Hoàng thành Thăng Long rực rỡ với lễ hội WildFest

GD&TĐ - Vừa qua, lần đầu tiên tại Việt Nam, một lễ hội chiếu phim và trình diễn ca nhạc ngoài trời với chủ đề về động vật hoang dã đã được tổ chức tại hoàng thành Thăng Long, Hà Nội. 

Hoàng thành Thăng Long rực rỡ với lễ hội WildFest
  • Hoàng thành Thăng Long rực rỡ với lễ hội WildFest ảnh 1Hoàng thành Thăng Long rực rỡ với lễ hội WildFest ảnh 2Hoàng thành Thăng Long rực rỡ với lễ hội WildFest ảnh 3Hoàng thành Thăng Long rực rỡ với lễ hội WildFest ảnh 4Hoàng thành Thăng Long rực rỡ với lễ hội WildFest ảnh 5
    Sự kiện là nơi các diễn giả cùng kêu gọi sự chung tay của cộng đồng nhằm chống lại việc sử dụng và buôn bán trái phép các sản phẩm từ động vật hoang dã. Rất nhiều nghệ sĩ nổi tiếng đã có mặt tại sự kiện.

WildFest năm nay quy tụ sự tham gia của nhiều ca sĩ đang được yêu thích trong làng âm nhạc Việt Nam như: Kyo York , Đinh Mạnh Ninh, Tô Minh Đức, Phạm Tiến Đạt, Suboi…

Được khởi động vào cuối tháng 06/2015, WildFest là cuộc thi phim ngắn về nạn buôn bán động vật hoang dã bất hợp pháp. Đây là một phần của chương trình Cùng hành động tạo sự thay đổi (Operation Game Change - OGC), một chiến dịch quốc gia nhằm thu hút sự chú ý và tạo ảnh hưởng với cộng đồng về các vấn đề có liên quan tới nạn buôn bán động vật hoang dã tại Việt Nam, đặc biệt nhằm chấm dứt việc buôn bán sừng tê giác.

Thông điệp của chương trình là: Mỗi người trong chúng ta đều có vai trò quan trọng trong những nỗ lực ngăn cản sự săn bắt, mua bán và tiêu thụ những động vật hoang dã. WildFest được phối hợp tổ chức bởi Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam cùng chính phủ Việt Nam và Tổ chức Freeland.

Khai mạc WildFest, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam, ông Ted Osius đánh giá cao sự ủng hộ mạnh mẽ của phía Việt Nam với thông điệp: Không dùng, không nhận và không tặng các sản phẩm làm từ sừng tê giác. Ông Osius nhấn mạnh: Sừng tê giác không phải là thuốc, không phải là biểu tượng của đẳng cấp, mà là biểu tượng của tội ác.

Tiếp lời ông Osius, Đại sứ Anh tại Việt Nam, ông Giles Lever cũng cho biết: Tiêu diệt tê giác để lấy sừng không chỉ ảnh hưởng tới môi trường tự nhiên, mà còn tới các dân tộc trên thế giới. Các thế hệ sau sẽ không còn có cơ hội tận mắt nhìn thấy những tê giác nữa, mà chỉ còn thấy trên những thước phim, những tấm ảnh.

Có thể nói, công tác bảo tồn loài tê giác trên thế giới đã đạt được những kết quả bước đầu. Tại Nam Phi, loài tê giác trắng đã xuất hiện trở lại sau 20 năm biến mất. Để duy trì được thành quả và tiến xa hơn, rất cần sự tham gia nhiều hơn của các chính phủ, các tổ chức địa phương và toàn bộ cộng đồng dân cư.

Điểm nhấn của lễ hội WildFest là sự ra mắt của 17 bộ phim ngắn về đề tài bảo vệ động vật hoang dã. Trong đó có 11 phim tranh giải, 3 phim không tranh giải và 3 phim khách mời. Sau khi xem xét và đánh giá, Ban giám khảo đã quyết định trao giải thưởng Lớn, giải danh giá nhất, cho bộ phim “Nhật ký trong chuồng” của đạo diễn trẻ Lê Minh Giang. Giải có giá trị 50 triệu đồng và một chuyến đi Nam Phi.

Hai giải còn lại, gồm giải Lựa chọn của báo chí được trao cho phim “Không tên” của đạo diễn Phạm Hoàng Phúc; và giải đặc biệt của Ban giám khảo cho phim “Khi khu vườn im lặng” của nữ đạo diễn Nguyễn Mỹ Dung.

Các bộ phim đoạt giả không chỉ được chiếu tại sự kiện WildFest 2015, mà sẽ còn được phát hành qua các kênh khác sau sự kiện, như Youtube và Yeah1!, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận với các tác phẩm đặc sắc của cuộc thi.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ