Học Giáo dục công dân với.... đèn cầy, viên bi, quả bóng!

GD&TĐ - Giờ học Giáo dục công dân của các em học sinh lớp 9, Trường THCS Lê Anh Xuân (quận Tân Phú, TPHCM) lại xuất hiện những bình thủy tinh, đèn cầy, đèn compact, viên bi, quả bóng… và cả những trò chơi nhóm.

Học Giáo dục công dân với.... đèn cầy, viên bi, quả bóng!

Đó là cách mà thầy giáo Hoàng Quốc Liêm truyền tải kiến thức cho học trò của mình.

Những giờ học thú vị

Khi được hỏi, tại sao thầy lại có những ý tưởng về dùng các phương pháp trực quan sinh động để dạy môn Giáo dục công dân xưa nay vốn dĩ được coi là khô khan, thầy Liêm trả lời ngắn gọn: Tất cả là vì đam mê với nghề giáo.

Niềm đam mê ấy đã khiến thầy Quốc Liêm luôn suy nghĩ và tìm cách giúp học sinh hứng thú với môn học. Ví dụ như trong một tiết học dạy về sự năng động sáng tạo, thầy Liêm đưa ra hai bức tranh: Bãi cát và bàn tay con người. 

Thầy hỏi: “Với đôi bàn tay và bãi cát, các em sẽ làm được điều gì?” “Xây nhà, xây biệt thự, làm lâu đài cát…” - học sinh trả lời. Nhưng thay vì đưa ra một nhận định có tính chủ quan, thầy Liêm giới thiệu một video clip về nghề làm tranh cát: “Với óc sáng tạo, từ đôi bàn tay và cát, con người đã làm ra những tác phẩm nghệ thuật tuyệt vời phải không nào?”.

Hay như bài học Tình hữu nghị giữa các quốc gia trên thế giới, mở đầu tiết học, thầy Liêm cho các em xem những hình ảnh, đoạn phim ngắn Việt Nam có mối quan hệ với nhiều quốc gia trên thế giới, hình ảnh Festival, hình ảnh đất nước Nhật Bản bị sóng thần, nhân dân thế giới ủng hộ, chia buồn ra sao… 

Sau đó, là hình ảnh về sự phát triển kinh tế, văn hóa của Việt Nam. Điều này có được là nhờ các mối quan hệ trên… Từ đó, thầy sẽ hướng dẫn để các em nắm vững các khái niệm và nội dung của bài học về tình hữu nghị. 

Khi các em nắm được nội dung bài học, 15 phút còn lại, thầy Liêm cho lớp phân thành 4 nhóm chơi chung một trò chơi với mục đích: Khi có sự hỗ trợ, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau giữa các thành viên trong nhóm, công việc sẽ hoàn thành nhanh hơn để các em hiểu về sự đoàn kết, sự tương trợ lẫn nhau.

Thầy Quốc Liêm chuẩn bị giáo án
 Thầy Quốc Liêm chuẩn bị giáo án

Tìm mọi cách để học sinh hào hứng với môn phụ

Tuổi trẻ thì phải không ngại khó, ngại khổ. Tôi rất hạnh phúc vì theo nghề giáo và càng yêu nghề, tôi lại càng muốn làm những điều tốt nhất cho các học sinh của mình.

Thầy giáo Hoàng Quốc Liêm 

Để có được những bài lên lớp thú vị, thầy Hoàng Quốc Liêm chia sẻ: Tôi đang dạy học sinh lớp 9, các em có một năm học quan trọng chuẩn bị vào THPT, ít nhiều sẽ bị áp lực thi cử. 

Để không khiến các em thêm nặng nề với môn này, tôi đã tìm tòi trên Internet, dự giờ các thầy cô giáo trong trường, trong quận và suy nghĩ về việc sử dụng những hình ảnh, vật dụng đời thường, những tấm gương phù hợp với chủ đề bài học cho các em dễ nhớ, dễ hiểu chứ không rập khuôn theo sách vở”.

Khi áp dụng cho các lớp học, thấy học sinh tiếp thu nhanh, hào hứng với giờ học từng bị gọi là môn phụ này càng khiến thầy Liêm càng cố gắng tìm tòi, suy nghĩ, đọc nhiều tài liệu hơn. 

Có lần thầy Liêm kéo học sinh vào một trò chơi với các "đồ chơi kỳ lạ: Bốn chiếc lọ thuỷ tinh cổ nhỏ và dài, bên trong có một viên bi nhựa. 

Học sinh có nhiệm vụ lấy được viên bi ra mà không dùng tay, dùng que, không được đập bể cũng không lật ngược lọ… Bốn nhóm học sinh chụm đầu bàn tán. Một em chạy nhanh ra hành lang lấy nước đổ vào lọ và viên bi nhựa nổi lên trước sự ngỡ ngàng của ba nhóm còn lại. 

Kết thúc tiết học, thầy hỏi cả lớp: “Vậy thì năng động, sáng tạo là gì?”. Mỗi học sinh tự suy nghĩ hoặc tham khảo sách giáo khoa để tìm câu trả lời cho chính mình.

Em Nguyễn Lan Anh, học sinh lớp 9 của trường cho biết: Những tiết học của thầy Liêm rất sinh động thông qua những trò chơi, những hình ảnh trực quan giúp chúng em nắm chắc được nội dung bài học. 

Thầy cho chúng em câu hỏi, hướng dẫn chúng em tìm câu trả lời với không khí thoải mái chứ không phải đọc-chép nên chúng em dễ thuộc bài và nhớ lâu”.

Tất cả chỉ mới bắt đầu

Thầy Quốc Liêm và các học trò Trường THCS Lê Anh Xuân
Thầy Quốc Liêm và các học trò Trường THCS Lê Anh Xuân 

Khi nói đến đổi mới phương pháp dạy và học, nhiều người cứ nghĩ đến những phương pháp cao siêu, nhưng với thầy giáo Liêm, thực chất đó chỉ là việc làm sao để học sinh hiểu, tiếp thu bài học một cách nhanh nhất, nhớ lâu và biết liên hệ đến thực tế từ những kiến thức sách vở. 

Thầy giáo sinh năm 1987 nhận ra, giáo cụ trực quan luôn là bảo bối của người thầy và không bao giờ cũ. Chính vì vậy, để chuẩn bị cho từng bài học, thầy đã đầu tư rất công phu về hình ảnh, clip nhỏ, suy nghĩ về các trò chơi cho các học trò.

Thầy Liêm nói: “Tôi mong những bài học mà tôi truyền đạt đến các em học sinh không phải là những đạo lý sâu xa, mà nó sẽ trở thành những việc làm tuy nhỏ nhưng có ích trong cuộc sống hằng ngày. Các em biết quan tâm đến người khác hơn, vâng lời bố mẹ thầy cô, hình thành tình cảm đạo đức sâu sắc, sống có trách nhiệm với bản thân, gia đình, xã hội”.

Ngoài công tác chuyên môn, thầy Liêm còn là Tổng phụ trách Đội, Bí thư chi Đoàn giáo viên của trường. Với sự năng nổ, nhiệt tình, trách nhiệm và có những đổi mới trong dạy học, thầy Liêm luôn được học sinh kính nể, các thầy cô trong trường quí mến. Sau 5 năm công tác tại trường, thầy Liêm đã vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng và được nhà trường cử đi học lớp Trung cấp Lý luận chính trị. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Khi trách nhiệm… 'mơ màng'!

GD&TĐ - Trước khi mọi việc đi quá xa thì cần nghĩ đến đường dài cho nhạc hội bằng sự lắng nghe, cầu thị và tôn trọng khán giả.
Kết quả thi GCSE tại Anh sẽ tiếp tục giảm do ảnh hưởng từ việc đóng cửa trường học thời Covid-19.

Covid-19 vẫn 'đeo bám' học sinh Anh

GD&TĐ - Nghiên cứu do Quỹ Nuffield, quỹ từ thiện của Anh, tài trợ, dự đoán điểm số các môn thi chính trong kỳ thi GCSE sẽ giảm đến năm 2030.
Nhiều người lợi dụng thị thực du học để nhập cư Australia trái phép.

Ngăn chặn tình trạng lừa đảo du học

GD&TĐ - Các đại lý du học thiếu uy tín thường vẽ ra viễn cảnh tươi đẹp về cuộc sống đại học và cơ hội nhập cư để lừa sinh viên quốc tế đăng ký.