Mô hình giáo dục đại học của Mỹ cũng là một nội dung trong tham luận của nhóm tác giả: Hoàng Minh Sơn, Bùi Thị Thúy Hằng, Vũ Văn Yêm, Trần Văn Tớp đến từ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội công bố tại Hội thảo giáo dục 2018 diễn ra mới đây tại Hà Nội.
Hệ thống giáo dục linh hoạt
Theo tham luận của nhóm tác giả đến từ Trường ĐH Bách Khoa Hà Nộ, hệ thống giáo dục Mỹ rất linh hoạt cho phép sinh viên thay đổi ngành học chính bất cứ lúc nào vì thế sinh viên có thể theo đuổi ngành học mà họ thích thú, đam mê hoặc xuất sắc. Tốt nghiệp đại học, sinh viên sẽ có cơ hội được học lên cao học để nâng cao trình độ và phát triển nghề nghiệp.
Các chương trình cao học thường được hoàn thành trong vòng một đến hai năm tùy thuộc vào lĩnh vực chuyên môn. Hoàn thành chương trình thạc sĩ, học viên sẽ được cấp bằng thạc sĩ. Để được học lên và lấy bằng tiến sĩ, hầu hết các trường đều yêu cầu có bằng rhạc sĩ.
Các nghiên cứu sinh phải dành ít nhất 4 năm để nghiên cứu, trong thời gian đó họ phải theo học một vài môn, tham dự các buổi hội thảo và tham gia giảng dạy. Họ cũng cần có ít nhất 1 đến 2 bài báo khoa học được giới chuyên môn công nhận và ấn hành để tốt nghiệp và lấy bằng tiến sĩ.
Các trường đại học có quyền tự chủ rất lớn
Cũng theo tham luận của nhóm tác giả trên, Hợp chủng quốc Hoa Kỳ không có một hệ thống giáo dục toàn quốc, Hiến pháp không quy định trách nhiệm giáo dục của chính phủ liên bang nên tất cả các vấn đề giáo dục đều thuộc về từng bang. Cho dù có một Bộ giáo dục của liên bang nhưng chỉ có các chức năng: thu thập thông tin, cố vấn và giúp đỡ tài chính cho các chương trình giáo dục nhất định.
Các trường đại học Mỹ có quyền tự chủ rất lớn. Hội đồng quản trị trường đại học chịu trách nhiệm chủ yếu về các vấn đề tài chính, hoạch định và thực hiện các chiến lược, đánh giá hoạt động của nhà trường và của Ban Giám hiệu.
Các trường đặc biệt quan tâm xây dựng và phát triển thương hiệu, có sự cạnh tranh về sinh viên giỏi, giảng viên giỏi, về kinh phí dành cho nghiên cứu khoa học, uy tín của trường. Chính sự cạnh tranh đã giúp cho các trường đại học đào tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao.
Hệ thống kiểm định giáo dục lớn nhất thế giới
Hệ thống giáo dục của Mỹ được đánh giá là có chất lượng kiểm định rất cao. Ở Mỹ, nhà trường được phép hoạt động là do đáp ứng các yêu cầu về thành lập trường theo quy định từng tiểu bang như cơ sở vật chất, tính an toàn, tiền ký quỹ, thuế... Còn việc kiểm định lại liên quan đến chất lượng của các chương trình đào tạo.
Trường không được kiểm định sẽ không liên thông với các trường được kiểm định và sinh viên từ các trường không được kiểm định sẽ không có lợi thế khi tìm việc.
Ở Mỹ, có hai cơ quan công nhận các tổ chức kiểm định là Bộ Giáo dục liên bang (U.S. Department of Education, USDE) và Hội đồng kiểm định giáo dục đại học (Council for Higher Education Accredication, CHEA). Trong đó, USDE là cơ quan nhà nước và CHEA là cơ quan độc lập được các trường và các tổ chức kiểm định thừa nhận.
Hai cơ quan này không trực tiếp kiểm định các trường mà các trường được kiểm định thông qua các tổ chức kiểm định. Nước Mỹ có hệ thống kiểm định giáo dục lớn nhất thế giới với 8 tổ chức kiểm định vùng, 11 tổ chức kiểm định quốc gia để kiểm định từng lĩnh vực giáo dục và 66 tổ chức kiểm định nghề nghiệp được USDE hoặc/và CHEA công nhận.
Hệ thống giáo dục đại học của Mỹ gồm 3 loại hình trường chính, mỗi loại đều có cả trường công và trường tư, gồm: Các trường cao đẳng cộng đồng 2 năm; các trường kỹ thuật đào tạo 4 năm; các trường đại học tổng hợp.
Mỹ luôn là quốc gia được sinh viên nước ngoài lựa chọn nhiều nhất, có đến 1,1 triệu sinh viên nước ngoài trong tổng số 4,6 triệu sinh viên nhập học trên toàn thế giới vào năm 2017 . Phần lớn sinh viên quốc tế ở Mỹ đến từ Trung Quốc (350 755 người), tiếp đến là Ấn Độ (186 267 người) năm học 2016-2017.