Học ngành nào để không bị robot thay thế?

GD&TĐ - Sự phát triển của công nghệ dẫn đến tình trạng nhiều ngành, nghề mất đi cùng với đó là sự ra đời của những ngành nghề mới. Lựa chọn nghề nghiệp để đón đầu xu hướng việc làm đang là băn khoăn của hàng trăm nghìn học sinh vừa trải qua Kỳ thi THPT quốc gia để lấy bằng tốt nghiệp.

Robot và trí tuệ nhân tạo sẽ là ngành cốt lõi trong tương lai
Robot và trí tuệ nhân tạo sẽ là ngành cốt lõi trong tương lai

Hơn một nửa số lao động mất việc vì robot

Tự động hoá và trí tuệ nhân tạo đang kéo theo nguy cơ thất nghiệp trong giới trẻ. Trong tương lai, những nghề nghiệp hay công việc tay chân sẽ dần bị robot thay thế. Tại Hội nghị Diễn đàn Kinh tế Thế giới mới đây, các chuyên gia đã đưa ra dự báo: Đến năm 2020, sẽ có 7,1 triệu người trên thế giới bị mất việc làm do những biến động đột phá của thị trường lao động.

Trong khi đó, nghiên cứu của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) chỉ ra rằng, trong hai thập niên tới, khoảng 56% người lao động tại 5 quốc gia Đông Nam Á, trong đó Việt Nam có nguy cơ mất việc do bị thay thế bởi công nghệ và robot, đặc biệt ở các ngành dệt may, da giầy, lắp ráp điện tử, chế biến thủy sản, dịch vụ bán lẻ… Cụ thể hơn, ILO cảnh báo trong 10 năm tới, 70% việc làm ở Việt Nam có rủi ro cao, 18% rủi ro trung bình và 12% có rủi ro thấp… Trước thực trạng này, vấn đề được quan tâm chính là những nghề nghiệp mà robot không thể thay thế con người.

Dù được thiết kế tinh vi đến đâu đi chăng nữa, robot vẫn có những đặc thù nghề nghiệp khó lòng thay thế được con người. Chẳng hạn như các ngành nghề yêu cầu sự sáng tạo và tư duy, mặc dù được lập trình để thực hiện các hành động phức tạp, nhưng robot không thể tự sáng tạo, hay nghĩ ra những ý tưởng mới thay cho con người. Thiết kế thời trang, đồ họa, lập trình… là những ngành đòi hỏi bộ óc sáng tạo và bàn tay, khối óc của con người.

Ở một khía cạnh khác, robot hoàn toàn không có khả năng thấu hiểu con người, không một robot nào có thể thay thế được bác sĩ tâm lý để tư vấn cho bệnh nhân, những vị trí nghề nghiệp đòi hỏi phải tiếp xúc với nhiều người như chuyên viên tuyển dụng, nhà hoạch định chiến lược, giáo viên… đòi hỏi bộ óc linh hoạt, khéo léo mà robot hầu như không thể thực hiện được. Trong những ngành này, robot chỉ có thể trợ giúp sàng lọc hồ sơ ứng viên theo một quy trình đã được cài đặt sẵn, tất nhiên robot cũng không thể phỏng vấn và đánh giá ứng viên.

Niềm vui người thợ
Niềm vui người thợ 

Kỹ năng thích nghi

Xu hướng phát triển nền kinh tế toàn cầu cho thấy, công nghệ thông tin, kỹ thuật điện - điện tử, robot và trí tuệ nhân tạo… sẽ là những ngành cốt lõi, có khả năng miễn dịch với khủng hoảng kinh tế và là tâm điểm của cách mạng công nghiệp 4.0. Các ngành khác, cũng dựa trên nền tảng công nghệ thông tin như: Công nghệ sinh học, phát triển Internet di động, điện toán đám mây… Các ngành dịch vụ có xu hướng phát triển “nóng” bao gồm: Công nghệ in 3D, dịch vụ tài chính đầu tư, thiết kế, y tế, sửa chữa ô tô, điện lạnh, làm đẹp...

Điểm mấu chốt về các ngành nghề mà robot không thể thay thế không phải là tên của một nghề cụ thể nào có vẻ “an toàn” mà là việc trang bị những kiến thức và kỹ năng để thích nghi được với mọi biến động của tương lai. Có được những kỹ năng này, người lao động đủ khả năng để lựa chọn một trong những ngành kể trên, hay thành công với những công việc mới thậm chí bây giờ còn chưa xuất hiện.

Theo ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội: Sự phát triển của công nghệ và cuộc cách mạng 4.0, nhiều ngành nghề mới sẽ ra đời. Vì vậy, đào tạo phải gắn với tuyển dụng và nhu cầu xã hội. Hiện nay, đào tạo các ngành kỹ thuật tương đối tốt, tuy nhiên, các ngành xã hội, nhân văn số lượng sinh viên được đào tạo đang quá nhiều.

Thị trường lao động đang mất cân đối, thiếu nhiều lao động kỹ thuật trình độ cao. Các em học sinh nếu không vào đại học thì nên học nghề, khi chưa có điều kiện thì nên đi từ thấp lên cao, từ công nhân vẫn có thể học liên thông lên cao đẳng, đại học. Nên lựa chọn công việc, hướng đi phù hợp với năng lực bản thân, điều kiện gia đình và nhu cầu xã hội.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh Trường Tiểu học Lê Đình Chinh (Hải Châu, Đà Nẵng) trang trí cho hoạt động Chúng em cùng chúc Tết. Ảnh: NTCC

Bài tập Tết truyền cảm hứng

GD&TĐ - Thay vì giao bài tập nặng về kiến thức trong dịp nghỉ Tết, nhiều thầy cô đã định hướng HS trải nghiệm phong tục Tết, biết quan tâm giúp đỡ gia đình.

Ảnh minh họa/ITN.

Tránh học tập thụ động với ChatGPT

GD&TĐ - Việc học sinh sử dụng ChatGPT để làm bài một cách thiếu động não, tư duy, bị trí tuệ nhân tạo dẫn dắt, bị mất đi sự tự chủ là đáng lo ngại.