Học phí mùa dịch: Chia sẻ chưa đều tay

GD&TĐ - Thực hiện chủ trương của Chính phủ cùng định hướng của Bộ GD&ĐT, nhiều cơ sở giáo dục đã có hình thức hỗ trợ người học.

Phụ huynh kéo đến một trường phổ thông quốc tế phản đối chuyện học phí.
Phụ huynh kéo đến một trường phổ thông quốc tế phản đối chuyện học phí.

Tuy nhiên, việc chia sẻ chỉ mới tập trung ở những trường đại học (ĐH), trong khi các trường phổ thông tư thục chưa thể hiện rõ.

Nơi đa dạng nguồn hỗ trợ

Dịch Covid-19 bùng phát mạnh, các cơ sở giáo dục trên địa bàn TPHCM phải ngừng giảng dạy trực tiếp, chuyển qua học online. Một số ký túc xá (KTX) tại các trường ĐH được trưng dụng làm khu cách ly và khu tự cách ly cho sinh viên là F2.

Trong những ngày này, nhiều sinh viên Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM (HCMUTE) cảm thấy ấm lòng khi xuất hiện “Cửa sổ yêu thương - Sẻ chia mùa dịch” trước cổng trường kèm hàng chữ “Các bạn sinh viên đến đây có thể lấy 5 gói mì và 1 bịch bánh gạo nhé”. Tiếp nối hoạt động này, Trung tâm Dịch vụ Sinh viên HCMUTE triển khai thêm “Tuần lễ sẻ chia - Cùng sinh viên KTX vượt qua mùa dịch” với 500 suất cơm miễn phí, nhằm tạo thêm động lực giúp các em có thêm năng lượng bước vào mùa thi.

Theo ThS Nguyễn Phương Thúy - Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Sinh viên HCMUTE, từ khoản kinh phí vận động được của nguồn lực bên ngoài, nhà trường hỗ trợ chăm lo thêm cho đời sống của sinh viên trong thời gian diễn ra dịch Covid-19.

Bên cạnh đồng hành trong sinh hoạt, các trường ĐH còn nhanh chóng đưa ra nhiều chính sách để hỗ trợ người học và thí sinh. Sau khi dời lịch kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021, Trường ÐH Quốc tế (IU) - ÐHQG TPHCM công bố chính sách học bổng nhằm giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.

Ðại diện IU cho biết: Kỳ tuyển sinh năm nay nhà trường dành hơn 32 tỷ đồng cấp học bổng cho tân sinh viên. Số tiền này sẽ được Hội đồng tuyển sinh cấp xét cho những bạn đạt kết quả cao trong đợt tuyển sinh ĐH năm 2021 của trường. Ðặc biệt, trong đó có ba ngành học được cấp các suất học bổng ưu tiên là Kỹ thuật Xây dựng, Kỹ thuật Không gian và Kỹ thuật Môi trường.

Phía Trường ÐH Công nghiệp TPHCM (IUH) năm 2021 cũng dành 40 tỷ đồng để trao học bổng khuyến khích học tập với trị giá 100%, 75%, 50% và 30% học phí. Theo TS Nguyễn Trung Nhân - Trưởng phòng Đào tạo IUH, với khoản kinh phí này, 30% sinh viên của trường sẽ được thụ hưởng.

“Những sinh viên gặp khó khăn làm đơn có xác nhận của địa phương gửi về Phòng Công tác Sinh viên, nhà trường sẽ xem xét miễn giảm học phí, phí lưu trú tại KTX. Trong đó, đặc biệt là những sinh viên ở vùng lũ, gia đình bị ảnh hưởng do dịch Covid-19” - TS Nguyễn Trung Nhân  chia sẻ.

HCMUTE cũng dành tổng kinh phí 36 tỷ đồng để cấp học bổng năm 2021. Trong đó, nhà trường cấp học bổng khuyến tài cho tân sinh viên có tổng điểm thi THPT 2021 (không tính điểm ưu tiên, điểm thưởng) của ba môn xét tuyển từ 26 điểm trở lên. Trường cấp học bổng học kỳ I năm học đầu tiên bằng 50% học phí cho tân sinh viên thuộc trường chuyên, năng khiếu; học bổng từ 25% - 50% cho sinh viên nữ học các ngành kỹ thuật. Ðặc biệt, 130 sinh viên hệ đào tạo nhân tài sẽ được trường cấp 100% học phí cho bốn năm học…

Trung tâm Dịch vụ Sinh viên HCMUTE phát cơm miễn phí cho SV ở KTX.
Trung tâm Dịch vụ Sinh viên HCMUTE phát cơm miễn phí cho SV ở KTX.

Chỗ còn... cân nhắc

Theo TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH FPT, việc hỗ trợ học phí cho sinh viên phải căn cứ vào tình hình dịch bệnh trong năm học mới, sau đó sẽ được công bố cụ thể trước thời điểm sinh viên đóng học phí.

Cô Nguyễn Thị Minh Châu – Hiệu trưởng Trường Tiểu học, THCS, THPT Đa Trí Tuệ (Cầu Giấy – Hà Nội) cho biết: Dịch bệnh gây khó khăn chung. Năm học 2020 - 2021, nhà trường thực hiện chính sách miễn giảm học phí, tặng học bổng để hỗ trợ cho học sinh nghèo. Năm nay, nhà trường đang xem xét việc giữ nguyên học phí và thực hiện các chính sách tương tự như trên.

Thầy Nguyễn Quốc Bình – Hiệu trưởng Trường THCS và THPT Lê Qúy Đôn (Nam Từ Liêm – Hà Nội) cũng khẳng định: Nhà trường sẽ không tăng học phí để chia sẻ, hỗ trợ cho học sinh và phụ huynh trong giai đoạn này.

Dưới góc độ kinh doanh giáo dục, ông Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập nhìn nhận: Trường tư vận hành theo quy luật cung cầu, có nghĩa  tùy theo tương quan giữa nhu cầu của người học và khả năng đáp ứng của trường học mà giá cả (học phí) sẽ lên cao hay xuống thấp. Nếu trường học khan hiếm, mà nhu cầu của phụ huynh quá lớn, các trường sẽ tăng học phí để tối ưu hóa lợi nhuận, và ngược lại.

Tuy nhiên trong kinh doanh, còn có quy luật thay thế trên thị trường. Khi một trường học thu mức học phí nhất định nào đó, mà cung cấp chất lượng dở hơn một trường khác có cùng mức học phí mà làm tốt hơn, tất nhiên trường đó phải chấp nhận phụ huynh sẽ chuyển đi nơi khác. Luật hiện nay cũng không quy định chi tiết học phí trường tư, vì học trường tư là lựa chọn, không phải dịch vụ bắt buộc nên rất khó xử lý khi xảy ra xung đột.

Nhằm chia sẻ khó khăn với phụ huynh và sinh viên bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, năm học 2020 – 2021, Trường ĐH Phenikaa quyết định hỗ trợ một phần kinh phí đối với tất cả sinh viên, học viên bằng việc giảm 5% học phí tất cả môn học trong học kỳ II và học bổng đầu vào cho tân sinh viên. Trong năm học mới, nhà trường tiếp tục có chính sách hỗ trợ tương tự giúp sinh viên vượt qua giai đoạn khó khăn.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

'Nỗi ám ảnh' của ông Trump

GD&TĐ - Một trong những quốc gia được nhắc nhiều và chịu ảnh hưởng ngay trong ngày nhậm chức của Tổng thống Mỹ Donald Trump là Mexico.