Thi sĩ Vũ Đình Liên sinh ngày 15/10/1913 tại Hà Nội nhưng quê gốc ở thôn Châu Khê, xã Thúc Kháng (Bình Giang, Hải Dương). Đỗ tú tài năm 1932, từng dạy học ở các trường Tư thục Thăng Long, Gia Long, Nữ sinh Hoài Đức. Ông học thêm trường Luật, đỗ cử nhân, làm công chức ở Nha Thương chính (sở Đoan) Hà Nội; tham gia quản lý báo Tinh hoa, chủ trương tờ Revue Pédagogique.
Đương thời, ông in thơ sớm nhưng không nhiều, chủ yếu trên các báo Phong hóa, Loa, Phụ nữ thời đàm, đặc biệt nổi tiếng với bài Ông đồ in trên báo Tinh hoa (1936)… Người đương thời bình thơ Vũ Đình Liên có Hà Nhân, P.V, Lê Tràng Kiều, Lam Giang, Hoài Thanh – Hoài Chân, Dương Quảng Hàm…
Thế thời vận vào văn chương
Thi sĩ Vũ Đình Liên. |
Trên thực tế, ngay từ giữa năm 1934, Vũ Đình Liên đã có thơ in trên báo Phong hóa (Chiêu Quân, Lòng thương, Thân tàn ma dại, Ngày khai trường, Tiếng hát ru) và riêng bài Hồn xưa (1935) được Nguyễn Nhuệ Thủy tuyển in trong tập Những áng thơ hay (Lê Tràng Kiều đề tựa. Văn nghệ Tùng thư Xb, 1935)… Cũng từ rất sớm, từ Sài Gòn, Hà Nhân (Trần Thiêm Thới) trong bài sơ kết Phong trào thi ca mới: Khuynh hướng – Hiện trạng – Đặc sắc – Khuyết điểm đã nhắc đến trường hợp Vũ Đình Liên: “Văn chương với thời thế vốn có quan hệ mật thiết với nhau luôn.
Những cuộc chánh biến trong lịch sử một dân tộc đều có vang bóng đến nền văn chương của dân tộc ấy. Văn chương nước ta không vượt khỏi ngoài vòng công lệ đó được (…). Ta có thể bảo rằng thi liệu của phái thi mới bây giờ chỉ là ái tình và mộng cảnh.
Vâng, cũng có vài thi sĩ đang tìm cảm hứng ở nơi khác. Vũ Đình Liên hay vịnh những cảnh khốn nạn của hạng người khốn nạn. Nhưng thơ của thi sĩ nầy còn thiếu cái lực lượng cảm xúc… Cho nên, cứ như hiện trạng của nó, thơ mới chỉ hay ở trong vòng yêu đương, mơ mộng. Bước ra khỏi hai đầu đề ấy, ngọn bút của nhà thơ mới đã mất lực” (Sống, số 28, ra ngày 7/9/1935).
Vào độ cuối năm, Vũ Đình Liên đã có buổi thuyết trình về ba đặc tính Thơ mới (Lời thơ - Điệu thơ - Tứ thơ) với ba đại diện tiêu biểu (Thế Lữ, Huy Thông, Thái Can) tại Hội quán Hội Trí tri Nam Định nhưng ký giả P.V lại tường thuật với nhan đề Ông Vũ Đình Liên hiến bà con thành Nam câu chuyện “Thơ mới” hay một liều thuốc ngủ và giọng điệu nặng về châm biếm, thiên lệch, một chiều (Hà thành ngọ báo, số 2446, ra ngày 6/11/1935).
Chuyển qua năm sau, bình giả Lê Tràng Kiều có bài giới thiệu Thơ mới Vũ Đình Liên, trước hết nhấn mạnh đặc tính trữ tình trong dòng chủ lưu thơ lãng mạn đương thời: “Nếu có nhà thi sĩ khêu gợi lại những cái nhí nhỏm, ngộ nghĩnh của cái thế giới cũ của Nguyễn Nhược Pháp; thì cũng phải có một nhà thi sĩ như Vũ Đình Liên đưa ta về cái dĩ vãng thân yêu, đầy tuyết đẹp sương trong, đầy lá thu và hoa xuân, đầy những dịu dàng và êm ái…
Với Vũ Đình Liên thì ta thấy buồn buồn một cách buồn man mác, có khi réo rắt nữa, như buổi chớp nhoáng ta nhìn những núi sông lờ mờ ở chân trời xa, đương biến hình đổi dạng.
Ta thấy ta nhớ những cảnh cũ niềm xưa… Ta thấy ta là một kẻ mải bước giang hồ, chợt nhớ đến cảnh quê hương”, tâm thế tìm về cái ngày xưa, dân tộc qua chứng dẫn một bài thơ tiêu biểu, đỉnh cao: “Trong lúc tâm hồn ta cuốn theo làn sóng Âu Tây, làn sóng, than ôi; không biết còn đẩy ta đến chỗ nào nữa, mà được trong giây lát, đứng im lặng để hồi tưởng cái dĩ vãng đã xa mờ thì cái giây lát nó thành kính, nó long trọng, nó ý nghĩa biết bao, hơn thế nữa, nó cho ta một luồng mát mẻ làm rơi cả tâm hồn.
Nhưng mỗi năm mỗi vắng,
Người thuê viết đi đâu?
Giấy đỏ, buồn không thắm,
Mực đọng trong nghiên sầu.
Ông đồ vẫn ngồi đấy,
Qua đường không ai hay.
Lá vàng rơi trên giấy,
Ngoài trời mưa bụi bay.
(Ông Đồ)
Ta cảm thấy cả một thế giới điêu tàn đã rời rạc, đổ vỡ (…). Trong những cảnh suy tàn đã diễn ra trước mắt ta, còn có cái cảnh suy tàn nào não nùng hơn nữa?
Cái cảnh ông đồ chỉ là một cảnh suy tàn trong những cảnh suy tàn khác mà Dĩ vãng khi đi qua còn để lại”, đồng thời đi sâu phân tích các bài thơ Thành cũ, Tiếng hát ru, Hối hận rồi liên hệ, mở sang dòng thơ vô sản: “Có kẻ nói: Vũ Đình Liên là một nhà thơ lao động, vì thấy hơn phần nửa tác phẩm của ông dành cho những anh em khốn khổ. Phải nói là: Một nhà thơ lao động tương lai thì đúng hơn.
Cũng như nhiều nhà văn sĩ khác, ông Vũ Đình Liên cũng muốn đưa cái nghệ thuật của mình ra mà phục dịch cho một tôn chỉ “nhân đạo”, thật là một cái chủ ý đáng khuyến khích vô cùng, nhưng hiện nay, ta cũng nên nhận rằng: Cái Nghệ thuật của ông chưa diễn được một cách đầy đủ cái chú ý của ông. Thực ra ta cũng thấy lắm câu tha thiết lắm, chẳng hạn như những câu này:
Đã có khi vội vã để vô tình,
Bao nhiêu nỗi đau thương không an ủi.
Đã có khi miệt mài, không tưởng tới,
Ở trên đời còn bao kẻ điêu linh!
(Hối hận)
Nhưng đó ta chỉ thấy rằng Vũ Đình Liên là một thi sĩ có tương lai về lối thơ ấy. Chỉ có thế thôi. Một đoạn ấy cũng không đủ để ta dâng cho ông cái huy hiệu “Nhà thơ lao động”. To chuyện quá. Về lối thơ lao động, tôi sẽ có dịp bàn đến” (Hà Nội báo, số 26, ra ngày 1/7/1936).
Lấy hoài cổ làm mới lời thơ
Trong mục Những khuynh hướng phục cổ trong sách Khảo luận luật thơ mới (Huế, 1940), Lam Giang giới thuyết lối thơ phục cổ và dẫn giải bằng thơ Vũ Đình Liên: “Những bài thơ sáng tác với khuynh hướng phục cổ đã đem lại ít nhiều hương vị sâu đậm xót xa… Hoặc có khi hình thức cũ được trang bị thêm những kỹ thuật mới về vận luật.
Ví dụ như bài Ông đồ của Vũ Đình Liên dùng lối ngũ ngôn và mỗi đoạn 4 câu đều gieo vần cách có cả vần trắc ở những câu 1, 3, vần bằng ở những câu 2, 4: Mỗi năm hoa đào nở,/Lại thấy ông đồ già… Những hình thức cũ tồn tại là vì chúng còn có lý do tồn tại: Hình thức vận luật tề chỉnh rất thích hợp để diễn tả những trạng thái không cần biểu hiện một cách ồ ạt, những cảm nghĩ hình như lắng lại trong lòng người để bốc lên những làn hương thơm một cách tế nhị và tha thiết một cách thầm kín.
Những khuynh hướng phục cổ này vẫn có can đảm xuất hiện trong lúc phong trào Thơ mới bộc phát, tiến song song với nó và đang phát triển trước phong trào Thơ Tự Do ngày nay”…
Về sau này, ở bài Một thời đại trong thi ca trong sách Thi nhân Việt Nam (Nguyễn Đức Phiên Xb, Huế, 1942) thêm một lần nhấn mạnh vị thế Vũ Đình Liên trên báo Phong hóa, sự ảnh hưởng sâu đậm nguồn thơ Pháp cũng như nhắc lại: “Novembre 1935: Ô. Vũ Đình Liên diễn thuyết tại hội Trí tri Nam Định”, từ đó đi sâu phân tích và so sánh với thơ Huy Cận: “Tôi có cần phải nói ngay rằng Vũ Đình Liên không phải một người xấu số? Trong làng thơ mới Vũ Đình Liên là một người cũ.
Từ khi phong trào thơ mới ra đời, ta đã thấy có thơ Vũ Đình Liên trên các báo. Người cũng ca tình yêu như hầu hết mọi nhà thơ hồi bấy giờ. Nhưng hai nguồn thi cảm chính của người là lòng thương người và tình hoài cổ. Người thương những kẻ thân tàn ma dại, người nhớ những cảnh cũ người xưa.
Có một lần hai nguồn cảm hứng ấy đã gặp nhau và đã để lại cho chúng ta một bài thơ kiệt tác: Ông đồ. Ông đồ năm đến mùa hoa đào, lại ngồi viết thuê bên đường phố. “Ông chính là cái di tích tiều tụy đáng thương của một thời tàn”.
Ít khi có một bài thơ bình dị mà cảm động như vậy. Tôi tưởng như đọc lời sám hối của cả bọn thanh niên chúng ta đối với lớp người đương đi về cõi chết. Đã lâu lắm chúng ta chỉ xúm nhau lại chế giễu họ quê mùa, mạt sát họ hủ lậu. Cái cảnh thương tâm của nền học Nho lúc mạt vận chúng ta vô tình không lưu ý.
Trong bọn chúng ta vẫn có một hai người ca tụng đạo Nho và các nhà nho. Nhưng chế giễu mạt sát không nên, mà ca tụng cũng không được. Phần đông các nhà nho còn sót lại chỉ đáng thương.
Không nghiên cứu, không lý luận, Vũ Đình Liên với một tấm lòng dễ cảm đã nhận ra sự thực ấy và gián tiếp chỉ cho ta cái thái độ hợp lý hơn cả đối với các bực phụ huynh của ta. Bài thơ của người có thể xem là một việc nghĩa cử.
Theo đuổi nghề văn mà làm được một bài thơ như thế cũng đủ. Nghĩa là đủ để lưu danh, đủ với người đời. Còn riêng đối với thi nhân thực chưa đủ. Tôi thấy Vũ Đình Liên còn bao điều muốn nói, cần nói mà nghẹn ngào không nói được.
“Tôi bao giờ lời Vũ Đình Liên cũng có cái cảm tưởng là không đạt được ý thơ của mình. Cũng vì không tin thơ tôi có một chút giá trị nên đã lâu tôi không làm thơ nữa” (Thư đề ngày 9/1/1941). Vũ Đình Liên đã hạ mình quá đáng, chúng ta đều thấy.
Nhưng chúng ta cũng thấy trong lời nói của người một nỗi đau lòng kín đáo. Người đau lòng thấy ý thơ không thoát được, lời thơ như linh hồn bị giam trong nhà tù xác thịt. Có phải vì thế mà hồi 1937, trước khi từ giã thi đàn, người đã gửi lại đôi vần thơ u uất:
Nặng mang mãi khối hình hài ô nhục,
Tâm hồn ta đã nhọc tự lâu rồi!
Bao nhiêu xanh thăm thẳm trên bầu trời;
Bao bóng tối trong lòng ta vẩn đục!
Nghĩ cũng tức! Từ hồi 1935, tả cảnh thu, Vũ Đình Liên viết:
Làn gió heo may xa hiu hắt,
Lạnh lùng chẳng biết tiễn đưa ai!
Hai câu thơ cũng sạch sẽ, dễ thương. Nhưng làm sao người ta còn nhớ được Vũ Đình Liên khi người ta đã đọc, bốn năm sau, mấy câu thơ Huy Cận cùng một tứ: Ôi! Nắng vàng sao mà nhớ nhung!/ Có ai đàn lẻ để tơ chùng?/ Có ai tiễn biệt nơi xa ấy,/ Xui bước chân đây cũng ngại ngùng...
Cũng may những câu thơ hoài cổ của Huy Cận: Bờ tre rung động trống chầu,/ Tưởng chừng còn vọng trên lầu ải quan,/ Đêm mơ lay ánh trăng tàn,/ Hồn xưa gửi tiếng thời gian, trống dồn..., những câu thơ tình nhẹ nhàng, tứ xa vắng, chưa đến nỗi làm ta quên cái lòng hoài cổ âm thầm, u tịch của Vũ Đình Liên:
Lòng ta là những hàng thành quách cũ,
Tự ngàn năm bỗng vẳng tiếng loa xưa”…
Rồi hai ông tuyển Vũ Đình Liên hai bài Lòng ta là những hàng thành quách cũ và Ông đồ (xếp đồng hạng cùng những Thanh Tịnh, Huy Thông, Nguyễn Vỹ, Yến Lan, Phạm Hầu, Xuân Tâm, Bàng Bá Lân, Bích Khê, Nguyễn Nhược Pháp, Mộng Tuyết, Nguyễn Xuân Huy)…
Đến chặng cuối, Dương Quảng Hàm trong mục bài: “Xét về mấy thi sĩ hiện đại và các tác phẩm của những nhà ấy, âm luật, đề mục và thi hứng của những nhà ấy” đã xác định các cách hiệp vần, gieo vần và nhận diện đặc điểm vần thơ Vũ Đình Liên: “Vần ôm nhau: Giữa hai vần trắc xen vào hai vần bằng, hoặc trái lại thế. Thí dụ, Hồn xưa (khổ thứ I):
Lặng lẽ trên đường lá rụng mưa bay (v.b.)
“Như kêu gợi nỗi nhớ nhung thương tiếc” (v.t.)
Những cảnh với những người đã chết (v.t.)
Tự bao giờ còn phảng phất đâu đây! (v.b.)
(Vũ Đình Liên trong Những áng thơ hay. Văn nghệ Tùng thư Hải Dương)” (Việt Nam văn học sử yếu. Nha Học chính Đông Pháp Xb, Hà Nội, 1943)...
Người đương thời đã tinh tế, khách quan, đánh giá cao tiếng thơ hoài cổ, sự ảnh hưởng nguồn thơ Pháp, những đóng góp sáng rõ trong giai đoạn đầu cũng như mầm triệu dòng thơ vô sản, thơ hướng về người lao động của Vũ Đình Liên xuất hiện ngay trong phong trào Thơ mới 1932-1945.