Hoạt động trải nghiệm cần thực chất

GD&TĐ - Một số cơ sở giáo dục (CSGD) tổ chức học sinh đi trải nghiệm nhưng thiếu hoạt động giáo dục, như đi du lịch gây tốn kém, lãng phí...

Hoạt động trải nghiệm phải góp phần giúp học sinh hình thành năng lực, giá trị sống. Ảnh: ITN
Hoạt động trải nghiệm phải góp phần giúp học sinh hình thành năng lực, giá trị sống. Ảnh: ITN

Trước thực tế đó, một số sở GD&ĐT đã có văn bản chấn chỉnh để hoạt động này đúng ý nghĩa, góp phần giúp học sinh hình thành năng lực, giá trị sống.

Cơ hội để trưởng thành

Cô Lã Thị Hè, giáo viên dạy Hoạt động trải nghiệm, Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy, Thái Bình) trăn trở khi cùng với sự phát triển của kinh tế, khoa học công nghệ, trẻ em được chăm bẵm trong không gian có độ an toàn cao nhưng hết sức chật hẹp. Nhiều phụ huynh muốn con sống trong không gian an toàn ấy, đồng thời “chạy sô” học thêm để đạt thành tích học tập cao mà không hề, hoặc không muốn nhận ra: Trẻ nhỏ, cũng như con người nói chung, sinh ra trước tiên để sống thật sâu với đời sống luôn biến động, với bao hứa hẹn nhưng cũng đầy cạm bẫy, nguy cơ.

“Trẻ lớn lên ở nông thôn, khi ra thành phố như bị ném vào xứ lạ. Trẻ lớn lên ở thành phố nhìn thấy con trâu không biết con vật gì. Nhiều trẻ bốn, năm tuổi, nhưng hễ nghịch đất cát thì ông bà sợ bẩn, ra ngoài trời bố mẹ sợ nắng, gió… Trẻ nghịch dao đứt tay bởi không được học cách sử dụng, tránh xa dao khi bàn tay chưa đủ độ cứng cáp, khéo léo để cắt gọt. Hiện tượng đuối nước xảy ra khá thường xuyên lâu nay, lỗi không hoàn toàn do trẻ không biết bơi, mà còn bởi các em không được trải nghiệm để học cách tránh xa khu vực sông, hồ… Trải nghiệm chính là cơ hội để trẻ trưởng thành”, cô Hè chia sẻ.

Phân biệt việc đưa học sinh đi trải nghiệm và Hoạt động trải nghiệm theo chương trình giáo dục, cô Đinh Thị Bích Liên, Tổ phó Tổ Ngoại ngữ Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp (Hà Nội), cho biết: Hoạt động trải nghiệm là nội dung chính khóa bắt buộc trong Chương trình GDPT 2018. Hình thức học qua trải nghiệm trong nhà trường đa dạng, được tổ chức dưới nhiều cách khác nhau.

Có thể kể đến: Trò chơi, hội thi, diễn đàn, giao lưu, tham quan, du lịch, sân khấu hóa, thể dục thể thao thông qua các câu lạc bộ, công trình nghiên cứu, sinh hoạt lớp, giờ chào cờ, buổi trải nghiệm thực tế bên ngoài lớp học… Chương trình Hoạt động trải nghiệm mang tính mở; việc cụ thể hóa, chi tiết từng nội dung do nhà trường, địa phương chủ động tự xây dựng cho phù hợp với điều kiện thực tế.

Từ đó, cô Liên cho rằng, việc nhà trường tổ chức cho học sinh đi học tập trải nghiệm bên ngoài lớp học, thậm chí ngoài trường đúng với chủ trương. Và phải hiểu đây như một trong những hình thức tổ chức của hoạt động dạy học trải nghiệm sáng tạo được thực hiện trong chương trình giáo dục nhà trường.

Cô Trần Thị Thảo, Trường THCS Ban Mai (Hà Đông, Hà Nội) thì quan niệm: Tổ chức Hoạt động trải nghiệm theo hình thức tham quan ngoài trường học nên có, tùy vào điều kiện từng trường, địa phương, phụ thuộc vào mục tiêu giáo dục của nhà trường (dựa trên chương trình phổ thông, xây dựng các chuyên đề, nội dung trải nghiệm phù hợp…). Hoạt động trải nghiệm phong phú và đa dạng, nên không nhất thiết phải đưa học sinh đi xa và nhiều, gây tốn kém, mất thời gian.

Học sinh Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp tham gia Hoạt động trải nghiệm STEAM.

Học sinh Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp tham gia Hoạt động trải nghiệm STEAM.

Mang lại lợi ích thực chất

Để đưa học sinh đi trải nghiệm mang lại lợi ích thực chất cho người học, cô Trần Thị Thảo cho rằng, nhà trường cần xây dựng kế hoạch trải nghiệm trên cơ sở kế hoạch chuyên môn các bộ môn từ đầu năm, có thể tích hợp hoặc lược bớt hoạt động nếu trùng mục tiêu. Lựa chọn hoạt động phù hợp với mục tiêu giáo dục của nhà trường (về chuyên môn, giáo dục đạo đức...).

Mỗi khối lớp, đối tượng học sinh cần có kế hoạch tương ứng, tránh sử dụng kế hoạch trải nghiệm khối này cho khối khác. Đặc biệt, cần minh bạch và thống nhất tài chính với cha mẹ học sinh từ đầu năm để có được sự đồng thuận trong việc tổ chức. Các hoạt động trải nghiệm phải có mục tiêu rõ ràng, hoạt động cụ thể, sản phẩm đầu ra… tránh tình trạng một số trường tổ chức học sinh đi trải nghiệm nhưng thiếu hoạt động giáo dục, tổ chức như đi du lịch gây tốn kém và lãng phí…

Cũng đề cập tới vấn đề xây dựng kế hoạch, cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn triển khai tại Trường THCS và THPT M.V. Lômônôxốp. Theo đó, kế hoạch tổ chức hoạt động giáo dục được xây dựng từ đầu năm. Từ kế hoạch giáo dục của từng tổ chuyên môn, ban chuyên môn của trường, giáo viên xác định nội dung có thể liên môn để làm chương trình giáo dục trải nghiệm bên ngoài lớp học, nhà trường.

“Năm học vừa qua, trường đã tổ chức thành công nhiều chương trình trải nghiệm ngoài lớp học cho các khối lớp. Chúng tôi gọi là dịch chuyển không gian lớp học ra ngoài thế giới, không bó buộc xung quanh 4 bức tường với những bài học ảo. Nhà trường đã thực hiện được nhiều kết hợp liên môn thông qua kế hoạch giáo dục đầu năm, mang đến sự phấn khởi cho cả học sinh lẫn phụ huynh. Ví dụ, khối 8 đã liên môn Ngữ văn, Lịch sử, cho học sinh đi trải nghiệm học tập tại Hoàng thành Thăng Long nửa buổi. Sau đó, học sinh có bài thu hoạch, vừa trả lời câu hỏi môn Lịch sử bằng hình ảnh, video, đồng thời biết được hoàn cảnh ra đời của tác phẩm văn học trong chương trình đang học”, cô Đinh Thị Bích Liên chia sẻ.

Ở góc độ quản lý, cô Lê Thị Ngọc Dung, Hiệu trưởng Trường THCS Quản Cơ Thành (An Giang), nhận định: Về chuyên môn, trải nghiệm thực tế là hoạt động giáo dục tích cực hiện đại. Khuynh hướng giáo dục hiện đại hướng đến đào tạo kỹ năng và ứng dụng lý thuyết vào thực tế. Đó là lý do những cải cách giáo dục gần đây luôn quan tâm đến dạy học theo dự án.

Trường THCS Quản Cơ Thành hiện triển khai nhiều hoạt động thực tế như câu lạc bộ, tuần lễ bộ môn các sân chơi đầu tuần, sinh hoạt chủ điểm… Tuy nhiên, cô Lê Thị Ngọc Dung lưu ý, mọi phương pháp đều có hai mặt. Nếu lạm dụng các hoạt động để mưu cầu lợi ích cá nhân thì cần lên án.

“Việc thiết kế những trải nghiệm phải bảo đảm các tiêu chí: An toàn, tiết kiệm, hiệu quả và mang tính giáo dục. Địa điểm tổ chức cần thiết thực, phù hợp nội dung trải nghiệm. Nếu trải nghiệm khoa học tự nhiên nên tổ chức tại phòng bộ môn, phòng lab của trường; Nghiêng về văn hóa xã hội thì cần xác định chủ đề, khách mời và tổ chức phải có sự đồng thuận của phụ huynh học sinh”, cô Lê Thị Ngọc Dung cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ