Được ví như “trường học công viên” tại xã Điền Xá (Nam Trực, Nam Định), Trường THCS Điền Xá nằm ở trung tâm làng nghề hoa - cây cảnh Vị Khê có lịch sử hàng trăm năm. Trường có hệ thống vườn cây xanh phong phú và đa dạng với nhiều chủng loại. Ở khu vực trung tâm vườn có đài phun nước tự động, khu tiểu cảnh với non bộ đồi tùng rất sinh động. Sân trường đặt ghế đá ở nhiều vị trí khác nhau để thầy trò có thể tận hưởng vẻ đẹp từ mọi góc nhìn.
Thầy Đoàn Quốc Phòng - Hiệu trưởng Trường THCS Điền Xá cho hay, việc lồng ghép hoạt động trải nghiệm với giáo dục địa phương cho học sinh có vai trò quan trọng trong việc thực hiện Chương trình phổ thông mới. Do đó, nhà trường căn cứ theo các văn bản hướng dẫn từ Phòng GD&ĐT Nam Trực, phối hợp cùng với phụ huynh tổ chức nhiều hoạt động thực tế cho học sinh. Một trong số đó là hội thi các tác phẩm hoa cây cảnh của giáo viên, phụ huynh và học sinh nhà trường.
Đông đảo giáo viên, phụ huynh và học sinh Trường THCS Điền Xá đã tham gia hội thi hoa cây cảnh. |
Cũng theo lãnh đạo nhà trường, đây là hoạt động nằm trong kế hoạch giáo dục toàn diện đã được triển khai một cách hiệu quả với sự tham gia của cả thầy cô, gia đình và xã hội. Từ khâu chuẩn bị đã cho thấy sự nghiêm túc, chu đáo trong từng công việc nhỏ nhất. Ngay khi phát động, mỗi lớp đã mở một cuộc bình chọn online để tuyển ra các tác phẩm đặc sắc nhất góp mặt vào Hội thi. Vì thế chất lượng các tác phẩm khá đồng đều, đa dạng phong phú về chủng loại, dáng thế.
Các bậc phụ huynh đều là những người thợ lành nghề và tâm huyết nên họ rất nhiệt tình hưởng ứng, họ coi tác phẩm là những đứa con tinh thần được gửi gắm bao đam mê và tài hoa trong đó nên rất cẩn trọng từ khâu vận chuyển đến khâu bài trí. Các em học sinh tranh thủ những phút ra chơi giữa giờ và thời gian sau buổi học để cùng trưng bày sao cho đẹp nhất. Các em thực sự đã được sống trong bầu không khí của một lễ hội, đã có những giọt mồ hôi và cả những nụ cười lấp lánh niềm vui.
"Mỗi tác phẩm cây cảnh nghệ thuật không phải mang tính sản xuất hàng loạt như sản phẩm công nghiệp, mà nó mang tính bản thể, là duy nhất nên rất độc đáo. Vì thế khi được tìm hiểu về quá trình tạo tác cũng như những câu chuyện đằng sau tác phẩm, học sinh đều rất thích thú, hào hứng. Chính những nghệ nhân làng nghề đã thổi hồn vào cỏ cây vô tri vô giác khiến chúng trở nên sinh động và giàu ý nghĩa", thầy Nguyễn Văn Kiên - Phó Hiệu trưởng nhà trường nói.
Ông Đoàn Quang Vụ - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Nam Trực và cô Bùi Thị Hải Vân - Trưởng Phòng GD&ĐT huyện Bảo Thắng (Lào Cai) về thăm trường. |
Hiệu trưởng Trường THCS Điền Xá Đoàn Quốc Phòng cũng cho rằng, thông qua hoạt động này đã giúp học sinh thêm yêu mến, tự hào về truyền thống của làng nghề trồng hoa cây cảnh; thấu hiểu và trân trọng công sức lao động của cha mẹ. Họ không chỉ tạo ra những tác phẩm làm đẹp cho đời mà còn làm giàu cho gia đình, quê hương. Từ đó các em có định hướng nghề nghiệp tương lai phù hợp với khả năng của mình.
"Thông qua hoạt động trên, nhà trường còn giáo dục học sinh ý thức, trách nhiệm trong việc bảo vệ thiên nhiên môi trường thể hiện trong những việc làm cụ thể hàng ngày như trồng, chăm sóc cây xanh, biết các kĩ thuật cơ bản về cắt tỉa, tạo dáng cây, giữ gìn cảnh quan sạch đẹp. Khi tham gia trải nghiệm, các em có thêm những kĩ năng như làm việc nhóm, giải quyết các tình huống trong thực tế đời sống… Đây sẽ là động lực để nhà trường tiếp tục có những hoạt động bổ ích trong các năm học tiếp theo" - thầy Phòng nhấn mạnh thêm.
Ông Đoàn Quang Vụ - Trưởng Phòng GD&ĐT Nam Trực đánh giá cao tính hiệu quả, ý nghĩa từ mô hình này của Trường THCS Điền Xá. Đã có rất nhiều trường bạn đến thăm quan, học hỏi mô hình này để về áp dụng thực tế. Hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp gắn với giáo dục địa phương không phải đơn vị nào cũng có thể làm tốt ngay từ đầu. Mỗi nhà trường cần căn cứ điều kiện thực tế của địa phương để áp dụng mô hình phù hợp.