Với học sinh phổ thông, nội quy nhà trường cũng nhấn mạnh việc học sinh không được viết, vẽ lên bàn ghế, tường; phải có ý thức giữ gìn cơ sở vật chất chung… Nhưng đi họp phụ huynh học sinh đầu năm mới thấy, không có mặt bàn nào không chi chít chữ viết, hình vẽ; nào là thể hiện tình yêu, ghi nhớ công thức Toán học, Vật lý, ca dao về công cha nghĩa mẹ, rồi cả một đoạn bài lịch sử thế chiến cũng được ghi chép tỉ mỉ lên mặt bàn…
Chán viết bằng bút mực, bút bi, thì lấy bút xóa, dao rọc giấy khắc chạm lên bàn ghế; tiện tay vạch cả vào bức tường bên cạnh, thành cửa sổ… Hở ra chỗ nào ghi được chữ là sẽ “phóng tác”… Dường như không ít học sinh, sinh viên trút cả một bầu trời tâm sự vui buồn, giận dỗi trong những tiết học lên mặt bàn, đánh dấu chủ quyền một cách thô thiển, xấu xí.
Trong lớp học thì thế, ra ngoài sân trường, cây nào “trót sống lâu” thì trên thân sẽ chằng chịt bao vết đục khắc ghi lại những lần làm “chứng nhân” tình yêu cho bao cặp học trò. Không chỉ là yêu, mà còn là nỗi uất hận, rồi xung đột nhau cũng đem ra thân cây trút bỏ. Giờ mỗi lần hát bài “Phượng hồng”, đến câu: “Mùa hè đến trường khắc nỗi nhớ trên cây” lại cứ thấy ngại ngại. Nhiều nghiên cứu khoa học cho rằng, cây cối cũng biết đau, chuyển những ẩn ức cá nhân thành những vết sẹo lên hàng cây sân trường nói cho cùng đã không còn là kỷ niệm tuổi thơ nữa mà là hành động không đẹp.
Viết vẽ bậy lên bàn ghế lâu dần thành thói quen, tiện đâu vẽ đấy, ngồi buồn tay là viết lăng nhăng bất cần suy nghĩ. Dần dần, thói quen không tốt hình thành nên sự vô ý thức của một bộ phận lớp trẻ. Nhìn quanh các nơi công cộng, nơi nào cũng có dấu ấn của các “họa sĩ đường phố”, từ trạm biến áp, công trình xây dựng, tường chung cư, cột mốc cây số, đến cả nhà vệ sinh công cộng cũng không tha.
Xót xa nhất là các di tích lịch sử, không biết những ước mong “H yêu T”, rồi “thi đỗ điểm cao”, “bên nhau mãi”… có thấu đến các bậc tiền nhân để được phù hộ không, nhưng sự phản cảm, vô ý thức, thậm chí là vô văn hóa thì hiện rõ. Cuối năm 2017, Ban quản lý nhà ga Cát Linh - Hà Đông đã phát hiện những hình vẽ graffity trên một phần thân tàu và đầu tàu đường sắt trên cao. Theo các luật sư, hành vi của người vẽ sơn lên đoàn tàu đường sắt Cát Linh – Hà Đông là hành vi phạm tội cố ý phá hoại tài sản và có thể bị phạt tù.
Mới đây, dòng chữ “A.Hào” cùng ngôi sao và hình trái tim được khắc bằng vật nhọn được phát hiện trên các phiến đá còn sót lại của khu di tích thành cổ
Yonago, tỉnh Tottori (Nhật Bản) làm cả những người quan tâm ở Việt Nam và Nhật Bản sốc. Các nhà chức trách đang điều tra và cũng chưa có kết luận về thủ phạm những dòng chữ tiếng Việt cũng khiến chúng ta phải suy nghĩ và nhìn lại mình, nghĩ về những dòng chữ, ký hiệu nhan nhản ở nơi công cộng, di tích văn hóa mà ta vẫn thấy hàng ngày, nghĩ về những mặt bàn được “xăm trổ” chồng chất trong nhiều lớp học…
Có giáo viên môn Ngữ văn sau khi đọc các bài viết về vụ việc dòng chữ trên phiến đá cổ ở Nhật Bản đã chia sẻ rằng, trong tiết kiểm tra tới, cô sẽ ra đề cho học sinh viết bài luận về ý kiến: “Những thói xấu ban đầu chỉ là người khách qua đường, sau trở thành người bạn thân ở chung nhà và cuối cùng biến thành ông chủ nhà khó tính”. Cô sẽ gợi ý cho học sinh nhìn nhận lại thói quen viết bẩn lên bàn ghế lớp học - một thói quen xấu, đến việc nâng cao ý thức giữ gìn tài sản cộng đồng.
Còn thầy hiệu trưởng một trường THCS thì lên kế hoạch sẽ tổ chức cho học sinh toàn trường vệ sinh trường lớp, tìm cách lấy giấy ráp mài để những mặt bàn đầy chữ viết trở lại sạch đẹp, giúp học sinh biết trân trọng lớp học, ngôi trường mình đang theo học, có suy nghĩ giữ gìn cảnh quan trường lớp không chỉ là công việc của riêng các cô, bác lao công mà còn là trách nhiệm của mỗi học sinh…
Nếu mỗi học sinh ngay từ những năm tháng ngồi trên ghế nhà trường được cha mẹ, thầy cô nhắc nhở, chú trọng giữ gìn bàn ghế, cảnh quan trường học, khi lớn lên sẽ có nền móng vững chắc xây dựng ý thức của một công dân tốt, biết trân trọng từng viên gạch, hàng cây tại nơi công cộng, di tích lịch sử của quốc gia...