Bổ sung ngoại ngữ khi xét học sinh giỏi
Theo quy định mới của Bộ GD-ĐT, từ năm học này, ngoại ngữ cùng môn Ngữ văn, Toán là một trong ba môn để xếp loại học sinh giỏi bậc THCS và THPT nhằm đẩy mạnh việc phát triển năng lực ngoại ngữ cho học sinh phổ thông. Học sinh muốn đạt loại giỏi phải có điểm trung bình các môn học từ 8 điểm trở lên trong đó điểm trung bình của một trong ba môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ từ 8 trở lên.
Tương tự, nhiều trường đại học công bố đề án tuyển sinh 2021, trong đó các trường bổ sung chỉ tiêu theo phương thức xét tuyển chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế kết hợp với điểm học tập hoặc điểm thi THPT. Phổ biến nhất là ưu tiên xét tuyển những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế.
Năm nay, Nghệ An cũng cho tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế vào lớp 10 một số trường THPT công lập ở thành phố Vinh. Việc tuyển thẳng học sinh có chứng chỉ tiếng Anh quốc tế nhằm khuyến khích học sinh phổ thông học tiếng Anh. Đồng thời, sẽ tạo động lực cho học sinh toàn tỉnh thi đua học tập, đổi mới phương pháp dạy và học tiếng Anh trong các trường theo hướng chuẩn quốc tế.
Liên quan đến ngoại ngữ, mới đây Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh cũng đề xuất với UBND Thành phố về việc thay đổi cách tính điểm trong kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10. Theo đó, những năm trước, điểm thi lớp 10 là tổng điểm của 3 môn thi, trong đó điểm thi môn Ngữ văn và Toán nhân hệ số hai. Năm nay, theo đề xuất của sở, điểm thi lớp 10 là tổng điểm 3 môn thi trong đó không có môn nào nhân hệ số. Được biết, chủ trương này cũng bắt nguồn từ Thông tư 26 của Bộ GD-ĐT, nhằm nâng cao vai trò của môn Ngoại ngữ trong trường phổ thông.
Chinh phục tiêng Anh theo từng cấp học
Nội dung của chương trình giáo dục phổ thông, môn tiếng Anh thể hiện những định hướng cơ bản được nêu trong Chương trình giáo dục phổ thông tổng thể của Bộ GD-ĐT. Cụ thể, ở cấp tiểu học lớp 3-5, việc dạy học tiếng Anh giúp học sinh bước đầu hình thành và phát triển năng lực giao tiếp thông qua bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết, chú trọng nhiều hơn đến hai kỹ năng nghe và nói.
Ở cấp trung học cơ sở, việc dạy học tiếng Anh tiếp tục giúp học sinh hình thành và phát triển năng lực giao tiếp, đồng thời phát triển năng lực tư duy và nâng cao sự hiểu biết của học sinh về văn hoá, xã hội của các quốc gia trên thế giới cũng như hiểu biết sâu hơn về văn hoá, xã hội của dân tộc mình.
Ở cấp trung học phổ thông, việc dạy học tiếng Anh giúp học sinh phát triển năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh dựa trên nền tảng chương trình tiếng Anh các cấp tiểu học và THCS, trang bị cho học sinh kỹ năng học tập suốt đời để không ngừng học tập và phát triển năng lực làm việc trong tương lai.
Theo thạc sĩ phương pháp giảng dạy tiếng Anh Nguyễn Vân Khánh (Trung tâm tiếng Anh cô Vân Khánh) cho biết, theo chương trình giáo dục phổ thông, môn tiếng Anh giúp học sinh có một công cụ giao tiếp mới, hình thành và phát triển cho học sinh năng lực giao tiếp bằng tiếng Anh thông qua các kỹ năng nghe, nói, đọc, viết. Kết thúc chương trình giáo dục phổ thông, học sinh có khả năng giao tiếp đạt trình độ bậc 3 của khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dành cho Việt Nam, tạo nền tảng cho học sinh sử dụng tiếng Anh trong học tập, hình thành thói quen học tập suốt đời để trở thành những công dân toàn cầu trong thời kỳ hội nhập.
“Vì cả người học và người dạy đều hướng đến thi nên cách dễ nhất và nhanh nhất đó là thay đổi hình thức kiểm tra, đánh giá, thi trong toàn hệ thống giáo dục quốc dân. Hãy kiểm tra, đánh giá, thi tất cả các kỹ năng thực hành tiếng Anh ở các cấp bậc khác nhau”, thạc sĩ Nguyễn Vân Khánh nói.
Chia sẻ về quá trình đồng hành cùng con để học tiếng Anh, chị Phan Hồ Điệp mẹ của thần đồng tiếng Anh Đỗ Nhật Nam chia sẻ, một trong 6 nguyên tắc mà chị tự đặt ra trong quá trình đồng hành cùng con học tiếng Anh là khuyến khích con theo đuổi những kì thi chuẩn quốc tế. Sở dĩ chọn các kì thi chuẩn quốc tế ngoài tính chuẩn hoá, các đề thi thực sự rất thú vị. Có lẽ vì thế ngày càng nhiều thí sinh tham gia dự thi những kì thi chuẩn quốc tế ở các cấp độ khác nhau.