Từ thực tế cá nhân, cô Lê Thị Thanh Huyền, GVTrường Tiểu học Thụy Lâm A, Đông Anh (Hà Nội) đưa ra một vài biện pháp đem lại được nhiều hiệu quả trong việc dạy Lịch sử cho học sinh tiểu học.
Dạy học lịch sử bằng trải nghiệm thực tế
Đầu năm học, để khơi gợi lòng yêu truyền thống, yêu lịch sử, bao giờ tôi cũng cùng học sinh đến thăm một vài những di tích lịch sử trên địa bàn. Mục đích của việc làm này là để lấy xúc tác cho cảm xúc của học sinh.
Giáo viên cần chuẩn bị những tư liệu cần thiết để có thể trở thành những hướng dẫn viên du lịch, giới thiệu cho các em về di tích lịch sử ấy. Qua việc làm đó, người giáo viên cần khéo léo truyền đạt cảm xúc của mình cho học sinh để đọng lại trong các em những xúc cảm tốt đẹp, làm tiền đề cho việc đưa học sinh đến với những bài giảng giàu cảm hứng của mình.
Những hiện vật có thật, những câu chuyện minh họa cùng hiện vật, cảm xúc khi đi học tiết ngoại khóa cùng cô và các bạn sẽ giúp học sinh mở lòng tiếp nhận những vấn đề lịch sử mà chúng ta dạy trong năm học.
Dạy học Lịch sử bằng những thước phim minh họa
Để giúp học sinh có thể hiểu rõ hơn những sự kiện, những nhân vật, những hoàn cảnh lịch sử, chúng ta hoàn toàn có thể sử dụng những bộ phim, những bài hát liên quan đến lịch sử và hình ảnh minh họa. Những tư liệu này có nhiều trên mạng internet.
Chỉ cần giáo viên biết cách lấy chúng về, dùng kĩ thuật tin học (thậm chí chỉ là trình cắt phim trực tuyến) cắt xén cho phù hợp là hoàn toàn có thể đem đến cho học sinh những nội dung phù hợp. Hoặc nếu giáo viên có khả năng biên tập thì hoàn toàn có thể xử lí tạo ra những thước phim có thuyết minh phù hợp với nội dung của mình. Những giờ ngoại khóa hoặc sinh hoạt lớp, thưởng cho học sinh một bộ phim hoạt hình có nội dung lịch sử cũng là một cách để khơi gợi hứng thú cho học sinh.
Thông qua việc xem phim, nhận biết của học sinh về hình ảnh nhân vật, về trang phục của nhân vật lịch sử, về một số nội dung lịch sử trong giai doạn đó trở nên sinh động, dễ ghi nhớ.
Tuy nhiên, khi khi dùng cách làm này là, giáo viên phải xem xét nội dung khá kĩ, tránh khi đưa đến học sinh lại nhầm lẫn những thông tin xuyên tạc trên mạng xã hội.
Dạy học lịch sử bằng trò chơi
Giáo viên có thể tổ chức các trò chơi trong các giờ lịch sử dưới nhiều hình thức khác nhau: Trò chơi đoán tên nhân vật lịch sử: bằng câu đố hoặc câu chuyện lịch sử, giáo viên có thể yêu cầu học sinh tìm ra nhân vật lịch sử mình muốn nhắc tới; Ghép hình nhân vật lịch sử: Giáo viên có thể tạọ những mảnh ghép từ hình ảnh các nhân vật lịch sử để tổ chức cho học sinh thi ghép hình rồi đoán tên nhân vật mình ghép được. Trò chơi này có thể áp dụng trong các giờ sử dạy về nhân vật lịch sử. Cách làm này sẽ giúp học sinh nhớ lâu hơn về những nhân vật được học đồng thời tạo cảm xúc đặc biệt với nhân vật đó.
Bên cạnh đó, GV có thể sử dụng Trò chơi ô chữ, Trò chơi sắm vai. Trong chương trình Tiếng việt lớp 4 và lớp 5 cũng có những mẩu kịch nhỏ về một số nhân vật như Nguyễn Tất Thành, Trần Thủ Độ…Sắm vai những nhân vật này để qua đó giáo dục lịch sử cho học sinh cũng là một cách. Đặc biệt, ở lớp 5, sau khi học sinh được học viết lời thoại, chúng ta hoàn toàn có thể đưa câu chuyện, gợi ý học sinh viết thành kịch rồi tổ chức thi trong các giờ sinh hoạt.
Kết quả, học sinh sẽ được nhìn sự kiện, nhân vật lịch sử theo cách của trẻ con, và chúng ta sẽ có những giờ sinh hoạt lớp vui vẻ nhưng lại thực hiện được mục đích giáo dục của mình một cách nhẹ nhàng.
Dạy học lịch sử bằng thi viết, giới thiệu hoặc thi kể về nhân vật lịch sử
Sau mỗi một giờ học lịch sử, tôi thường có một bài tập vận dụng nhỏ cho học sinh dưới hình thức thi viết. Yêu cầu của giáo viên cũng chỉ đơn giản, ví dụ: Kể một câu chuyện em biết về Bác Hồ thời chống Pháp; Hãy viết một đoạn văn ngắn chừng 7- 10 câu, bày tỏ suy nghĩ của em về ngày Quốc khánh 2-9; Em thấy Trương Định là người thế nào khi ở lại cùng nhân dân chống Pháp? Tại sao em nghĩ như thế?
Học sinh có thể viết và sau đó giáo viên đánh giá, cùng cả lớp bình chọn bài viết tốt, trao thưởng và đưa bài của con lên bảng tin của lớp.
Hoặc với việc kể chuyện, giáo viên có thể cho học sinh kể chuyện thay cho việc kiểm tra bài cũ để tạo cảm hứng cho các em vào đầu giờ học, cũng có thể tổ chức thi kể trong các giờ sinh hoạt tập thể theo chủ để.
Việc tổ chức những hoạt động này, mục đích giúp học sinh ghi nhớ, khắc sâu một cách tự nhiên kiến thức, vừa kích thích cảm xúc của học sinh, vừa tạo ra động lực để học sinh tự tìm hiểu về lịch sử.
Dạy học lịch sử bằng trò chơi dân gian
Những trò chơi dân gian vốn dĩ được hình thành trong quá trình hình thành lịch sử. Vì thế, việc tổ chức cho học sinh tham gia vào trò chơi dân gian kết hợp với việc giáo viên dùng hiểu biết của mình để giới thiệu về nguồn gốc xuất xứ của các trò chơi đó cũng là một cách giáo dục lịch sử và cả văn học cho học sinh.
Hiểu được về trò chơi dân gian, là học sinh được trải nghiệm lại quá khứ. Nếu thực sự giáo viên biết khéo léo vận dụng nội dung lịch sử thì khắc sâu tinh thần dân tộc và ý thức lịch sử cho học sinh là việc hoàn toàn có thể làm được.
Ví dụ: Đấu vật – Dạy truyền thống yêu nước thời nhà Trần; Xem hội nấu cơm thi: Dạy về trẩy quân đánh trận của người Việt cổ; Xem bắn nỏ (Loa thành): Dạy học sinh về hoạt động quân sự thời An Dương Vương; Xem lễ hội - dạy nguồn gốc lễ hội và giá trị lịch sử của nó với thôn làng.
Giáo dục lịch sử là giáo dục tình yêu quê hương đất nước, cần cho các em thấy được những vấn đề và thực tế lịch sử đã xảy ra trên quan điểm của Đảng và nhà nước. Muốn làm được việc đó, giáo viên phải hiểu đúng cái mình muốn dạy, đừng thụ động những nội dung trong sách giáo khoa, đừng lệ thuộc những phương pháp đã cũ.
Tự làm mới mình và dẫn dắt học sinh đi theo con đường tự học, tự tìm hiểu trên cơ sở của tình yêu, niềm ham thích và xúc cảm say mê với môn học. Có như thế, chúng ta mới có thể đạt được những giá trị thực tế của một giờ dạy đúng nghĩa trong thời đại hiện nay.