 – 2021 tỉnh Bắc Ninh có 2 dự án tham gia. Trong đó, có dự án đạt 1 giải Nhất và 1 đạt giải Ba.
“Đây là niềm vui tự hào của thầy trò nhà trường, bởi cuộc thi năm nay thu hút 141 dự án từ 69 đơn vị với 262 học sinh tham dự. Trong đó, cấp THPT có 113 dự án với 210 học sinh tham dự, cấp THCS có 28 dự án với 52 học sinh…”, thầy Tiến chia sẻ.
Vươn ra quốc tế
Không chỉ dừng lại ở cấp quốc gia, cô Đặng Thị Bích Vân - Hiệu trưởng trường THPT Hàn Thuyên cho biết, Dự án “Cánh tay robot cho người khuyết tật liệt cơ tay toàn phần” của Phạm Đức Linh và Nguyễn Đức An đã xuất sắc giành được giải Ba ở lĩnh vực Kỹ thuật Cơ khí Khoa học kỹ thuật Quốc tế (ISEF) 2021.
Cô Đặng Thị Bích Vân - Hiệu trưởng trường THPT Hàn Thuyên cho biết, Nhà trường luôn quan tâm đào tạo chất lượng giáo dục toàn diện và giáo dục mũi nhọn.
“Ngay từ đầu năm học, nhà trường lựa chọn học sinh giỏi theo năng lực, họp các tổ chuyên môn để giao nhiệm vụ bồi dưỡng học sinh giỏi cho giáo viên có kinh nghiệm, năng lực bồi dưỡng. Năm học 2020 -2021 đạt kết quả cao về thành tích học tập được Sở GD&ĐT cũng như các cấp ghi nhận…”, cô Vân nói.
Nhận xét về học trò của cô Vân cho biết, Đức An và Đức Linh có đam mê nghiên cứu khoa học từ lớp 10, đến năm lớp 11 đạt giải Nhất cấp tỉnh, Quốc gia và đạt giải Ba quốc tế ISEF tại Hoa Kỳ.
“Đây là dự án duy nhất trong 7 dự án của học sinh Việt Nam tham dự cuộc thi Khoa học kỹ thuật quốc tế năm 2021 đoạt giải trong hệ thống giải chính thức. Đây cũng là lần đầu tiên học sinh của Bắc Ninh đoạt được giải Ba ở sân chơi Khoa học kỹ thuật quốc tế (ISEF).
Nhà trường rất tự hào khi có học sinh đạt giải khoa học kỹ thuật quốc tế. Đây cũng là nền tảng tích cực phấn đấu trong năm học tiếp theo và giai đoạn tới không những về khoa học kỹ thuật mà còn giáo dục toàn diện, đặc biệt chú ý kỳ thi tốt nghiệp THPT..”, cô Vân nói.
Nói về dự định học tập trong năm học 2021 -2022, Đức An và Đức Linh cùng bày tỏ sẽ tập trung vào ôn thi để vào đại học để đạt ước mơ trở thành sinh viên trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục nghiên cứu khoa học kỹ thuật.