Nhận thấy đây là hoạt động tích cực và khả thi nên trong những năm học gần đây, trường THCS Bùi Thị Xuân – Nha Trang đã chủ động thiết kế những Buổi hoạt động trải nghiệm theo định hướng gắn liền với những lễ hội đặc sắc ngay tại địa phương các em sinh sống.
Trước mỗi lễ hội diễn ra, đại diện nhà trường đã làm việc với ban tổ chức và đã nhận được sự ủng hộ rất cao. Và mới đây nhất, trường đã tổ chức thành công buổi trải nghiệm cho học sinh với lễ hội Cầu Ngư truyền thống của ngư dân Khánh Hòa.
Trải nghiệm và thực hành
Như chúng ta đã biết, trong vốn tín ngưỡng của người Việt, cá Ông hay còn gọi là Ông Nam Hải được người dân, đặc biệt là ngư dân vùng biển tôn sùng và coi trọng. Vì thế, lễ hội Cầu Ngư gắn với tục thờ cúng cá Ông cũng là lễ hội phổ biến và quan trọng nhất đối với cộng đồng ngư dân các làng xã ven biển Khánh Hòa. Đều đặn cứ đến tháng 7 âm lịch hàng năm, ngư dân phường Vĩnh Nguyên – Nha Trang lại long trọng tổ chức lễ hội Cầu Ngư mang đậm tính chất tâm linh, đậm đà bản sắc văn hóa vùng miền của khu vực Nam Trung Bộ.
Đúng 5 giờ sáng, đoàn học sinh của trường đã có mặt ở Đình Lăng Trường Tây để bắt đầu hoạt động trải nghiệm. Xuất phát từ đình, các em cùng đoàn nghi lễ hơn 50 người ở các đội: Hò Bá Trạo; nhạc lễ; nghi thức lễ trong trang phục truyền thống như nón, quần áo mang màu sắc dân tộc chỉnh tề để bắt đầu lễ rước hồn thần Nam Hải từ ngoài khơi về lăng. Đây được xem là nghi lễ quan trọng nhất trong lễ hội thể hiện sự sùng bài tuyệt đối với vị thần bảo trợ ngư dân.
Các em học sinh được các vị chức sắc của làng chỉ bảo chi tiết để biết được ý nghĩa của lễ hội không chỉ là hoạt động tín ngưỡng đơn thuần của ngư dân vùng biển mà còn là một hình thức sinh hoạt văn hóa cộng đồng đặc biệt. Là dịp để bà con động viên nhau bám biển, giúp người dân địa phương gần gũi nhau xây dựng nếp sống văn hóa ý nghĩa và lành mạnh.
Một số em có sức khỏe tốt còn được hóa thân thành những chàng trai cầm cờ, rước kiệu trong đoàn nghi lễ. Các em khác có thể đứng theo dõi hoặc phụ giúp các diễn viên trong nghi lễ Rước Sắc; lễ Tịch Sanh; lễ Tế Chánh; lễ Tống Na…Và điểm nhấn trong lễ hội Cầu Ngư chính là Hò Bá Trạo, tức là “chèo thuyền chắc tay lái”. Là loại hình diễn xướng nghệ thuật độc đáo nhằm tỏ lòng thương tiếc của ngư dân đối với cá Ông, cũng như tái hiện quá trình lao động trên biển của ngư dân.
Chưa hết, các em còn được theo dõi những trích đoạn đặc sắc của nghệ thuật hát Bội truyền thống để có cái nhìn cận cảnh về một loại hình sân khấu mang “quốc hồn quốc túy” của người Việt xưa. Nhiều em đã say sưa khi lần đầu tiên tham gia trải nghiệm loại hình truyền thống này.
Kết quả thu được bước đầu là sự thích thú của học sinh, tiếp đó là một số kiến thức thu nhặt được trong suốt quá trình tham gia lễ hội sẽ được các em vận dụng vào một số bộ môn như Sinh học, Ngữ văn địa phương, Âm nhạc, Mỹ thuật trong trường học và ngược lại.
Đa dạng các buổi hoạt động trải nghiệm
Khắc phục những khó khăn trước mắt, ban giám hiệu nhà trường sẽ cố gắng phối hợp, thống nhất kĩ lưỡng với hội phụ huynh học sinh, cũng như một số đơn vị liên quan lên kế hoạch kĩ càng để tổ chức nhiều hơn những buổi trải nghiệm thực tế trong năm học này.
Có thể kể đến như đi thực tế tại Làng muối Ninh Diêm ở bộ môn Hóa học; Làng nghề trồng dâu nuôi tằm (Khu du lịch sinh thái) trong bộ môn Sinh học, Hóa học; Làng nghề làm chiếu, làm gốm, làm mắm trong bộ môn Công nghệ, Mỹ thuật; Lễ hội Tháp Bà Ponagar trong chương trình Ngữ văn địa phương (Văn 8) và mới nhất là Đài thiên văn Nha Trang có thể giúp trong môn Vật lí…
Sau khi tổ chức trải nghiệm hết các điểm nội tỉnh thì trong tương lai gần, nhà trường sẽ mở rộng thực tế tại các tỉnh, thành lân cận như Đà Lạt, Phú Yên, Ninh Thuận, Bình Thuận…